Bức tranh doanh nghiệp gạo quý I/2023 và bài toán chi phí 'ghì' lợi nhuận

Trang Mai 15:34 | 09/05/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Giá gạo tăng cao thời gian gần đây là tác nhân chính khiến thúc đẩy doanh thu doanh nghiệp trong ngành tăng mạnh. Thế nhưng, bài toán chi phí leo thang từ những tháng cuối năm 2022 tiếp tục chưa có lời giải, khiến nhiều "ông lớn" trong ngành thua lỗ trong quý đầu năm 2023.

Ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết tại Hội nghị đánh giá tình hình xuất khẩu gạo trong quý I/2023 gần đây rằng trong quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt hơn 1,85 triệu tấn gạo với trị giá 981 triệu USD, tăng hơn 23% về lượng và tăng 34% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.

Giá xuất khẩu bình quân đạt 529 USD/tấn, tăng gần 9% so với mức bình quân cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, nhiều thời điểm trong các tháng, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ. Ông Toản nhận định xuất khẩu gạo trong quý đầu năm ghi nhận sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2022 ở cả các thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng.

Mặc dù bức tranh chung khá tươi sáng, báo cáo tài chính quý I/2023 của các doanh nghiệp gạo lớn trên cả nước đã công bố lại cho thấy sự phân hóa về kết quả kinh doanh.

Chi phí “kéo ghì” lợi nhuận, cả với doanh nghiệp có lãi

Theo thống kê của người viết, tính đến hết 7/5, 8 doanh nghiệp ngành gạo có quy mô lớn, xuất khẩu gạo chiếm phần lớn cơ cấu doanh thu đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I. Trong đó có 3 doanh nghiệp báo lỗ, 3 doanh nghiệp suy giảm lợi nhuận và 2 đơn vị tăng lãi. 

 Kết quả kinh doanh các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong quý I/2023. Nguồn: Trang Mai tổng hợp từ BCTC hợp nhất

Trong số 3 doanh nghiệp báo lỗ, có 2 đơn vị trong top doanh thu lớn nhất toàn ngành là Vinafood II Lộc Trời. Một điểm chung giữa hai doanh nghiệp này là đều có doanh thu tăng trưởng, thế nhưng lại gặp những áp lực lớn về chi phí tài chính, đặc biệt là lãi vay khiến . 

Tại Vinafood II, dù doanh thu tăng tới gần 60% lên 4.469 tỷ đồng, thế nhưng lợi nhuận sau thuế lại ghi nhận âm 7 tỷ đồng. Như vậy, sau năm đầu tiên thoát lỗ kể từ khi cổ phần hoá, doanh nghiệp lúa gạo lớn nhất nhì khu vực phía Nam lại tiếp tục thua lỗ. 

Bên cạnh việc tăng mạnh của giá vốn, chi phí tài chính tăng cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến Vinafood II lỗ trở lại. Cụ thể, chi phí tài chính trong quý I/2023 đã tăng 64% lên hơn 77 tỷ đồng, trong đó chiếm gần nửa là chi phí lãi vay. Đây là khoản lãi trả cho số nợ vay 3.717 tỷ đồng của doanh nghiệp. 

Liên quan đến vấn đề tài chính, tại cuộc họp ĐHĐCĐ vừa qua, Tổng công ty cho biết sẽ tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ tín dụng với các ngân hàng để tăng hạn mức tín dụng, đảm bảo nhu cầu nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời đẩy nhanh việc thanh lý tài sản không có nhu cầu sử dụng để thu hồi vốn, thoái vốn các khoản đầu tư theo đề án cơ cấu lại doanh nghiệp được phê duyệt để tập trung nguồn vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả.

Cũng là doanh nghiệp tên tuổi hàng đầu trong xuất khẩu gạo, Lộc Trời gây bất ngờ khi lần đầu tiên báo lỗ sau nhiều năm. Theo báo cáo tài chính quý I vừa công bố, Lộc Trời ghi nhận doanh thu thuần quý I/2023 đạt 2.452 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng lương thực – lúa gạo vẫn đóng vai trò chủ đạo khi tăng từ 1.183 tỷ đồng lên 1.675 tỷ đồng, theo sau đó là thuốc bảo vệ thực vật với 619 tỷ đồng và hạt giống với 82,5 tỷ đồng.

