Các đại gia công nghệ Mỹ tích cực tham gia cuộc chiến chống COVID-19
Họ đang tập trung mọi nguồn lực để tìm hiểu mọi thứ về dịch bệnh, từ tốc độ lây lan của virus cho đến dự đoán phải cần có bao nhiêu giường bệnh vào mỗi thời điểm bất kỳ theo tình hình phát triển của dịch bệnh.
Hàng loạt hãng công nghệ Mỹ nhanh nhạy xoay chuyển để ứng phó với tình trạng khan hiếm trang thiết bị y tế thông qua việc xuất kho tài trợ hàng triệu khẩu trang y tế cho các bệnh viện. Riêng Facebook, họ đang hỗ trợ các bệnh viện ở San Francisco trong việc mở rộng khâu xét nghiệm và tặng thêm 720.000 chiếc khẩu trang y tế.
Các doanh nghiệp lớn khác như tập đoàn điện máy General Electric đẩy mạnh sản xuất máy trợ thở nên phải tuyển thêm lao động cho các nhà máy sản xuất mặt hàng này. Các đại gia trong lĩnh vực sản xuất ô tô như Tesla, General Morors và Ford cũng tham gia sản xuất máy trợ thở. Họ có lợi thế là đã ứng dụng công nghệ in 3D từ lâu nên tiến độ sản xuất linh kiện cho máy trợ thở rất nhanh và năng suất cao.
General Electric và Ford đã hợp tác với hãng thiết bị y tế 3M để sản xuất máy trợ thở và mặt nạ phòng độc. Hãng General Electric nhờ có mạng lưới nhà máy sản xuất ở nhiều nước trên thế giới nên rất thuận lợi trong việc gia tăng sản lượng máy trợ thở để cung cấp cho nhu cầu nội địa Mỹ và xuất khẩu. Còn hãng Honeywell - vốn hoạt động trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, cũng tái bố trí sản xuất để làm máy trợ thở và khẩu trang chuyên dụng N95.
Alphabet (công ty mẹ của Google) góp sức bằng cách dùng hệ thống trí tuệ nhân tạo DeepMind của họ hỗ trợ các nhà khoa học Mỹ trong việc tìm ra vaccine ngừa virus Corona chủng mới. Ngoài ra, Alphabet cũng sử dụng bộ phận nghiên cứu khoa học - đời sống Verily vào việc tìm những cách phát hiện virus hiệu quả và chính xác hơn.Để giúp kiểm soát dịch bệnh, chính phủ Mỹ dự kiến triển khai chương trình giám sát các hoạt động di chuyển của dân Mỹ bằng các ứng dụng công nghệ định vị và trinh sát.
Một lĩnh vực khác cũng được quan tâm là chống việc lan truyền các tin giả, thông tin sai lệch trên mạng internet. Một liên minh gồm Facebook, Google, YouTube, Microsoft, LinkedIn, Twitter và Reddit được thành lập để đối phó với vấn đề này. Liên minh cũng gởi lời mời các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông cùng tham gia.
Không chỉ giới công nghệ, các nhà đầu tư Mỹ cũng đang có kế hoạch huy động thêm vốn cho các doanh nghiệp công nghệ dùng vào nghiên cứu chống dịch COVID-19 và hỗ trợ cho cộng đồng
Thông tin gây chú ý trong giới công nghệ toàn trong những ngày qua là CEO Amazon Jeff Bezos và đồng sáng lập Microsoft Bill Gates – hai người giàu nhất thế giới hiện tại – cam kết đóng góp 100 triệu USD mỗi người cho nỗ lực chống đại dịch.
Google cũng đã cam kết 800 triệu USD hỗ trợ quảng cáo cho các doanh nghiệp nhỏ và tổ chức y tế.
Tỷ phú Twitter vừa góp 30% tài sản chống Covid-19. Theo đó, đồng sáng lập kiêm CEO Twitter Jack Dorsey thông báo sẽ chuyển 1 tỷ USD cổ phiếu hãng thanh toán Square cho quỹ từ thiện Start Small, với mục tiêu hiện tại là xoa dịu các tác động do đại dịch gây ra.
Khoản chi đầu tiên của Start Small sẽ là 100.000 USD gửi đến America's Food Fund, nhằm cung cấp bữa ăn miễn phí cho những người chịu ảnh hưởng từ COVID-19.