Các Đại sứ đẩy mạnh hoạt động hợp tác để sớm ký kết Hiệp định EVFTA

07:59 | 17/08/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đây là đề nghị được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh tại Phiên họp toàn thể “Đối ngoại Quốc hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng.” trong khuôn khổ Hội nghị ngoại giao lần thứ 30, sáng 16/8.

Cùng tham dự Phiên họp toàn thể với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan Trung ương; Chủ tịch các Nhóm nghị sỹ hữu nghị Việt Nam với các nước; các cán bộ lão thành Bộ Ngoại giao; các vị lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cùng hơn 300 đại biểu là cán bộ, công chức Bộ Ngoại giao.

Các Đại sứ đẩy mạnh hoạt động hợp tác để sớm ký kết Hiệp định EVFTA - ảnh 1
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 30. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN) 

Tạo thuận lợi cho việc sớm ký kết Hiệp định

 Đánh giá về quan hệ các nước trên bình diện toàn cầu, cũng như tốc độ tăng trưởng, phục hồi kinh tế thế giới..., Chủ tịch Quốc hội nhận định, có sự gia tăng đan xen về lợi ích, tạo cơ hội để các nước củng cố quan hệ, tăng cường tập hợp lực lượng phục vụ cho phát triển và hiện thực hóa các tính toán chiến lược của mình.

Phân tích cục diện khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, các cơ chế do ASEAN dẫn dắt tiếp tục là cơ chế quan trọng thúc đẩy liên kết đa tầng nấc ở khu vực...

Theo Chủ tịch Quốc hội, trong bối cảnh đó, đất nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới vô cùng quan trọng. Trong phát triển, phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; tăng trưởng nhanh và bền vững; lợi ích của phát triển phải tới được tất cả mọi người, để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.

Nhấn mạnh về tính đối ngoại nhà nước và tính "nhân dân" trong hoạt động đối ngoại Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cho biết, bên cạnh tính chính thống trong triển khai đối ngoại với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đối ngoại Quốc hội còn có đặc thù riêng xuất phát từ tính đại biểu, đại diện cho cử tri và do cử tri bầu ra của các đại biểu Quốc hội.

“Tính chất này đã tạo cho các đại biểu Quốc hội một vị thế đặc biệt, có phần linh hoạt hơn trong việc thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và các nước khác. Do đó, trong một số hoàn cảnh, tình huống, đối ngoại Quốc hội đã đảm nhiệm hiệu quả vai trò tiên phong, thăm dò, mở đường để phát triển quan hệ, cũng như xử lý những vấn đề có vướng mắc mà các kênh khác gặp khó khăn”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tình hình thế giới và khu vực trong những năm tới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, cơ hội và thách thức đan xen, tác động toàn diện tới an ninh chính trị, tới sự ổn định và phát triển của đất nước Việt Nam, tới từng người dân và mỗi cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị.

Trong bối cảnh đó, công tác đối ngoại bao gồm cả đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Quốc hội cần tập trung làm tốt các nội dung trọng tâm để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đối ngoại mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đề ra.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đối ngoại theo tinh thần Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.

Bộ Ngoại giao, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cần tăng cường công tác tham mưu, tham vấn, giám sát, cũng như hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị kỹ, tốt các nội dung liên quan, hoàn thành hồ sơ trình Quốc hội thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA)

Liên quan đến Hiệp định EVFTA, theo Chủ tịch Quốc hội, đây là một trong những hiệp định có ý nghĩa quan trọng đối với nước ta, đang trong quá trình thúc đẩy chuẩn bị cho việc ký kết và phê chuẩn. Về mặt nguyên tắc, Hiệp định này sau khi ký kết cần được Nghị viện châu Âu phê chuẩn.

Để có sự ủng hộ thuận lợi cho quá trình phê chuẩn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Đại sứ, nhất là các Đại sứ đang công tác tại các nước thành viên thuộc khu vực này cần đẩy mạnh hoạt động hợp tác với Nghị viện châu Âu, cũng như nghị viện các nước thành viên và có những đề xuất, kiến nghị kịp với Quốc hội, với Chính phủ để tạo thuận lợi cho việc sớm ký kết Hiệp định này.

Các Đại sứ đẩy mạnh hoạt động hợp tác để sớm ký kết Hiệp định EVFTA - ảnh 2
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 30. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN) 

Đối ngoại Quốc hội - thế chân kiềng vững chắc

Tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đại biểu đã nghe phần trình bày của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam về thế chân kiềng vững chắc và sức mạnh tổng hợp trên mặt trận đối ngoại của đối ngoại quốc hội.

