BVSC: Lãi ròng 2023 của Nhựa Bình Minh (BMP) có thể vượt nghìn tỷ nhờ xu hướng giảm giá PVC
Hưởng lợi từ giá PVC giảm, biên lợi nhuận của BMP năm nay dự báo tiếp tục tăng
Theo báo cáo phân tích nhu cầu nhựa tại thị trường châu Á của Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) ngày 5/7, dữ liệu từ Chỉ số Giá của ChemOrbis cho thấy cả giá xuất khẩu và nhập khẩu PVC ở châu Á đã giảm khoảng 20% kể từ đầu tháng 2 xuống mức thấp nhất trong 8 tháng hiện tại đạt 710 - 730 USD/tấn FOB Trung Quốc, 690 - 755 USD/tấn CIF Trung Quốc, 750 - 790 USD/tấn CIF Ấn Độ và 720 - 770 USD/tấn CIF Đông Nam Á.
Nhận định về tác động của xu hướng giá PVC giảm đến các doanh nghiệp trong ngành, trong báo cáo mới nhất từ CTCK Bảo Việt (BVSC), nhóm phân tích cho rằng mức giá trên thấp hơn 32,8% so với giá trung bình trong 2022 giúp BMP có nhiều dư địa để mở rộng biên lợi nhuận hơn khi giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục giảm mạnh hơn giá bán.
Theo BVSC, trong bối cảnh giá PVC điều chỉnh mạnh, giá bán của BMP vẫn neo ở mức cao, do giá bán thường được quyết định bởi các doanh nghiệp lớn trong nước (như BMP và Nhựa Tiền Phong (NTP); khác với thép khi giá bán chịu ảnh hưởng bởi cung - cầu quốc tế). Từ quý III/2022, lãi ròng/tấn của BMP đã mở rộng nhờ hưởng lợi từ chi phí thấp trong khi vẫn có thể giữ giá bán ở mức cao.
Xu hướng giá PVC giảm gần đây cho thấy khả năng sinh lời mạnh mẽ vẫn được duy trì trong quý II và III năm nay. Theo đó, nhóm phân tích nhận định BMP có khả năng tiếp tục thiết lập mức lợi nhuận ròng/tấn mới.
Dựa trên giá nhựa PVC diễn biến thuận lợi gần đây và kết quả kinh doanh quý I tốt hơn nhiều so với kỳ vọng, BVSC điều chỉnh tăng đáng kể 54,8% dự báo lợi nhuận ròng 2023 cho BMP, lên mức 1.022 tỷ, tức tăng 47,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong báo cáo trước, các chuyên gia dự phóng chỉ số này đạt 660,3 tỷ, giảm 4,9% so với 2022.
Theo đó, triển vọng cải thiện nhờ nhu cầu phục hồi trong môi trường lãi suất giảm và đầu tư công mạnh mẽ hơn; biên lãi mở rộng chủ yếu nhờ các lợi ích chi phí thấp được duy trì.
Đồng quan điểm, CTCK SSI Research (SSI) dự báo tỷ suất lợi nhuận gộp của PVC sẽ đạt 32,4% trong năm 2023 so với 27,7% vào năm 2022 nhờ hưởng lợi từ giá PVC dự kiến giảm.
Phía CTCK Vietcap (VCSC) cũng đánh giá biên lợi nhuận của BMP tăng trưởng bền vững nhờ giá nhựa đầu vào điều chỉnh và duy trì ổn định trong quý giúp công ty quản lý hàng tồn kho tốt hơn.
Lãi ròng có thể giảm tốc trong giai đoạn 2024-2025
So với cập nhật lần trước, BVSC giữ nguyên dự báo lợi nhuận ròng cho giai đoạn 2024 - 2025, do thận trọng với triển vọng giá PVC, vốn có thể tăng trở lại khi nhu cầu thế giới phục hồi rõ ràng hơn.
Nhóm phân tích duy trì quan điểm BMP giữ vị thế hưởng lợi từ sự hợp nhất ngành đang diễn ra, nơi mà các “ông lớn” với lợi thế tài chính và vận hành đang chiếm ưu thế so với các doanh nghiệp nhỏ, và giành được thêm nhiều thị phần hơn. Đây là động lực gia tăng sản lượng, chưa kể tới các khoản đầu tư công lớn hơn từ Chính phủ.
Trong khi đó, năng lực quyết định giá bán đảm bảo triển vọng biên lãi của BMP, bên cạnh lợi thế kinh tế gia tăng theo quy mô (hiệu suất huy động cao hơn).
Chung nhận định, VCSC cho rằng điều kiện thị trường khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất ống nhựa nhỏ hơn gặp khó khăn về tài chính, từ đó giúp BMP có khả năng giành được thị phần. Bên cạnh đó, chiến lược bán hàng linh hoạt và các sáng kiến tối ưu hóa chi phí của BMP sẽ góp phần củng cố phát triển bền vững cho công ty.