BSC dự báo 2 kịch bản cho thị trường chứng khoán tháng 4

Diên Vỹ 12:01 | 07/04/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mới đây, trong báo cáo vĩ mô cập nhật ngày 6/4, Chứng khoán BSC đã đưa ra dự báo hai kịch bản cho thị trường chứng khoán trong tháng 4.

 

Trước đó, trong tháng 3, các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán trong nước đều ghi nhận mức tăng điểm khá. VN-Index tăng 3,9% trong khi HNX-Index phục hồi 2,53% so với tháng 2. Nếu so với thời điểm 31/12/2022, cả hai chỉ số này lần lượt tăng 5,71% và 1,07%. 

 P/E VN-Index kết thúc tháng 3 ở mức 11,78 lần, tăng 4,05% so với tháng 2 và xếp thứ 5 khu vực châu Á. P/E HNX-Index ở mức 21,3 lần, đứng thứ 16 khu vực. 

 Nguồn: BSC

Theo các chuyên gia từ Chứng khoán BSC, trong tháng, thị trường trong nước chịu tác động đáng kể từ các sự kiện khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng tại khu vực châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, động thái hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và việc khối ngoại quay trở lại mua ròng đã giúp VN-Index có nhịp hồi phục tốt. Cùng đó, một loạt các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thị trường bất động sản, trái phiếu… đã giúp thị trường duy trì được xu hướng tích cực.

Kết thúc quý I, nhiều nhóm ngành giao dịch tích cực trở lại. Có 8/11 nhóm ngành cấp 1 tăng điểm; trong đó nhóm ngành Dầu khí, Ngân hàng, Viễn thông là 3 nhóm ngành có mức tăng ấn tượng nhất với mức tăng lần lượt 16,24%, 11,66% và 7,13%. 3 nhóm ngành trong xu hướng giảm lần lượt là Hàng tiêu dùng, dược phẩm y tế và Công nghiệp với mức giảm tương ứng -2,68%, -0,74% và - 0,36%.  

Có 5/11 nhóm ngành có P/E cao hơn mức P/E thị trường gồm Viễn thông, CNTT, Hàng tiêu dùng, Tài chính, công nghiệp.

Tính chung cả quý, vốn hóa toàn thị trường tăng 3,32% so với quý IV/2022. Nhịp tăng điểm tốt trong tháng 1 và tháng 3 đã bù đắp phần nào nhịp điều chỉnh khá mạnh hồi tháng 2.  VN-Index đã có thời điểm tiến sát đến ngưỡng 1.125 điểm trước khi quay trở lại kiểm tra ngưỡng 1.015 điểm. 

Dù vậy, thanh khoản trong quý I tiếp tục xu hướng giảm so với quý IV/2022, với thanh khoản trung bình 3 sàn giảm 19%. Mức suy giảm đến từ một phần do giai đoạn nghỉ Tết Nguyên đán và tâm lý thận trọng chờ đợi thêm thông tin, chính sách trong nước. Giá trị giao dịch bình quân quý I trên 3 sàn đạt 476 triệu USD/phiên. 

Giao dịch nhìn chung thấp đều qua từng tháng và ghi nhận những phiên GTGD thấp nhất kể từ đầu năm mặc dù khối ngoại vẫn duy trì xu hướng mua ròng, kéo dài đà mua ròng 2 quý liên tiếp; trong khi giao dịch của khối NĐT cá nhân trong nước cũng có xu hướng sôi động trở lại dù giá trị vẫn thấp hơn so với trung bình 12 tháng (82%).

   Nguồn: BSC 

Dự báo 2 kịch bản cho TTCK tháng 4

Ở kịch bản cơ sở (kịch bản có khả năng cao), nhóm nghiên cứu BSC dự báo VN-Index có động lực quay trở lại kiểm định và tạo nền giá quanh 1.110 điểm. Dự báo dựa trên giả định Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đầu tư công bên cạnh động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ đó tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa trên thị trường. Cùng đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô từng bước khởi sắc sau quý I không được như kỳ vọng. Khối ngoại tiếp tục duy trì trạng thái mua ròng trên thị trường bên cạnh hoạt động sôi nổi trở lại của các ETF. Mặt khác, một số thông tin hỗ trợ khi mùa ĐHĐCĐ diễn ra bên cạnh bối cảnh thế giới không có các diễn biến quá tiêu cực.

