Vì sao cần bổ sung vốn nhà nước tại ngân hàng Vietcombank?

Đông Bắc 15:59 | 23/10/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chính phủ đề xuất bổ sung gần 20.700 tỷ đồng vốn điều lệ cho Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) từ cổ tức bằng cổ phiếu được chia của cổ đông Nhà nước.

  

Trong phiên họp Quốc hội chiều 23/10, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Theo tờ trình, việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank là phù hợp với Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 và vai trò sếu đầu đàn trong ngành tài chính ngân hàng theo định hướng của Đảng, Chính phủ.

Đồng thời, việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank nhằm tạo điều kiện để Vietcombank đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định hiện nay.

 

  Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Vietcombank. Ảnh Quochoi.vn.

“Tỷ lệ an toàn vốn CAR riêng lẻ của Vietcombank tại 31/12/2023 là 11,05%, CAR hợp nhất là 11,39% (theo BCTC đã được kiểm toán năm 2023 của Vietcombank). Tỷ lệ CAR của Vietcombank đảm bảo tuân thủ yêu cầu tối thiểu theo quy định của NHNN (8%), tuy nhiên đang ở mức thấp hơn so với nhóm các NHTM cổ phần ở Việt Nam, thấp hơn nhiều so với các ngân hàng trong khu vực Châu Á và Đông Nam Á”, ông Hồ Đức Phớc trình bày.

Ngoài ra, so với mục tiêu Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 và hướng tới đáp ứng yêu cầu của Hiệp ước Basel III nêu trên thì tỷ lệ CAR của Vietcombank vẫn còn rất thấp.

Theo tờ trình, nếu không được tăng vốn, năm 2024, Vietcombank sẽ chỉ tăng trưởng tín dụng được ở mức 7% (thay vì mức dự kiến 15,93% như hiện tại) để tương ứng với phần vốn tự có giảm. Đồng thời, lợi nhuận trước thuế dự kiến cũng sẽ giảm tương ứng với phần giảm quy mô tín dụng (giảm khoảng 4% lợi nhuận).

Không chỉ thiếu vốn năm 2024, Vietcombank còn thiếu hụt tới 118.166 tỷ đồng cả giai đoạn 2024-2026 nếu muốn đáp ứng các tỷ lệ an toàn theo quy định hiện hành.

Trường hợp Vietcombank không được Quốc hội thông qua phương án tăng vốn mà phải thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt thì mức vốn tự có thiếu hụt giai đoạn 2024 - 2026 là 125.435 tỷ đồng. Trường hợp Vietcombank phải trả cổ tức bằng tiền mặt từ năm 2024, với mỗi 5.000 tỷ đồng trả cổ tức tiền mặt, hệ số CAR Vietcombank giảm 0,25% giai đoạn 2024 - 2026.

Từ những căn cứ đã nêu, Chính phủ đề xuất Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung 20.695 tỷ đồng (số chi tiết tuyệt đối là 20.695.100.980.000 đồng) tại Vietcombank. Phần lợi nhuận còn lại 36 tỷ đồng được giữ lại tại Vietcombank (tương tự như lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018) để Vietcombank tiếp tục thực hiện các thủ tục chia cổ tức để tăng vốn điều lệ cùng với nguồn lợi nhuận còn lại của các năm sau.

Đối với lợi nhuận còn lại năm 2022, 2023, hiện nay, trên cơ sở đề xuất của Người đại diện phần vốn nhà nước tại Vietcombank, căn cứ quy định tại Luật 69/2014/QH13 và các văn bản có liên quan, NHNN đang phối hợp với các Bộ ngành liên quan để làm thủ tục trình cấp có thẩm quyền tiếp tục đầu tư bổ sung vốn cho Vietcombank.

 

  Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh Quochoi.vn.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban kinh tế của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank và cơ bản nhất trí với mức vốn, nguồn vốn đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank theo đề xuất của Chính phủ.

Tuy vậy, để có căn cứ đánh giá một cách toàn diện, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ nêu rõ thêm ý kiến của cổ đông chiến lược nước ngoài là Ngân hàng Mizuho Corporate Bank (đang nắm giữ 15% vốn điều lệ của Vietcombank), bảo đảm sự đồng thuận; bổ sung thông tin về thực trạng tỷ lệ an toàn vốn của Vietcombank so với các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước hiện nay.

Đồng thời, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ chỉ đạo NHNN phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xử lý phần lợi nhuận còn lại năm 2022, 2023 (lần lượt là 21.680 tỷ đồng và 25.009 tỷ đồng) theo quy định của pháp luật nhằm tăng cường năng lực tài chính cho Vietcombank, bù đắp mức thiếu hụt vốn tự có, bảo đảm an toàn hoạt động.

Ngoài ra, có nhiều ý kiến đề nghị làm rõ hơn cơ cấu sử dụng vốn được đầu tư bổ sung tại Vietcombank trên cơ sở bảo đảm phù hợp, thống nhất với mục đích đầu tư bổ sung vốn Nhà nước cũng như đánh giá tác động kỹ lưỡng, thấu đáo hơn đối với hiệu quả việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank, trong đó tác động tới chính ngân hàng, tới sự phát triển của ngành ngân hàng và hiệu quả kinh tế của vốn đầu tư. Cũng có ý kiến đề nghị làm rõ nhận định “nguồn vốn Vietcombank đề xuất để tăng vốn điều lệ không có tác động đến ngân sách nhà nước” nêu tại Tờ trình của Chính phủ.

Về hình thức văn bản, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc đưa nội dung đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank vào Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (tương tự như trường hợp bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV); nhất trí với nội dung Chính phủ đề xuất đưa vào Nghị quyết như đã nêu tại Tờ trình số 564/TTr-CP.