Các điểm du lịch chật kín du khách, chuyên gia lo lắng cảnh báo nguy cơ bùng dịch COVID-19
Bất chấp những khuyến cáo của Bộ Y tế về việc hạn chế đến nơi công cộng, tụ tập đông người không cần thiết để phòng, chống dịch COVID-19. Trong hai ngày 30/4 và 1/5 tại nhiều địa điểm du lịch ở Vũng Tàu, Nha Trang, Phú Quốc, Đà Lạt, Thanh Hóa… hình ảnh “biển người” tụ tập vui chơi nghỉ lễ khiến các chuyên gia y tế lo ngại cảnh báo: những người đến các khu vực tập trung đông đúc đều có thể là nhóm nguy cơ cao hàng đầu.
Ngày 29/4, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có công văn hỏa tốc về việc ngưng tổ chức các sự kiện có quy mô đông người trên địa bàn tỉnh trong ngày lễ 30/4 và 1/5. Tuy nhiên, trong 2 ngày lễ, hàng nghìn du khách vẫn đổ về TP Vũng Tàu nghỉ dưỡng. Theo báo cáo, có khoảng 70.000 du khách đến Vũng Tàu vui chơi, tắm biển trong ngày 30/4 và dự kiến con số này còn tăng cao hơn trong ngày 1/5.
Bãi biển đông nghịt người tại Vũng Tàu
Chính quyền địa phương đã yêu cầu các cơ sở lưu trú, các khu du lịch thực hiện nghiêm việc phòng dịch, tuy nhiên với lượng khách quá đông, việc nhắc nhở du khách đeo khẩu trang xuống tắm biển gặp nhiều khó khăn.
Hàng nghìn du khách vẫn không đeo khẩu trang chen chúc nhau tắm biển Vũng Tàu. Trong sáng 1/5, các đơn vị chức năng đã thành lập nhiều tổ túc trực dọc tuyến tập trung đông du khách để nhắc nhở, phát khẩu trang. Các phường cũng huy động lực lượng xử phạt du khách và người dân nếu không đeo khẩu trang nơi công cộng.
Trong khi đó, trên các hội nhóm du lịch Nha Trang (Khánh Hòa), nhiều thành viên liên tục chia sẻ hình ảnh đông đúc ở bến tàu ra đảo, khu du lịch hút sự chú ý của cộng đồng mạng.
Anh Phạm Ngọc Hòa, hướng dẫn viên du lịch địa phương nói: “Từ ngày 30/4, nhiều điểm du lịch nổi tiếng ở Nha Trang trở nên tấp nập, đông đúc. Lâu lắm rồi tôi mới thấy lại cảnh khách xếp hàng mua vé du lịch kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát”.
Khách xếp hàng dài mua vé tại một điểm du lịch ở Nha Trang
Ngày 1/5, bến tàu Du lịch Nha Trang, nơi mua vé tham quan các điểm như hòn Mun, bãi Tranh, vịnh San Hô, hòn Tằm... cũng nườm nượp người chờ đợi sang đảo.
Trước đó, Sở Du lịch Khánh Hòa dự đoán sẽ có khoảng 70.000 lượt khách du lịch trong đợt nghỉ lễ 30/4. Du khách chủ yếu lưu trú ở thành phố Nha Trang và khu vực Bãi Dài (huyện Cam Lâm).
Tương tự, các điểm vui chơi ở Phú Quốc (Kiên Giang) đông người trong từ ngày đầu của kỳ nghỉ lễ. Nhiều khách sạn ế ẩm nhiều tháng qua đã không còn phòng để nhận thêm khách.
