Bộ Y tế công bố 36 công ty đủ điều kiện nhập khẩu và bảo quản vắc xin COVID-19
Theo danh sách của Bộ Y tế cập nhật đến ngày 13/5, 36 công ty doanh nghiệp này được cấp phép chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phạm vi nhập khẩu vắc xin, kinh doanh dịch vụ bảo quản vắc xin, trong đó có vắc xin COVID-19.
Một số đơn vị nổi bật trong danh sách này như: Công ty TNHH một thành viên Dược Sài Gòn: Số 18-20 Nguyễn Trường Tộ, phường 12, quận 4, TP.HCM. Công ty TNHH DKSH Pharma Việt Nam: Số 23, đại lộ Độc Lập, Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore, phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Công ty CP Xuất nhập khẩu y tế TP.HCM: Số 181 Nguyễn Đình Chiểu, phường 6, quận 3, TP.HCM.
Công ty TNHH Sanofi-Aventis Việt Nam: Số 10 Hàm Nghi, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Công ty TNHH Pfizer (Việt Nam): Tầng 13, TNR Tower, 180-192 Nguyễn Công Trứ, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM. Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế: Số 135 Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội...
Các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu nhập khẩu vắc xin COVID-19 có thể liên lạc với các đơn vị có đủ điều kiện và pháp nhân nhập khẩu mà Bộ Y tế đã công bố.
Để tạo điều kiện cho các đơn vị trong việc nhập khẩu vắc xin COVID-19 với nhu cầu cấp bách hiện nay, Bộ Y tế đề nghị, trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng với cơ sở sản xuất hoặc cung ứng vắc xin, các đơn vị cần lưu ý một số nội dung.
Cụ thể, với các vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng trong tình trạng khẩn cấp (từ các cơ sở sản xuất: AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm, Johnson & Johnson...), Bộ Y tế sẽ xem xét phê duyệt trong thời gian 5 ngày làm việc khi nhận đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ và kèm theo ủy quyền chính thức của cơ sở sản xuất vắc xin phòng COVID-19.
Với các vắc xin đã được các quốc gia khác phê duyệt nhưng chưa được WHO phê duyệt sử dụng trong tình trạng khẩn cấp, Bộ Y tế sẽ xem xét, phê duyệt trong thời gian 10 ngày làm việc khi nhận được đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ và kèm theo ủy quyền chính thức của cơ sở sản xuất vắc xin phòng COVID-19.
Khi làm thủ tục nhập khẩu vắc xin vào Việt Nam, các đơn vị khẩn trương gửi hồ sơ chất lượng theo quy định (bao gồm: Giấy chứng nhận xuất xưởng của cơ sở sản xuất hoặc Giấy chứng nhận chất lượng của cơ quan quản lý) để Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế (NICVB) cấp Giấy chứng nhận xuất xưởng trong vòng 48 giờ theo khuyến cáo của WHO để bảo đảm chất lượng, tránh việc nhập khẩu vắc xin không rõ nguồn gốc.
Trường hợp các doanh nghiệp, tổ chức chưa có kinh nghiệm, chưa đủ điều kiện nhập khẩu vắc xin theo quy định, đề nghị liên hệ với các đơn vị đủ điều kiện nhập khẩu vắc xin để phối hợp thực hiện.
Đối với các đơn vị không có khả năng tiêm chủng, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo các đơn vị trong ngành Y tế tổ chức tiêm chủng cho người dân.
Đối với các địa phương, đơn vị có khả năng nhập khẩu, tiếp cận nguồn cung vắc xin phòng COVID-19 nêu trên, Bộ Y tế sẽ tạo điều kiện cấp phép nhập khẩu, kiểm định và chỉ đạo tổ chức công tác tiêm chủng bảo đảm tiến độ, an toàn và hiệu quả.
Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị cũng như Nghị quyết 21 của Chính phủ, thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với tất cả các bộ, ban, ngành, khuyến khích tất cả các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị tham gia vào tìm kiếm, nhập khẩu vắc xin phòng COVID-19 nhằm mục đích có nguồn vắc xin cung cấp cho Việt Nam nhanh nhất, sớm nhất và rộng nhất.
Bộ Y tế cho biết, sẽ cắt giảm tối đa thời gian xử lý thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, an toàn vắc xin và chống việc giả mạo vắc xin.
Bên cạnh đó, Bộ cũng lưu ý, hiện nay có tình trạng nhiều bên đứng ra làm đại diện môi giới vắc xin. Các địa phương, tập đoàn, doanh nghiệp nên làm việc trực tiếp với nhà sản xuất vắc xin hoặc đơn vị được nhà sản xuất ủy quyền, không nên qua bên thứ 3, để tránh nguy cơ mua phải hàng giả hoặc bị lừa đảo.
Xem thêm: Bộ Y tế khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vaccine COVID-19
Hà Ly