Cả nước còn tới 50 tỉnh, thành chưa hoàn thành kiểm kê đất đai

09:19 | 11/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trước việc chậm báo cáo kiểm kê đất đai toàn quốc năm 2019 được sự chấp thuận của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn gửi các địa phương thông báo thời hạn mới và tiếp tục hối thúc việc nộp báo cáo

Còn 50 tỉnh chưa hoàn thành kiểm kê đất đai

 
Tạp chí tài chính đưa tin, tính đến ngày 31/7/2020, số đơn vị cấp xã đã cơ bản hoàn thành đạt 93% tổng số xã; số đơn vị thực hiện cấp huyện đã cơ bản hoàn thành đạt 77% tổng số huyện. Cấp tỉnh, đến nay, Tổng cục đã nhận được kết quả kiểm kê chính thức của 10 tỉnh là: Tiền Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Bắc Giang, Hậu Giang, Đồng Nai, Thái Bình, Ninh Thuận, Trà Vinh, An Giang. Có 3 tỉnh đã hoàn thành, đang trong thời gian gửi kết quả trình UBND tỉnh, gồm Vĩnh Phúc, Bình Phước, Cà Mau.

Trên hệ thống phần mềm TK Online tính đến ngày 11/8/2020 có 33 tỉnh, thành phố đã đưa toàn bộ dữ liệu kiểm kê cấp xã lên hệ thống tổng hợp cấp tỉnh huyện; có 29 tỉnh, thành phố chưa đưa hết dữ liệu kiểm kê cấp xã trên hệ thống. Đặc biệt có 3 tỉnh chưa xin cấp tài khoản để đưa dữ liệu kiểm kê cấp xã lên hệ thống là Yên Bái, Hưng Yên, An Giang,
 
Cả nước còn tới 50 tỉnh, thành chưa hoàn thành kiểm kê đất đai - ảnh 1
Hà Nội là một trong các địa phương chưa hoàn thành việc kiểm kê đất đai.
 
Ông Bùi Văn Hải Cục trưởng Cục Kiểm soát quản lý và sử dụng đất (Tổng cục Quản lý Đất đai) , nguyên nhân của việc chậm hoàn thành công tác kiểm kê là do các địa phương chậm phê duyệt dự toán kinh phí; nhiều địa phương có khó khăn về kinh phí và chờ kinh phí hỗ trợ từ trung ương nên chưa phê duyệt dự toán, dẫn tới việc đấu thầu lựa chọn đơn vị thực hiện chậm trễ; việc bố trí kinh phí nâng cấp phầm mềm kiểm kê còn thiếu, còn chậm.

Cùng với đó, nhiều địa phương có thay đổi địa giới hành chính cấp xã, huyện do thực hiện Nghị quyết số 32 ngày 14/5/2019 của Chính phủ về kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong giai đoạn 2019-2021, nên ảnh hưởng tới tiến độ kiểm kê đất đai.

Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch Covid 19 nên việc thực hiện ở các địa phương bị chậm, nhất là công tác thực hiện tại cấp huyện, tỉnh do chưa thể đi đôn đốc, kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm…
Trước đó, Tổng cục đã tổ chức các đoàn công tác đôn đốc, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện tại 42 tỉnh, thành phố; đôn đốc và hướng dẫn tại 10 tỉnh, đồng thời kiểm tra kết quả thực hiện cấp xã tại 12 tỉnh; kiểm tra kết quả ở các cấp 20 tỉnh… Nhận diện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, Tổng cục đã tham mưu cho Bộ trình Chính phủ lùi thời gian hoàn thành công tác này và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đồng ý cho kéo dài thời gian hoàn thành, báo cáo kết quả kiểm kê đất đai năm 2019 vào quí IV/2020.


Đề xuất không điều tra đất rừng không còn rừng


Báo Pháp Luật Việt Nam dẫn lời Ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục QLĐĐ cho biết, mục đích của kỳ kiểm kê năm 2019 nhằm đánh giá thực trạng tình hình SDĐ của từng đơn vị hành chính các cấp xã, huyện, tỉnh, vùng kinh tế và cả nước để làm cơ sở đánh giá tình hình quản lý, SDĐ của các cấp trong 5 năm qua.

Đồng thời, đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai, nâng cao hiệu quả SDĐ; làm cơ sở cho việc lập quy hoạch, kế hoạch SDĐ các cấp giai đoạn 2021 - 2030 và là cơ sở quan trọng để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nội dung kiểm kê đất đai theo từng đơn vị hành chính các cấp bao gồm: Diện tích các loại đất theo quy định tại Điều 10 của Luật Đất đai 2013; diện tích các đối tượng đang SDĐ, đối tượng đang quản lý đất theo quy định tại Điều 5 và Điều 8 của Luật Đất đai 2013.

Ngoài ra, còn kiểm kê chi tiết các loại đất trồng lúa, đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng; diện tích đất ngập nước, đất khu bảo tồn thiên nhiên, đất cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học theo quy định tại Điều 16 và Điều 35 của Luật Đa dạng sinh học; tình hình SDĐ do DN nhà nước, DN cổ phần hóa quản lý sử dụng; đất do các ban quản lý rừng và các DN sản xuất nông, lâm nghiệp sử dụng; đất tại các dự án xây dựng nhà ở thương mại; đất xây dựng các công trình sự nghiệp ngoài công lập, công trình công cộng có mục đích kinh doanh; đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích.

Bên cạnh đó, tại Công văn 5904/VPCP ngày 21/7/2020, Văn phòng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện công tác kiểm kê đất đai lưu ý lồng ghép việc thực hiện nhiệm vụ “rà soát diện tích đất quy hoạch là đất rừng nhưng thực tế không còn rừng và phần diện tích rừng nghèo kiệt phân bổ manh mún” được Chính phủ giao tại Nghị quyết 22/NQ-CP ngày 1/3/2020 về ổn định dân cư tự do và quản lý, SDĐ có nguồn gốc nông, lâm trường, Tổng cục QLĐĐ đã kiến nghị Lãnh đạo Bộ TN&MT cho phép báo cáo giải trình với Thủ tướng không thực hiện nhiệm vụ trong thời gian này.

Nguyên nhân là các địa phương hiện đã cơ bản hoàn thành xong việc kiểm kê đất đai ở cấp xã; nội dung kiểm kê chuyên đề năm 2019 đã có kiểm kê chi tiết về tình hình SDĐ của các Công ty nông lâm trường và ban quản lý rừng (trong đó, có kiểm kê cả phần đất đã được giao chưa đưa vào sử dụng).

Bên cạnh đó, phần diện tích đất rừng nghèo kiệt và manh mún phải điều tra thực địa với sự đánh giá chất lượng rừng của ngành nông nghiệp. Nội dung này yêu cầu thời gian, nhân lực và kinh phí lớn nên hiện chưa thể triển khai ngay. Do đó, Tổng cục kiến nghị Lãnh đạo Bộ TN&MT báo cáo Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chủ trì thực hiện trong dự án kiểm kê rừng, Bộ TN&MT phối hợp thực hiện.
 
Nguyễn Triệu
 

ĐỌC NHIỀU