Bộ Y tế lo ngại người nhập cảnh trái phép qua biên giới trên biển Tây Nam Bộ

15:03 | 26/04/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá, nguy cơ dịch COVID-19 từ Campuchia xâm nhập luôn hiện hữu. Dù đường biên giới trên bộ ở Tây Nam Bộ được kiểm soát tốt nhưng biên giới trên biển lại là thách thức.

Hiện nay, diễn biến tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và trong khu vực khiến nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ nước ngoài vào Việt Nam rất lớn. 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đánh giá những đợt dịch xảy ra lần sau thường lớn hơn, mạnh hơn và tàn khốc hơn lần trước. Việt Nam luôn đứng trước nguy cơ xảy ra đợt dịch thứ 4 từ người nhập cảnh trái phép cộng với sự lơ là, mất cảnh giác của bộ phận người dân trong nước.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tục có những chỉ đạo với công tác phòng chống dịch COVID-19, liên tục có cảnh báo với người dân, đồng thời triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn lây nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam.

Bộ Y tế lên kịch bản chống dịch COVID-19 xâm nhập Tây Nam Bộ

Đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Kiên Giang

Theo Bộ trưởng, ngành Y tế đã chuẩn bị các kịch bản trong tình huống dịch lan rộng, tình huống dịch xuất hiện tại địa phương, nhất là với khu vực Tây Nam bộ, Bộ Y tế liên tục có những chỉ đạo khẩn, để làm sao kiểm soát tốt tình hình dịch tại Việt Nam.

Bộ trưởng đánh giá, Tây Nam bộ là khu vực trọng điểm vì tình hình lây nhiễm COVID-19 ở Campuchia, khả năng xâm nhập ca bệnh vào Việt Nam. Dù kiểm soát biên giới đường bộ đã được triển khai rất tốt nhưng kiểm soát biên giới trên đường biển lại là thách thức đối với tất cả các tỉnh tại khu vực này.

Qua khảo sát tại Kiên Giang, từ Hà Tiên về thành phố Rạch Giá (thuộc tỉnh Kiên Giang) cách nhau 100km, việc đi lại khó khăn. Địa phương này còn đang điều trị số ca mắc COVID-19 khá lớn.
Bộ Y tế thấy phải thành lập bệnh viện dã chiến khu vực này để có thể chủ động và tích cực ứng phó với dịch bênh khi có kịch bản xấu xảy ra nhằm kiểm soát và điều trị kịp thời các ca bệnh.

Vừa qua, Bộ Y tế đã thành lập 5 đoàn công tác do Bộ trưởng và 4 Thứ trưởng đến tất cả các tỉnh/thành trong khu vực Tây Nam Bộ để rà soát tất cả các vấn đề liên quan tới việc ứng phó với dịch COVID-19 tại từng địa phương.

Ngành y tế đã chuẩn bị các kịch bản nếu khu vực này xuất hiện ca nhiễm cộng đồng; có ca lây nhiễm trong cộng đồng mà chúng ta không biết; xuất hiện lây nhiễm mạnh trong cộng đồng. Tất cả kịch bản này đều rà soát, đánh giá lại và khuyến cáo các địa phương điều chỉnh trong quá trình Bộ kiểm tra.

Một vấn đề khác cũng được Bộ Y tế đặc biệt lưu ý là nguy cơ các biến chủng kép SARS-CoV-2 tại Ấn Độ hoặc biến chủng của Anh tại Campuchia xâm nhập vào Việt Nam. Nếu tình huống này xảy ra, việc lây nhiễm cộng đồng có thể xảy ra và nguy cơ rất lớn. Từ ổ dịch nhỏ thành ổ dịch lớn.

Do đó, Bộ quyết liệt chỉ đạo khu vực này có các biện pháp khống chế, kiểm soát khi xảy ra dịch, không bối rối hay chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch.

Vừa qua, Ban Chỉ đạo Quốc gia đã họp với các tỉnh Tây Nam bộ, các tỉnh có đường biên giới với Campuchia để tăng cường các biện pháp phòng chống dịch trong khu vực. Cần tuân thủ thực hiện 5K trong phòng chống dịch.

Qua công tác thực tế tại các tỉnh khu vực Tây Nam, Bộ trưởng khuyến cáo người dân nếu phát hiện người nhập cảnh trái phép, cần lập tức báo với chính quyền địa phương.

"Chúng ta hình dung câu chuyện chỉ một người nhập cảnh trái phép nhiễm COVID-19 mà không phát hiện ra kịp thời, sẽ khiến nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất lớn. Điều này hết sức nguy hiểm…", Bộ trưởng nói.

Tất cả các địa phương cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca nhiễm COVID-19. Càng phát hiện sớm bao nhiêu thì càng kiểm soát dịch nhanh chóng bấy nhiêu đồng thời cũng phải chuẩn bị các kịch bản xấu như dịch lan tràn trong cộng đồng trong thời gian rất ngắn để sẵn sàng ứng phó, không lúng túng, bị động.

Xem thêm: Kêu gọi đồng bào Việt Nam tại các nước láng giềng tạm thời không về nước

Hà Ly