Tương tự Vinafood II, Lộc Trời cũng phải gánh hàng loạt chi phí đồng loạt tăng mạnh. Dù doanh thu hoạt động tài chính tăng 3,6 lần so với thực hiện của quý 1/2022 lên 61,7 tỷ đồng, nhưng chi phí tài chính cũng tăng gấp 2 lần lên 147 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay với 106 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ 2022. Theo giải trình, khoản lãi vay tăng cao cũng là nguyên nhân lớn nhất khiến doanh nghiệp kinh doanh gạo lỗ nặng 81 tỷ đồng, kém xa khoản lãi 209 tỷ đồng của quý IV/2022 và 184 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.

Một doanh nghiệp gạo khác cũng báo lỗ trong quý I là Angimex. Theo BCTC hợp nhất quý I/2023, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần giảm 84% xuống 159,3 tỷ đồng; lợi nhuận gộp giảm tới 89% xuống còn 8,8 tỷ đồng. Doanh thu tài chính giảm 67% xuống 9,7 tỷ đồng; lợi nhuận khác giảm tới 113%. Kết quả, Angimex báo lỗ sau thuế gần 18 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 10 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 4 liên tiếp doanh nghiệp ghi nhận số âm lợi nhuận. 

Trong số các doanh nghiệp giảm lãi, Vinaseed ghi nhận giảm tới 53% lợi nhuận sau thuế, xuống vỏn vẹn 35 tỷ đồng. 

Tương tự, Thương mại Kiên Giang cũng báo lợi nhuận giảm mạnh gần 51%, xuống 5,9 tỷ đồng do sự tăng mạnh của chi phí tài chính. Cụ thể, chi phí tài chính đã tăng 48% lên hơn 14 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước gần 9,7 tỷ đồng.

Tại Trung An, trong khi doanh thu vẫn tăng trưởng 6% lên gần 900 tỷ thì lợi nhuận sau thuế lại giảm tới gần 70%, xuống 8,5 tỷ đồng. Cũng như các doanh nghiệp cùng ngành, chi phí lãi vay là gánh nặng lớn nhất với doanh nghiệp khi đã gần gấp đôi, từ 17 tỷ của quý I/2022 lên 33 tỷ trong quý I năm nay. 

Ở chiều ngược lại, Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang ghi nhận doanh thu cùng lợi nhuận tăng mạnh sau thuế tăng mạnh lên lần lượt 334 tỷ và 4,7 tỷ đồng. Theo giải trình, doanh nghiệp cho biết trong quý I/2023, tình hình kinh tế, thị trường đã khởi sắc hơn, dịch bệnh Covid không còn ảnh hưởng nghiêm trọng như cùng kỳ năm trước. Trong kỳ, công ty đã tiến hành tái cấu trúc lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời phát triển mở rộng thị trường, điều chỉnh giá bán nên doanh thu trong kỳ tăng 53,17% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó đẩy mạnh việc tối ưu giá vốn hàng bán, tiết giảm chi phí sản xuất, .... Giá vốn chỉ tăng 50%, thấp hơn so với tỷ lệ tăng doanh thu là 53% nên lợi nhuận sau thuế tăng 377% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra lợi nhuận được chia từ khoản đầu tư của Công ty vào Công ty TNHH Thương Mại Sài Gòn- An Giang cũng đóng góp vào hiệu quả hoạt động kinh doanh trong những tháng đầu năm. 

Tại Xuất nhập khẩu Kiên Giang, hiện nay hoạt động chủ yếu với 3 lĩnh vực: lương thực, cá cơm và kinh doanh xăng dầu. Trong kỳ, doanh thu cả 3 lĩnh vực đều giảm so với cùng kỳ do sản lượng xuất khẩu đi xuống khiến tình hình kinh doanh doanh nghiệp gặp khó khăn. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 526 tỷ đồng, giảm 17%. 

Trong các mảng kinh doanh, lương thực chiếm tới hơn 80% doanh thu, mang về 423 tỷ trong kỳ. Đứng thứ 2 là xăng dầu với gần 100 tỷ. Mảng cá cơm chỉ chiếm phần nhỏ doanh thu với con số gần 4 tỷ.

