Bức tranh kinh tế 2018 màu sáng

21:59 | 10/12/2017 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Nhìn tổng thế, nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2018. Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 của Chính phủ với những giải pháp đột phá sẽ là một đòn bẩy quan trọng cho sự khởi sắc kinh tế Việt Nam.

Tại "Diễn đàn doanh nghiệp 2018: Thích ứng trong môi trường kinh tế đang biến đổi" vừa được tổ chức tại Hà Nội, hầu hết các chuyên gia đều rất lạc quan khi đưa ra dự báo về tình hình kinh tế năm 2018.

Theo ông Bùi Ngọc Sơn - Viện Kinh tế và chính trị Thế giới: Hầu hết các nền kinh tế thế giới, ngoại trừ Anh, đều được dự báo tiếp tục tăng trưởng GDP tốt trong năm 2018. Kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng tới 4% trong năm 2018, cao nhất kể từ năm 2012. Mỹ được dự báo tăng trưởng GDP là 2,5% năm 2018 so với 2,3% năm 2017. Với chính sách kinh tế mới của ông  Trump, sự tăng trưởng của Mỹ có thể còn mạnh hơn. Trung Quốc sẽ đạt tăng trưởng 6,5% so với 6,7% năm 2017. Ấn Độ lấy lại được đà tăng trưởng trong năm nay và cùng với các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng 5% năm 2018 so với 4,7% năm 2017.

Bức tranh kinh tế 2018 màu sáng - ảnh 1
 Ông Bùi Ngọc Sơn – Viện Kinh tế và chính trị Thế giới

Ông Sơn cho rằng chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Trump không phải là chủ nghĩa bảo hộ như nhiều người quy kết, mà chỉ là bỏ lối chơi đa phương thay vào cách chơi song phương. Thực hiện triết lý “nước Mỹ trên hết” (từ bỏ lối chơi đa phương, từ bỏ TPP, xét lại NAFTA), ông Trump chủ trương "chơi theo lối" kinh doanh làm ăn tay đôi. Cách này giúp phát huy sức mạnh Mỹ theo nghĩa nước khác cần Mỹ hơn là Mỹ cần nước khác. Sự mặc cả phải cả hai bên cùng có lợi nhưng người Mỹ sẽ có lợi thế hơn. Từ bỏ Hiệp ước chống Biến đổi Khí hậu Paris, ông Trump tạo được lợi thế cạnh tranh cho điện sản xuất ở Mỹ. Cho phép mở lại dự án đường ống dẫn dầu Keystone Pipeline-XL nối với Canada với điều kiện đối tác phải thuê công nhân Mỹ và mua ống thép của Mỹ, ông Trump đã làm tăng việc làm và thu nhập cho Mỹ. Việc từ bỏ các hiệp ước đa phương của ông Trump không làm thu hẹp quá trình toàn cầu hoá của nền kinh tế thế giới nhưng dòng thương mại và dòng vốn sẽ thay đổi. Rất có thể tồn tại hai khuynh hướng thương mại thế giới song hành: các hiệp ước FTA song phương (phần nhiều với Mỹ) cùng với các FTA đa phương giữa phần còn lại của thế giới. Với sức chi phối lớn của Mỹ, nhiều nước sẽ tìm cách có được FTA song phương với Mỹ, trong khi cũng sẵn sàng tìm kiếm các đối tác song phương quan trọng của mình cũng như tham gia các FTA đa phương.

Dự báo về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm tới, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lạc quan đưa ra ngay trong lời khai mạc Diễn đàn: Theo các khảo sát động thái của doanh nghiệp do VCCI thực hiện gần đây, niềm tin của doanh nghiệp đang trở lại. Số lượng doanh nghiệp được thành lập mới tăng ở mức kỷ lục, trên 100 ngàn doanh nghiệp mỗi năm. Việt Nam tăng bậc trong bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh toàn cầu. Việc Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và phát triển kinh tế tư nhân với những giải pháp đột phá sẽ là một “đòn bẩy” quan trọng, báo hiệu năm 2018 tới đây sẽ tiếp tục có nhiều khởi sắc.

Bức tranh kinh tế 2018 màu sáng - ảnh 2
 Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI

“Triển vọng phát triển năm 2018 sẽ tốt hơn, cơ hội cho doanh nghiệp sẽ rất nhiều. Tôi băn khoăn không biết tại sao Chính phủ lại rụt rè cho mục tiêu tăng trưởng 6,5-6,7% cho năm 2017. Trong khi đó, mục tiêu 6,7 năm 2017 đã chắc chắn đạt được”. Dự báo của chuyên gia tài chính, TS. Vũ Đình Ánh về môi trường kinh doanh và các cơ hội phát triển năm 2018 tốt hơn sẽ gia tăng niềm tin và tạo động lực mới cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trước thềm năm mới.

Minh Hoa