Các công ty tỷ đô sẽ không có "cửa" xuất hiện nếu không nhờ thị trường chứng khoán?

17:52 | 10/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đây là chia sẻ đáng chú ý của ông Lê Hải Trà - Tổng giám đốc HoSE trong chương trình Talkshow Phố Tài chính được phát sóng trên VTV8 mới đây.

Cụ thể, ông Lê Hải Trà đã đưa ra nhận định rằng sự bùng nổ về mặt thanh khoản trên thị trường chứng khoán thời gian qua không có gì đặc biệt, thực chất là theo xu hướng chung của toàn thế giới. Ông lấy dẫn chứng về thanh khoản đều tăng từ 50-70% trong giai đoạn vừa qua. 

Vị Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm thời điểm xảy ra hiện tượng quá tải của giao dịch trên hệ thống sàn HoSE – giá trị giao dịch bình quân đã vượt ngưỡng 16.000 tỷ đồng, tăng 400% so với thời điểm đầu năm 2020 (xấp xỉ 4.000 tỷ đồng/phiên). Chỉ hai tháng sau, tức vào tháng 6/2021, con số này đã vượt ngưỡng 22.000 tỷ đồng, tương ứng tăng 600% chỉ sau nửa đầu năm với nhiều phiên giao dịch "tỷ đô" kể cả khi thị trường có nhịp điều chỉnh giảm – ông Trà đánh giá tốc độ tăng trưởng của thị trường là rất nhanh trong thời gian ngắn. 

Ông Lê Hải Trà - lãnh đạo sàn chứng khoán HoSE

Do đó, tín hiệu trên cho thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư với thị trường chứng khoán. Bất chấp những vật cản liên quan đến công nghệ (vấn đề nghẽn lệnh), nhưng đây cũng là yếu tố chính thúc đẩy tính thanh khoản chung của thị trường. 

Ông Trà cũng hoàn toàn đồng ý về quan điểm các doanh nghiệp "tỷ đô" sẽ khó có thể xuất hiện nếu không có thị trường chứng khoán: "Nếu không có thị trường chứng khoán, giá trị một doanh nghiệp sẽ chỉ nằm trên sổ sách. Chỉ khi có thị trường thì giá trị sổ sách mới được mang ra trao đổi giữa các nhà đầu tư với nhau. Chính nhà đầu tư sẽ định giá doanh nghiệp theo các chỉ tiêu như mức doanh thu, lợi nhuận, tỷ lệ tăng trưởng, tính toán giá trị của doanh nghiệp gấp bao nhiêu lần lợi nhuận và mức giá sẵn sàng trao đổi". Vị CEO của sàn HoSE cho hay. 

Hơn nữa, giá trị  tỷ USD thể hiện sự kỳ vọng của nhà đầu tư về tiềm năng tăng trưởng, khả năng tạo ra lợi nhuận và tiếp tục tăng trưởng trong tương lai của doanh nghiệp. 

Sàn HoSE có bao nhiêu doanh nghiệp vốn hóa trên 1 tỷ USD niêm yết?

Tính đến hết ngày 31/8, trên sàn HoSE ghi nhận 37 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD, trong đó có 3 doanh nghiệp có vốn hóa trên 10 tỷ USD, bao gồm: Tập đoàn Vingroup (VIC), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB), Công ty CP Vinhomes (VHM).

Cái tên ấn tượng nhất trong thời gian vừa qua chính là VHM, hồi giữa tháng 8 Vinhomes từng có vốn hóa vượt ngưỡng 400 nghìn tỷ đồng (17,3 tỷ USD), trở thành doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất và duy nhất trên thị trường chứng khoán, vượt qua những tên tuổi lớn như: công ty mẹ Vingroup, Vietcombank, Thép Hòa Phát, Vinamilk,... giá trị cổ phiếu VHM đạt giá trị 121.000 đồng/cp.