Dù doanh thu đi xuống, thế nhưng doanh nghiệp cho biết đã kiểm soát, theo dõi diễn biến thị trường, đặc biệt kiểm soát tốt chi phí sản xuất kinh doanh nên lợi nhuận được cải thiện. Với mảng lương thực, xuất nhập khẩu Kiên Giang cho biết vụ Đông xuân 2022-2023 có chất lượng tốt, công ty đã kịp thời mua vào, bán ra được giá tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cùng kỳ. Sau thuế, doanh nghiệp báo lãi 2,4 tỷ đồng. Đây cũng là kết quả tốt nhất của doanh nghiệp kể từ quý IV/2021.

Kỳ vọng "thiên thời, địa lợi” với doanh nghiệp lúa gạo trong năm 2023

Trong phân tích vĩ mô mới đây, chuyên gia từ Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng, ngành lúa gạo Việt Nam đang có yếu tố thiên thời và địa lợi. Việc thời tiết thuận lợi đang tạo ra lợi thế cho doanh nghiệp Việt Nam so với đối thủ cạnh tranh.

Hạn hán kéo dài tại Trung Quốc khiến sản lượng niên vụ 2021-2022 của nước này giảm 2%. Vì vậy, Trung Quốc dự kiến sẽ tăng nhập khẩu thêm 6 triệu tấn gạo trong niên vụ 2022-2023.

Bên cạnh đó, lượng tồn kho tại Philipines giảm do nhiều diện tích gieo trồng của nước này bị tàn phá bởi bão Noru, chi phí phân bón tăng cao khiến nước này phải gia tăng nhập khẩu gạo. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo nước này tiếp tục phải nhập khẩu 2,8 triệu tấn cho niên vụ 2022-2023.

Diện tích gieo cấy tại Ấn Độ giảm 380.000 ha do hạn hán, dự kiến sản lượng của đợt gieo trồng Kharif (thu hoạch vào mùa thu và đầu mùa đông) chiếm 80% sản lượng nước này, có thể lên tới 10-12 triệu tấn cho niên vụ 2022/2023. Theo đó, sự sụt giảm nguồn cung tại Ấn Độ là tác nhân chính cho dự báo thâm hụt gạo toàn cầu năm tới.

Trong khi đó, tình hình thủy văn tại Việt Nam khá ổn định trong năm vừa qua với mưa nhiều và chuyển dần sang trung tính trong nửa đầu năm 2023, được kỳ vọng sẽ cho ra sản lượng ổn định. Theo đó, VCBS đánh giá cao khả năng năm 2023, Việt Nam được hưởng lợi nhờ xu hướng giá gạo tăng do nguồn cung thu hẹp và sự dịch chuyển nguồn cầu từ Ấn Độ.

Để hạn chế giá gạo tăng quá cao ở thị trường trong nước, Chính phủ Ấn Độ có kế hoạch duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo đồ và áp thuế 20% đối với gạo trắng xuất khẩu.

Tại nước láng giềng Bangladesh, giá gạo trong nước cũng tăng cao bất chấp một vụ mùa bội thu và dự trữ dồi dào. Các quan chức nước này lý giải là do tình trạng đầu cơ của các thương nhân. Bangladesh gần đây đã cho phép một số công ty tư nhân nhập khẩu gạo để hạ nhiệt giá gạo địa phương.

Tuy nhiên, theo đánh giá của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong trung hạn đối mặt với những thách thức tăng trưởng do năng lực cạnh tranh chưa tốt. Bản chất ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam chủ yếu cạnh tranh về giá bán so với các đối thủ hiện tại do phần lớn chưa đảm bảo được yêu cầu về quy trình sản xuất và đảm bảo chất lượng để xuất khẩu sang các thị trường lớn như EU, Nhật, … khiến mức tăng giá kì vọng sẽ thấp hơn mức tăng giá xuất khẩu trung bình thế giới.

Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn hoá chưa cao, năng lực sản xuất bị hạn chế, diện tích canh tác phân mảnh và chi phí logistic cũng cao hơn so với các đối thủ khác trên thế giới, cùng với đó là chi phí nguyên liệu đầu vào vẫn duy trì ở mức cao, sẽ tiếp tục tạo áp lực lên biên lợi nhuận của các công ty trong ngành.