Sáng 1/5, ghi nhận cảnh hàng nghìn khách du lịch xếp hàng chờ lên cáp treo ra đảo Hòn Thơm, TP Phú Quốc. Từ 9h tới giữa trưa, dòng người xếp hàng chật kín khu vực soát vé. Tại lối lên cáp treo, nhân viên liên tục phân luồng đủ 30 khách thì cắt nhóm. Khách xếp hàng đều được nhân viên yêu cầu sát khuẩn tay và đeo khẩu trang. Doanh nghiệp vận hành cáp treo từ chối bán vé cho khách không thực hiện các khuyến cáo của ngành y tế trong phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, vẫn có một số ít khách không thực hiện đúng quy định đeo khẩu trang nơi công cộng. Kỳ nghỉ lễ này, Kiên Giang dự kiến đón khoảng 160.000 khách du lịch, trong đó Phú Quốc chiếm 50%.
2 ngày qua Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 của Phú Quốc đã chỉ đạo các xã, phường mang loa lưu động đến các khu phố để tuyên tuyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, khuyến cáo người dân thực hiện 5K của ngành y tế. Ôtô lưu động của Phòng Văn hóa - Thể thao liên tục di chuyển trên khắp các tuyến đường từ nam đến bắc đảo để tuyên truyền, giúp người dân và du khách nâng cao ý thức phòng chống dịch.
Tuy chính quyền địa phương tại các điểm du lịch nỗ lực nhắc nhở, kiểm tra và xử phạt nhằm đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch, nhưng những hình ảnh quá tải du khách, du khách kín đặc một khu vực hoặc không đeo khẩu trang cũng khiến người dân và các chuyên gia y tế lo ngại lên tiếng cảnh báo về nguy cơ bùng dịch.
Phó Giáo sư Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nhấn mạnh sự đi lại, tập trung đông người rất nguy hiểm trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp tại Việt Nam: “Chúng ta tuyệt đối không chủ quan vì chỉ một ca nhiễm trong cộng đồng thì sẽ rất vất vả”.
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trần Nam, Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), nhấn mạnh khi lực lượng biên giới Việt Nam ngày đêm canh giữ người nhập cảnh trái phép, trong nước, tình hình cũng không khá hơn.
Vừa qua, người dân Việt Nam trải qua dịp lễ lớn trong năm như Tết của người Khmer, Giỗ tổ Hùng Vương và hiện tại là kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5. Những kế hoạch đi chơi trong 4 ngày nghỉ cùng các điểm tập trung đông đúc trở thành khu vực có nguy cơ rất cao.
Bác sĩ Nam nhận định: “Bằng chứng cho sự lây nhiễm cộng đồng từ việc tập trung đông đúc là đợt bùng phát dịch COVID-19 nghiêm trọng ở Ấn Độ hiện tại. Nhiều chuyên gia cho rằng sự cố này một phần xuất phát từ lễ hội tắm sông Hằng của hàng triệu người. Sau đó, Ấn Độ bùng dịch và đến nay, số lượng bệnh nhân ở đất nước này gần như vượt quá sự chịu đựng của ngành y tế. Bài học này khiến Việt Nam chúng ta không thể chủ quan”.
Các chuyên gia nhấn mạnh, người dân cần chấn chỉnh lại ngay việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng và tiếp xúc. Tuân thủ thông điệp 5K là biện pháp đơn giản, hiệu quả, tiết kiệm nhất, trong đó quan trọng nhất là khẩu trang và không tập trung.
Bác sĩ Nam nói: “Hiện tại, vaccine chưa phải là tất cả để đẩy lùi dịch. 5K vẫn là biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tốt nhất”.
Các chuyên gia cũng cho rằng địa phương cần thận trọng với người mới đi tắm biển hoặc đến những địa điểm du lịch đông đúc. Khi dịch bệnh lây lan trong cộng đồng chưa rõ nguồn gốc, những người đến các khu vực tập trung đông đúc đều có thể là nhóm nguy cơ cao hàng đầu.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho biết đến sáng 1/5, Hà Nội cơ bản đã điều tra hết các trường hợp liên quan. Tuy nhiên, vị lãnh đạo bày tỏ lo lắng về ổ dịch mới bùng phát do hơn 20 F1 đã trở về quê trong dịp nghỉ lễ.
T.T
Xem thêm: Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp khẩn về phòng chống COVID-19