Bộ Y tế phân bổ 245.000 liều vắc xin COVID-19 đợt 4, đàm phán mua vắc xin của của Johnson & Johnson
Vừa qua, Bộ Y tế có quyết định phân bổ vắc xin COVID-19 AstraZeneca đợt 4 với tổng số gần 245.000 liều cho 43 đơn vị, trong đó gồm 22 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) của 22 tỉnh, thành và 21 đơn vị khác.
Trong đợt phân bổ lần này, Bộ Y tế ưu tiên cho hai địa phương là điểm nóng dịch bệnh đó là Bắc Giang và Bắc Ninh. Theo đó, CDC Bắc Giang và Bắc Ninh mỗi đơn vị nhận 50.000 liều.
Tiếp đến, CDC Hà Nội 20.000 liều, CDC tỉnh Hải Dương 17.600 liều, CDC tỉnh Cần Thơ 10.000 liều, CDC Quảng Ninh 8.800 liều, CDC các tỉnh khác từ 3.500 - 8.300 liều.
Bộ Y tế đang đàm phán mua vắc xin COVID-19 của Johnson & Johnson
Ngoài ra 3 bệnh viện được phân bổ vắc xin COVID-19 phục vụ tiêm cho nhân viên y tế và các đối tượng được ưu tiên gồm Bệnh viện E 7.000 liều; BV Nhi Trung ương 5.000 liều, Bệnh viện K Trung ương 1.500 liều.
Viện Pasteur Tp. Hồ Chí Minh được phân bổ 6.000 liều vaccine. Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia đươc phân bổ 4.350 liều...
Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành chỉ đạo CDC các tỉnh tiếp nhận, bảo quản và tổ chức triển khai tiêm chủng số vắc xin nói trên theo đúng đối tượng ưu tiên trong Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ và triển khai tiêm cho các đối tượng nguy cơ là công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Các đơn vị được phân bổ cần xem xét triển khai tiêm mũi 2 sau 8 -12 tuần cho các đối tượng đã được tiêm mũi 1 hoặc triển khai tiêm mũi 1 cho các đối tượng chưa được tiêm để tăng độ bao phủ tiêm chủng.
Trong nỗ lực thực hiện chiến lược vắc xin phục vụ nhu cầu phòng chống dịch cấp bách trong nước, ngày 4/6, Bộ Y tế cho biết đang tích cực đàm phán mua vắc xin COVID-19 của Johnson & Johnson.
Bộ Y tế đề xuất Johnson & Johnson có kế hoạch cung ứng vắc xin COVID-19 cho Việt Nam, đồng thời đề xuất được hợp tác với hãng dược của Mỹ về gia công và chuyển giao công nghệ, thiết lập nhà máy sản xuất vắc xin tại Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, hiện rất nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam muốn tham gia vào chuỗi cung ứng vắc xin toàn cầu. Việt Nam cũng là 1 trong hơn 40 quốc gia có thể sản xuất vắc xin phục vụ nhu cầu tiêm chủng của người dân, do đó nước ta tự tin về kinh nghiệm sản xuất của các nhà máy.
“Hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin (NRA) của Việt Nam cũng đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn của tổ chức này. Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn Johnson & Johnson chuyên giao công nghệ để sản xuất vắc xin tại Việt Nam”, Bộ trưởng nói.
Phía Johnson & Johnson cam kết sau cuộc làm việc với Bộ Y tế sẽ nỗ lực triển khai tất cả các giải pháp để thúc đẩy nhanh quá trình cung ứng vắc xin qua cơ chế COVAX, giúp Việt Nam có vắc xin của Johnson & Johnson sớm nhất.
Đại diện của Johnson& Johnson cũng thông tin đã có kế hoạch để nộp hồ sơ đăng ký vắc xin tại Việt Nam đồng thời sẽ nghiên cứu khả năng chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin cho Việt Nam.
Hiện 38,9 triệu liều vắc xin Astrazeneca qua nguồn COVAX đang dần được chuyển về Việt Nam. Bộ Y tế cũng đăng ký với COVAX để mua thêm vắc xin theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí.
Bên cạnh đó, Việt Nam đàm phán thành công và ký kết với Pfizer/BioNTech về việc cung ứng 31 triệu liều vắc xin COVID-19. Tháng 11/2020, nước ta cũng đàm phán và ký kết với Astrazeneca khoảng 30 triệu liều.
Chiều 2/6, phía Nga đồng ý cung ứng cho Việt Nam 20 triệu liều vắc xin Sputnik V trong năm 2021.
Với nguồn cung ứng của Nga, Mỹ và Anh, Việt Nam đã dần hướng tới mục tiêu mua đủ 150 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 trong năm 2021 để tiêm chủng cho 75% dân số Việt Nam. Hướng tới mục tiêu miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022.
Xem thêm: Vắc xin COVID-19 Vero Cell của Trung Quốc vừa được Bộ Y tế phê duyệt hiệu quả đến đâu?
Hà Ly