Bóng ma suy thoái đeo bám thị trường chứng khoán Mỹ
Phiên đầu tuần 12/12, các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng điểm khi nhà đầu tư "săn" cổ phiếu giá rẻ theo sau đà sụt giảm trong phiên cuối tuần trước. Đà tăng điểm kéo dài sang phiên 13/12, khi lạm phát tại Mỹ tăng chậm lại nhiều hơn dự kiến và mở đường cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm tốc độ tăng lãi suất.
Giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 11 tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2021, giảm từ mức 7,7% của tháng 10 và thấp hơn dự báo của thị trường. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là thước đo lạm phát được theo dõi chặt chẽ của kinh tế Mỹ và mức giảm lớn hơn dự kiến trên khiến thị trường kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt áp lực cho các nhà hoạch định chính sách tiền tệ.
Ngày 14/12, mặc dù Fed quyết định tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm đúng như dự kiến của thị trường, song lập trường của Fed vẫn báo hiệu chính sách lãi suất cao sẽ duy trì trong thời gian dài hơn. Điều này khiến chứng khoán Mỹ đảo chiều mạnh mẽ và đánh mất đà tăng ở đầu phiên.
Sang phiên 15/12, chứng khoán Phố Wall giảm mạnh giữa những lo ngại chính sách tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu. Doanh thu bán lẻ, sản lượng công nghiệp, các lô hàng vận chuyển và số đơn đặt hàng mới đều ghi nhận kết quả giảm sút.
Thị trường chứng khoán tiếp tục giảm phiên thứ ba liên tiếp vào ngày 16/12, khi nhà đầu từ lo ngại kinh tế toàn cầu rơi suy thoái trong năm tới khi áp lực lãi suất ngày càng nghiêm trọng. Các chỉ số chính chìm trong sắc đỏ gần như toàn bộ phiên giao dịch khi xuất hiện đồn đoán về nguy cơ nền kinh tế "hạ cánh cứng" (lãi suất tăng dẫn đến suy thoái kinh tế).
Khép lại phiên 16/12, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,9% xuống 32.920,46 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,1% xuống 3.852,36 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 1% xuống 10.705,41 điểm.
Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones mất 1,66%, chỉ số S&P giảm 2,09% và chỉ số Nasdaq giảm 2,72%.
Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) trong tuần này đã đồng loạt tăng lãi suất và cảnh báo về những “đau đớn” mà nền kinh tế sẽ phải đối mặt trong cuộc chiến chống lạm phát sắp tới. Mặc dù lạm phát ở nhiều nền kinh tế hàng đầu đã bắt đầu đi xuống - nhờ chi phí năng lượng giảm - thì chỉ số này vẫn duy trì ở gần mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.
Các nhà quan sát dự đoán nhiều nền kinh tế đang hướng tới một thời kỳ lạm phát đình trệ, với giá cả tiếp tục tăng nhưng tốc độ tăng trưởng lại chững lại. Theo hãng dự báo và phân tích tình hình kinh tế Oxford Economics (Anh), kinh tế Mỹ sẽ cần nhiều may mắn để tránh suy thoái trong năm tới vì những “cơn gió ngược” sắp mạnh lên.
Fawad Razaqzada, nhà phân tích thị trường tại công ty môi giới City Index (Anh), lưu ý rằng, tất cả là do lo ngại về suy thoái kinh tế năm 2023 mạnh hơn so với dự kiến. Mặc dù gần đây dữ liệu vĩ mô yếu đi, nhưng vẫn có hy vọng rằng suy thoái có thể chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và thậm chí một số khu vực có thể tránh được suy thoái kinh tế, đặc biệt là khi có dấu hiệu lạm phát đạt đỉnh ở một số khu vực như Mỹ. Tuy nhiên, Sunil Krishnan, người đứng đầu bộ phận quản lý tài sản tại công ty quản lý tài sản Aviva Investors, cho biết động thái mới đây của các ngân hàng trung ương đã giáng một đòn mạnh vào các thị trường tài chính đang phục hồi.
Christoph Rieger, trưởng bộ phận nghiên cứu lãi suất và tín dụng tại ngân hàng đầu tư Commerzbank (Đức), dự đoán ECB sẽ tăng lãi suất lên 3,25% (bao gồm 50 điểm cơ bản vào tháng 3/2023) và Fed sẽ tăng lãi suất lên 5,25%. Điều này cho thấy áp lực dai dẳng đối với đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ.
Các thị trường chứng khoán châu Âu cũng ghi nhận mức giảm điểm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 9/2022, với chỉ số STOXX 600 kết thúc phiên 16/23 mất 1,2% và giảm gần 3,3% so với cuối tuần trước. Chỉ số chứng khoán thế giới MSCI cũng mất 1,1% và giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 1 tháng.