Đó là nhờ kết quả kinh doanh quý 2 ấn tượng, với lợi nhuận tăng gấp 3 so với cùng kỳ, lên trên 10 nghìn tỷ đồng. Chốt phiên giao dịch ngày 10/9 thì VHM đang loanh quanh ở khoảng giá 108.000 đồng/cp. 

Sàn HoSE cũng chứng kiến kỷ lục mới trong tháng 8 khi thanh khoản thị trường cổ phiếu đã thiết lập kỷ lục vào phiên ngày 20/8/2021 với giá trị giao dịch đạt mức 38.075 tỷ đồng - cao nhất trong 21 năm qua.

Quy mô thị trường trên HOSE tính đến hết ngày 31/8/2021, có 469 mã chứng khoán giao dịch, trong đó gồm: 385 mã cổ phiếu, 2 mã chứng chỉ quỹ đóng, 7 mã chứng chỉ quỹ ETF, 53 mã chứng quyền có bảo đảm và 22 mã trái phiếu. Tổng khối lượng cổ phiếu đang giao dịch đạt trên 108,26 tỷ cổ phiếu. Giá trị vốn hóa niêm yết đạt hơn 5,01 triệu tỷ đồng, tăng gần 1,9% so với tháng 7, đạt khoảng 79,76% GDP năm 2020 (GDP theo giá hiện hành).

Doanh nghiệp không trả cổ tức thông qua tiền mặt là chuyện bình thường

Tại chương trình, ông Trà cũng chia sẻ về vấn đề huy động vốn qua phát hành cổ phiếu, không ít nhà đầu tư tỏ ra lo lắng về vấn đề pha loãng cổ phiếu của doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của thị trường. Theo số liệu thống kê, 147 doanh nghiệp niêm yết dự kiến tăng quy mô vốn lên gần 102.600 tỷ đồng qua phát hành cổ phiếu trong năm nay.

Đánh giá về vấn đề trên, ông Lê Hải Trà cho rằng việc trả cổ tức bằng cổ phiếu thay vì bằng tiền mặt là điều bình thường của các doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn đầu khởi nghiệp.

Ông đưa ra dẫn chứng về những doanh nghiệp lớn trên thế giới không trả cổ tức bằng tiền mặt trong một thời gian dài như Microsoft hay đế chế đầu tư rất nổi tiếng của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett.

Mối quan tâm khác nhau của nhà đầu tư sẽ dẫn tới sự lựa chọn khác nhau. Có những nhà đầu tư chỉ quan tâm đến cổ phiếu tăng trưởng, không quan tâm đến cổ tức bằng tiền mặt. Thế nhưng có những nhà đầu tư thì lại coi cổ tức hằng năm trở thành 1 phần trong những kế hoạch chi tiêu của gia đình hay cá nhân.

Theo ông Trà cổ tức bằng cổ phiếu hay tiền mặt chỉ là những cách thức khác nhau để hiện thực hóa lợi nhuận.

Cuối cùng, đánh giá về tương lai của thị trường, vị CEO của HoSE tin tưởng rằng TTCK Việt Nam hoàn toàn có thể vươn tới quy mô vốn trên GDP là 195% tương tự như tại Singapore. Ông Trà đưa ra hai lý do củng cố cho nhận định của mình.

Đầu tiên, Việt Nam vẫn được các các nhà đầu tư quốc tế, các tổ chức định mức tín nhiệm quốc tế đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng.

Thứ hai, thị trường vẫn còn khả năng chứng kiến các tập đoàn, các doanh nghiệp nhà nước lớn sẽ thực hiện cổ phần hoá, niêm yết trên thị trường. Đây được coi là trữ lượng sẽ góp phần đáng kể vào quy mô vốn hoá của TTCK 

Tính đến thời điểm cuối tháng 6/2021, quy mô TTCK Việt Nam đạt khoảng 108,7% GDP. Nhiều chuyên gia nhận định, thị trường CKVN là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Asean. Vốn đứng vị trí thấp nhất trong 6 năm, cuối cùng TTCK Việt Nam lọt top 5, vượt qua thị trường gần kề nhất là Philippines.