Ở kịch bản này, dự báo P/E VN-Index vận động trong vùng 12,1-12,3 khi VN-Index quay trở lại vùng 1.095 – 1.110 điểm. Đồng thời, thanh khoản dự báo dao động ở mức 0,6-0,7 tỷ USD/phiên.

Trong kịch bản thận trọng hơn, dự báo VN-Index có thể quay trở lại ngưỡng nền tích cũ quanh 1.050 điểm sau nhịp tăng điểm của nửa đầu tháng 4. Dự báo dựa trên giả định cuộc khủng hoảng trong hệ thống Ngân hàng ở khu vực châu Âu và Hoa Kỳ có thể sẽ tiếp tục diễn ra tạo hiệu ứng tiêu cực trên thị trường quốc tế, bên cạnh những động thái đáp trả mới của Nga và các quốc gia phương Tây xung quanh xung đột tại Ukraine có thể tiềm ẩn nhiều tác động bất ngờ. Khối ngoại và một số quỹ có thể quay lại trạng thái rút ròng bên cạnh tâm lý chốt lời diễn ra mạnh.

BSC khuyến nghị 3 nhóm cổ phiếu tiềm năng 

Nhìn chung, trong tháng 4, thị trường chứng khoán trong nước dự báo tiếp tục chịu ảnh hưởng từ các yếu tố quốc tế, tiêu biểu như cuộc khủng hoảng hệ thống ngân hàng ở Mỹ và châu Âu. Theo đó, diễn biến đầy bất ngờ xung quanh sự sụp đổ của Credit Suisse, Silicon Valley Bank, Signature Bank tại Mỹ đã làm tâm lý nhà đầu tư lo ngại về khả năng có thể xảy ra một cuộc khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng toàn cầu. Tuy nhiên sự vào cuộc quyết liệt của các NHTW lớn trên thế giới trong nỗ lực tránh một sự đổ vỡ mang tính hệ thống đã làm giảm bớt đi tâm lý bi quan của giới đầu tư, đồng thời đặt ra nhiều thách thức trong việc điều hành CSTT trong bối cảnh lạm phát vẫn ở mức cao mặc dù đã có dấu hiệu suy giảm ở một số quốc gia. 

Ở trong nước, NHNN gần đây đã có những quyết sách mang tính “bước ngoặt” khi giảm lãi suất điều hành, hướng đến giảm mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế, doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện tại. 

BSC dự báo môi trường vĩ mô với tỷ giá ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, thanh khoản hệ thống được đảm bảo bên cạnh nỗ lực của các Bộ ban ngành trong việc đẩy mạnh đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các lĩnh vực sẽ là động lực để hướng đến các kết quả tích cực hơn trong quý II và giai đoạn còn lại của năm 2023 sau quý I thực sự nhiều khó khăn. 

Cùng đó, mùa ĐHĐCĐ đang diễn ra, việc doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý I và một số thông tin liên quan đến hoạt động bán vốn, dự án của một số doanh nghiệp hứa hẹn sẽ tiếp tục hâm nóng cho thị trường. 

Trên cơ sở đó, BSC khuyến nghị một số nhóm ngành bao gồm: (1) Nhóm cổ phiếu đầu tư công (2) Nhóm hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa (3) Nhóm Tài chính – Ngân hàng. 

Nhóm chuyên gia nhấn mạnh nhà đầu tư cần tiếp tục bám sát diễn biến dòng tiền của khối ngoại, các ETF lớn cũng như các sự kiện đáng chú ý trong nước và quốc tế để điều chỉnh chiến lược cho phù hợp - đặc biệt là các diễn biến liên quan đến quan điểm điều hành của các NHTW lớn, tình hình hệ thống ngân hàng khu vực châu Âu, Mỹ.