Việc Quốc hội thông qua Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và năm 2017 thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài đã góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về đối ngoại.

Các hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội đối với công tác quản lý biên giới, ngoại vụ địa phương, bổ nhiệm Đại sứ, bảo hộ công dân… đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công tác đối ngoại của Nhà nước Việt Nam.

Phát biểu tại Phiên họp, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Ngô Đức Mạnh cho rằng, trong tổng thể hoạt động đối ngoại chung có đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, trong đó đối ngoại Quốc hội có đặc điểm vừa mang tính đối ngoại nhà nước, vừa mang tính "nhân dân." Do đó, điều quan trọng và xuyên suốt nhất là phải phát huy được đặc điểm và thế mạnh này. Nhiều nghị viện các nước có tiếng nói quyết định về ngân sách, chính sách đối ngoại cũng như quan hệ với Việt Nam. Do đó, khi tương tác với nghị viện các nước “nếu chúng ta phát huy được hai thế mạnh này của đối ngoại Quốc hội thì chúng ta sẽ thành công hơn nữa trong công tác của mình.

Với tham luận “Ngoại giao góp phần phát huy vai trò của Việt Nam trong Liên minh Nghị viện thế giới,” Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Thụy Sỹ cho biết, IPU là tổ chức Liên nghị viện lâu đời nhất và lớn nhất thế giới, với 172 Quốc hội/Nghị viện thành viên và 12 thành viên liên kết, đại diện cho hơn 6,5 tỷ người trên toàn thế giới.

Khẳng định Quốc hội Việt Nam luôn là thành viên tích cực, trách nhiệm trong IPU, Đại sứ Dương Chí Dũng cho biết, lãnh đạo IPU đã đánh giá, thành công của kỳ Đại hội đồng IPU-132 do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức năm 2015 không chỉ tiếp tục nâng cao vị thế mà còn cho thấy Quốc hội Việt Nam có đầy đủ năng lực để dẫn dắt và định hướng trong IPU.

Thông điệp “Biến lời nói thành hành động” của Tuyên bố Hà Nội tại IPU-132 đã trở thành tiền đề cho chương trình hành động tiếp theo của IPU nhằm góp phần thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, Đại sứ cho biết, có thể thấy các trụ cột nghị sự của IPU đều gắn liền với nghị sự của Liên hợp quốc và thương mại đa biên. Đó là vấn đề hòa bình, an ninh, bảo đảm quyền con người, các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, thúc đẩy tự do hóa thương mại và bình đẳng trong thương mại quốc tế.

Theo Đại sứ Dương Chí Dũng, các đơn vị của Bộ Ngoại giao, các Phái đoàn bên cạnh Liên hợp quốc tại New York (Hoa Kỳ), Geneva (Thụy Sĩ), Viena (Áo)… cần tăng cường theo dõi quá trình tương tác giữa Liên hợp quốc và IPU để tham mưu, đề xuất với Bộ Ngoại giao và các cơ quan hữu quan của Quốc hội về những vấn đề thuộc mối quan tâm chung của quốc tế trên cơ sở hài hòa lợi ích của đất nước, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, bảo vệ chủ quyền và các lợi ích của Việt Nam.

Song hành với diễn đàn nghị viện đa phương, luôn có hoạt động tiếp xúc song phương bền lề, tiếp xúc cấp cao của lãnh đạo Quốc hội. Đây là dịp để tăng cường quan hệ song phương, bao gồm cả đối tác ít có hoạt động đối ngoại theo kênh Chính phủ. Do đó, lĩnh vực này cần được chú trọng để thúc đẩy hợp tác song phương đi vào thực chất hơn…

Kết thúc Phiên họp toàn thể, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cho biết Hội nghị nhận thức sâu sắc hơn về đối ngoại Quốc hội và mối quan hệ giữa đối ngoại Quốc hội với các kênh đối ngoại khác.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng nêu rõ các cán bộ ngoại giao sẽ quán triệt những nhiệm vụ mà Chủ tịch Quốc hội đã nêu ra, cụ thể hóa trong chương trình hành động của Hội nghị.

Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với với các bộ phận làm đối ngoại Quốc hội để phát huy sức mạnh tổng hợp trên mặt trận đối ngoại, góp phần triển khai thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội XII./.