Thị trường chứng khoán vẫn có tiềm năng trung và dài hạn

Văn Giáp (TTXVN/Vietnam+) 10:07 | 07/04/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, vừa có trao đổi với báo chí về diễn biến thị trường chứng khoán trong quý đầu năm và đưa ra những nhận định cùng những giải pháp hỗ trợ thị trường phát triển trong thời gian tới.

Theo ông Phạm Hồng Sơn, thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua quý đầu năm 2023 với nhiều biến động, tăng, giảm đan xen do sự tác động mạnh mẽ của nhiều yếu tố vĩ mô trong nước và quốc tế. Dù thách thức vẫn lớn, tuy nhiên, nhiều dự báo cho thấy, thị trường đang có nhiều cơ hội hơn để hồi phục và phát triển ổn định hơn trong thời gian tới.

Ông Phạm Hồng Sơn cho rằng những biến động mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý đầu năm là do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước.

Áp lực lạm phát, suy thoái kinh tế đã khiến các ngân hàng trung ương đẩy mạnh các chính sách thắt chặt tiền tệ. Cùng đó, trong những tuần đầu tháng 3, sự sụp đổ của liên tiếp 3 ngân hàng tại Mỹ là Silicon Valley Bank (SVB), Signature Bank và Silvergate Capital, sau đó là Credit Suisse tại Thụy Sỹ càng làm giới đầu tư lo ngại về an toàn trên thị trường tài chính.

Dưới các tác động đó, không chỉ thị trường chứng khoán Việt Nam mà các thị trường chứng khoán trên thế giới cũng biến động mạnh theo chiều hướng giảm.

Ở trong nước, mặc dù nền kinh tế vẫn trong xu thế hồi phục nhưng cũng đã xuất hiện nhiều khó khăn như môi trường lãi suất cao, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ xuất hiện rủi ro thanh khoản… tác động tới tâm lý nhà đầu tư trong nước.

Tuy vậy, giai đoạn cuối quý 1, thị trường chứng khoán Việt cũng đón nhận một số thông tin tích cực đến từ sự hỗ trợ quyết liệt về chính sách gỡ khó cho doanh nghiệp, phục hồi kinh tế như Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Cùng đó, hoạt động giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành... Đây là những thông tin tích cực giúp thị trường chứng khoán trong nước có chuỗi phiên hồi phục dài nhất kể từ tháng 8/2021.

Ông Sơn cho biết mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM tính tới cuối tháng 3 đạt gần 5.400 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 3,3% so với cuối năm 2022, tương đương 56,7% GDP ước tính năm 2022.

Tuy vậy, thanh khoản thị trường cổ phiếu vẫn khá trầm lắng trong quý 1/2023, với giá trị giao dịch bình quân phiên đạt khoảng 11.300 tỷ đồng/phiên.

Điểm tích cực trong quý đầu năm là số lượng tài khoản nhà đầu tư tham gia tiếp tục gia tăng. Đến cuối tháng 2/2023, tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đạt gần 7 triệu tài khoản, tăng 1,45% so với cuối năm 2022.

Đồng thời, về hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài, tính từ đầu năm đến cuối tháng 3, khối ngoại đã mua ròng khoảng 7.000 tỷ đồng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ. Sự quay lại của nhà đầu tư nước ngoài cho thấy, định giá cổ phiếu đang ở mức hấp dẫn cho chiến lược đầu tư trung và dài hạn của khối ngoại.

Diễn biến tình hình trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới phụ thuộc phần lớn vào các chính sách kinh tế vĩ mô và triển vọng kinh tế trong nước cũng như thế giới.

Trên thế giới, mặc dù xu hướng tăng lãi suất có dấu hiệu chậm lại, tuy nhiên, kinh tế toàn cầu vẫn dự báo còn nhiều thách thức, khó lường. Trong nước, tăng trưởng kinh tế vĩ mô quý 1 mặc dù vẫn tăng trưởng nhưng đã cho thấy sự giảm tốc; đồng thời, sức khỏe doanh nghiệp niêm yết cũng chịu nhiều tác động sau thời kỳ hậu COVID-19 để lại.

Tuy nhiên, nếu xét trong tương quan với nhiều quốc gia trên thế giới, kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng. Trên thực tế, nhiều tổ chức quốc tế vẫn đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kỳ vọng, những nỗ lực của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, đẩy mạnh đầu tư công, hạ lãi suất cho vay… Từ đó, đem lại những tác động tích cực cho nền kinh tế Việt Nam, kích thích các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước.

Hơn nữa, chỉ số P/E (Hệ số giá trên thu nhập mỗi cổ phiếu) của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang ở mức 11 lần và được đánh giá ở mức hấp dẫn, thấp hơn so với hầu hết các thị trường khác trên thế giới.

"Tất cả những yếu tố trên cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn," ông Sơn kỳ vọng.

Nhằm hỗ trợ thị trường phát triển trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn cho biết hiện đơn vị đang rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc, đảm bảo cho sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững của thị trường chứng khoán

Cơ quan quản lý cũng đang đẩy nhanh tiến độ đưa vào vận hành hệ thống công nghệ thông tin mới, nhằm tạo điều kiện triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới trên thị trường chứng khoán và bảo đảm thị trường vận hành thông suốt, liên tục, an toàn, hiệu quả.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tái cấu trúc thị trường chứng khoán, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng của các định chế trung gian thị trường thông qua việc tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo đề án đã được phê duyệt.

Hiện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đang chỉ đạo các bên liên quan chuẩn bị nền tảng giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhằm góp phần tăng cường tính minh bạch trên thị trường thứ cấp.

Việc nâng cao vai trò và trách nhiệm của các tuyến giám sát sẽ được chú trọng, nhằm bảo đảm một thị trường vận hành minh bạch, hiệu quả. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng sẽ đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công tác thanh tra, giám sát, cũng như hoàn thiện và đưa vào sử dụng hệ thống giám sát giao dịch nâng cấp.

Trong bối cảnh các yếu tố tác động còn nhiều bất định, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng để chủ động đưa ra các giải pháp phù hợp, kịp thời.

Mặt khác, cùng với các giải pháp phù hợp để hỗ trợ thị trường phát triển, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhằm tăng tính răn đe, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trên thị trường, hướng đến sự phát triển thị trường chứng khoán theo hướng minh bạch và bền vững.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng sẽ tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra nhằm thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam.