Các đơn vị phải 'xắn tay' vào làm cùng chủ đầu tư, nhà thầu
Chiều 12/12, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh chủ trì Hội nghị giao ban công tác tháng 11 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 12/2024 của Bộ GTVT.
Dự án thành phần Cao tốc Bắc-Nam vượt tiến độ 3-9 tháng
Báo cáo tại Hội nghị, Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, 11 tháng qua, Bộ GTVT tiếp tục ghi nhận nhiều điểm sáng trên hầu hết các lĩnh vực. Trong đó, đến hết tháng 11/2024, Bộ giải ngân khoảng 52.750 tỷ đồng, đạt 70% kế hoạch đã được giao, duy trì ở mức cao hơn bình quân chung cả nước (cả nước giải ngân trung bình 60,4%).
Về phát triển kết cấu hạ tầng, trong 11 tháng, có 9 dự án, khánh thành, 8 dự án được đưa vào khai thác. Tiến độ các dự án trọng điểm được đảm bảo. Một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông có khả năng hoàn thành vượt tiến độ từ 3 - 6 tháng, thậm chí 9 tháng.
Lĩnh vực vận tải tiếp tục có sự tăng trưởng với sản lượng hàng hóa tăng hơn 14%, luân chuyển hàng hóa tăng 11%. Sản lượng hành khách tăng hơn 8%, luân chuyển hành khách tăng gần 12% so với cùng kỳ.
Về cải cách thủ tục hành chính, 11 tháng năm 2024, Bộ GTVT đã hoàn thành 30/54 nhiệm vụ Chính phủ giao về xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số. Trong đó hoàn thành 8/11, còn 3 nhiệm vụ dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2024.
Xắn tay làm cùng chủ đầu tư, nhà thầu
Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Trần Hồng Minh nhận định: Tháng cuối năm khối lượng công việc lớn, số lượng dự án nhiều, các đơn vị phải tập trung thực hiện nhiệm vụ trong tháng 12 và đầu năm 2025. Bộ trưởng yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tập trung tháo gỡ khó khăn, hoàn thành mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
"Lãnh đạo Bộ phụ trách, cục quản lý chuyên ngành phải 'xắn tay' cùng chủ đầu tư, nhà thầu nghiên cứu giải pháp rút ngắn thời gian gia tải nền đất yếu tại dự án đoạn Cần Thơ - Cà Mau. Việc rút ngắn tiến độ phải đi đôi với bảo đảm chất lượng. Tập trung gỡ khó vướng mắc mặt bằng ở một số dự án như: Biên Hoà - Vũng Tàu, Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột", Bộ trưởng nói.
Riêng đối với dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, đánh giá tiến độ dự án thành phần 3 và dự án thành phần 4 chưa đáp ứng yêu cầu, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị nghiên cứu lập tổ công tác, phối hợp tháo gỡ các khó khăn. Thứ trưởng phụ trách thường xuyên vào công trường kiểm tra, đôn đốc tiến độ với tinh thần: "Việc gì có thể giải quyết được ở hiện trường là giải quyết ngay, phấn đấu hoàn thành đồng bộ dự án trước 31/12/2025", Bộ trưởng chỉ đạo.
Các đơn vị tích cực phối hợp với cơ quan liên quan, chủ đầu tư nghiên cứu sớm triển khai các dự án hạ tầng kết nối quan trọng như: dự án mở rộng đoạn tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành; dự án mở rộng tuyến đường bộ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP, dự án dừng/chậm tiến độ như Hà Nội - Yên Viên - Phả Lại - Cái Lân.
"Riêng với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, bên cạnh việc sớm hoàn thiện các thủ tục lựa chọn tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thì tới đây, việc nghiên cứu tăng cường nguồn lực, năng lực cho đơn vị quản lý tại dự án đường sắt tốc độ cao là cần thiết. Bên cạnh việc bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, chúng ta cũng cần tham khảo kinh nghiệm, học hỏi các nước phát triển mạnh đường sắt tốc độ cao về cách thức quản lý, tổ chức triển khai, có thể nghiên cứu lập ban tổng công trình sư hoặc lựa chọn kỹ sư trưởng/kiến trúc sư trưởng", Bộ trưởng gợi ý.
Nhấn mạnh thêm về việc dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng phải phấn đấu khởi công trong năm 2025 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng Trần Hồng Minh đề nghị đơn vị khẩn trương làm rõ các nội dung liên quan đến công tác đầu tư dự án này, làm cơ sở lãnh đạo Bộ làm việc với đối tác, thúc đẩy tiến trình triển khai.
Phan Trang