Các 'đại gia' thầu xây dựng làm ăn ra sao trong quý I/2023?

Thùy Dương 11:47 | 05/05/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
69/90 doanh nghiệp ngành xây dựng được niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý I/2023 với kết quả tăng trưởng phần lớn giảm tốc. Trong đó, một số 'ông lớn' mảng thầu xây dựng cũng báo kết quả kinh doanh 'đi lùi' so với cùng kỳ.

Trong 3 tháng đầu năm, đa phần các doanh nghiệp trong ngành nhận định hoạt động xây dựng gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do sức ép lạm phát, giá cả vật liệu, tỷ giá, lãi suất gia tăng; nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh cao; các yếu tố này đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án.

  Ảnh: Thùy Dương tổng hợp từ BCTC các doanh nghiệp 

Theo thống kê của người viết, tính đến hết ngày 4/5, thị trường đã có 69 trên 90 doanh nghiệp xây dựng được niêm yết trên sàn chứng khoán công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023. Kết quả của những doanh nghiệp đầu ngành có sự phân hóa.

Nhìn vào nhóm 'ông lớn' thầu xây dựng, riêng FECON ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng dương trong khi Coteccons, Hòa Bình và cả Ricons đề báo lợi nhuận đi lùi.

Cụ thể, dù doanh thu tăng mạnh nhưng lợi nhuận ròng trong quý của CTCP Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD) vẫn đi lùi so với cùng kỳ (svck), do ảnh hưởng của chi phí tài chính và chi phí giá vốn tăng cao.

Cụ thể, doanh thu thuần đạt gần 3.130 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ. Các mảng hoạt động của công ty đều ghi nhận doanh thu tăng trưởng, trong đó doanh thu từ hợp đồng xây dựng đạt hơn 3.124 tỷ đồng, chiếm gần 99% tổng doanh thu. Tuy nhiên, giá vốn tăng mạnh hơn doanh thu khiến lợi nhuận gộp giảm 17% còn gần 56 tỷ đồng.

Với hoạt động tài chính, dù doanh thu tăng 12% lên gần 85 tỷ đồng, nhờ lãi tiền gửi ngân hàng, nhưng chi phí tài chính lại gấp 2,7 lần cùng kỳ với gần 32 tỷ đồng, do chi phí lãi vay tăng mạnh. Kết quả, CTD chỉ lãi ròng hơn 22 tỷ đồng trong quý đầu năm, giảm 24% so cùng kỳ 2022.

Về phía CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC), sau khi lỗ hơn 1.200 tỷ đồng trong quý cuối năm 2022, công ty tiếp tục báo lỗ gần 445 tỷ đồng ngay trong quý đầu năm 2023.

Cụ thể, doanh thu thuần của HBC trong quý I ghi nhận 1.194 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ. Con số này không đủ bù cho giá vốn, dẫn đến mức lỗ gộp gần 203 tỷ đồng, trong khi đầu năm trước lãi gần 198 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính đạt 2,5 tỷ đồng, giảm 96% svck do không còn ghi nhận khoản doanh thu tài chính khác gần 52 tỷ đồng như cùng kỳ. Bên cạnh đó, chi phí lãi vay tăng cũng đẩy chi phí tài chính lên hơn 137 tỷ đồng, tăng 45%.

Với việc doanh thu giảm trong khi chi phí tăng cao, HBC lỗ ròng khoảng 445 tỷ đồng quý I. Đây là quý thứ 2 liên tiếp công ty báo lỗ (quý IV/2022 lỗ kỷ lục 1.202 tỷ đồng).

CTCP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Ricons (OTC: Ricons) là "ông lớn" tiếp theo ghi nhận kết quả kinh doanh quý I/2023 đi lùi, với doanh thu thuần đạt 1.719 tỷ đồng, giảm khoảng 15% svck, lãi ròng 15,4 tỷ đồng, giảm 26% cùng kỳ quý I/2022. 

CTCP FECON (HOSE: FCN) là điểm sáng khi tăng trưởng dương cả về doanh thu và lợi nhuận. Theo đó, doanh thu thuần trong quý đạt 609 tỷ đồng, tăng 21,3%, lãi ròng 2,8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2022 âm 6,6 tỷ đồng. 

Theo công ty, mức tăng trưởng lãi ròng là nhờ doanh thu thuần và lãi gộp của hợp nhất trong kỳ tăng lần lượt là 107,42 tỷ đồng và 35 tỷ đồng tương ứng mức tăng lần lượt 21,41% và 39,81% svck do đầu năm ngoái, giá vốn một số dự án tăng so với dự kiến ban đầu bởi giá nguyên vật liệu biến động bất thường và chi phí nhân công tăng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Năm nay, biến động của giá nguyên vật liệu và nhân công đã được FECON phản ánh trong giá chào thầu, ký hết hợp đồng với chủ đầu tư/nhà thầu chính.

Nhận định chung cho ngành xây dựng, trong báo cáo triển vọng kinh tế quý II/2023 của Công ty Chứng khoán KB (KBSV) mới đây, các chuyên gia nhận định tăng trưởng kinh tế chậm lại rõ rệt từ quý I, khu vực công nghiệp xây dựng suy yếu với mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ, phản ánh các hoạt động kinh doanh sản xuất đang gặp khó khăn do số lượng đơn hàng sụt giảm trong bối cảnh vĩ mô quốc tế không thuận lợi.

Trong khi đó, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) kỳ vọng những tín hiệu khởi sắc của kinh tế vĩ mô sẽ được duy trì nhờ động lực chính đến từ việc Chính phủ đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư, tiêu dùng nội địa ổn định (hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa) và chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Từ đó, ngành xây dựng kỳ vọng tăng trưởng tích cực trở lại, nhất là trong những tháng cuối năm.