Các 'gã khổng lồ' công nghệ đặt cược lớn vào AI: Đường dài mới biết ngựa hay
Theo hãng tin Bloomberg, các “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ đã chi hàng chục tỷ USD mỗi quý để tăng cường năng lực tính toán cần thiết cho việc phát triển, vận hành các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) trong hai năm kể từ khi ChatGPT ra mắt.
Điều này đã đưa AI trở thành chủ đề thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư hơn bất kỳ đột phá công nghệ nào khác trong hai thập kỷ qua.
Bloomberg cho biết đối với những người ủng hộ AI nhiệt thành nhất, tác động của công nghệ này sẽ rất lớn: AI sẽ thay thế hàng loạt lao động con người, giúp các nhà nghiên cứu khám phá ra những loại thuốc quan trọng, cho phép các công ty thâm nhập vào các thị trường mới và tăng cường hiệu quả kinh doanh giúp thúc đẩy lợi nhuận trong nhiều năm tới.
Cổ phiếu liên quan đến AI cũng đã đóng vai trò quan trọng trong phần lớn đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán bắt đầu từ tháng 10/2022.
Báo cáo cho biết thêm dù cố ý hay không, hầu hết các nhà đầu tư đều đang đặt cược vào AI. 30% của một quỹ chỉ số S&P 500 bất kỳ cũng đều dành cho 8 công ty, bao gồm Nvidia, Microsoft và Apple - những “ông lớn” đã đặt cược một phần tương lai vào AI.
Chưa kể đến các lĩnh vực liên quan, chẳng hạn như các công ty tiện ích cũng đang được hưởng lợi từ những trung tâm dữ liệu AI tiêu thụ rất nhiều điện.
Tuy AI hứa hẹn nhiều tiềm năng, báo cáo lưu ý rằng doanh thu mà nó tạo ra vẫn còn khá khiêm tốn so với chi phí bỏ ra. Một cuộc thăm dò gần đây của công ty tư vấn Gallup cho thấy chỉ có 4% người lao động Mỹ sử dụng AI hàng ngày, trong khi hơn 60% số người được hỏi cho biết họ không bao giờ sử dụng.
Ông Daron Acemoglu, nhà kinh tế đoạt giải Nobel và giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts nhận định rằng những kỳ vọng phổ biến xung quanh sự tiến bộ của AI là quá lạc quan.
Một số nhà đầu tư đang cảm nhận được dấu hiệu tương tự như những năm 1990, khi internet sơ khai cũng dấy lên một làn sóng hưng phấn giống AI hiện tại. Song quá trình chuyển đổi lên môi trường trực tuyến đó mất nhiều thời gian hơn dự kiến, tạo ra sự mất cân đối lớn giữa giá cổ phiếu và các yếu tố cơ bản để rồi dẫn đến một cuộc sụp đổ nghiêm trọng trên thị trường.
Báo cáo của Bloomberg chỉ ra một số cổ phiếu công nghệ lớn đang được giao dịch ở mức giá cao hơn nhiều so với mức trung bình lịch sử của chúng.
Trong bối cảnh các “gã khổng lồ” công nghệ cam kết tiếp tục chi tiêu cho AI, ông Jim Covello - Trưởng bộ phận nghiên cứu cổ phiếu tại ngân hàng Goldman Sachs Group cho rằng AI chưa có khả năng thực hiện nhiều điều như những người ủng hộ nó quảng bá. Ông chỉ ra rằng hầu hết các chuyển đổi công nghệ trong lịch sử, đặc biệt là những sự chuyển đổi sâu rộng đã thay thế các giải pháp rất đắt đỏ bằng các giải pháp rất rẻ. Nhưng với AI, tình hình lại hoàn toàn trái ngược.
Theo quan điểm của ông, khi các công ty công nghệ nhận thức được điều đó, họ sẽ bắt đầu xem xét lại những khoản chi tiêu lớn của mình và các cổ phiếu “ăn theo” sẽ lại sụt giảm. Kịch bản đó cũng sẽ là một đòn giáng mạnh vào các ông lớn công nghệ, làm giảm triển vọng tăng trưởng của họ. Nhưng kịch bản đó có lẽ sẽ không gây ra nhiều thiệt hại cho sức hấp dẫn của họ trong dài hạn, vì tăng trưởng từ các hoạt động kinh doanh cốt lõi sẽ vẫn còn nguyên.
Nhìn chung, vẫn còn quá sớm để xác định môi trường AI sẽ phát triển ra sao trong những năm tới. Những cái tên nổi bật hiện tại cũng không chắc chắn sẽ vẫn thành công trong tương lai.
Vào đầu những năm 2000, cổ phiếu của các nhà sản xuất phần cứng như Cisco Systems Inc. và Sun Microsystems Inc có hiệu suất hoạt động tốt nhất thời bấy giờ. Nhưng cuối cùng, những công ty trẻ tuổi hơn như Amazon và Google lại là kẻ chiến thắng.
AI vẫn là một lĩnh vực đầy tiềm năng. Nhưng sự phát triển của nó không phải là một đường thẳng đi lên - thị trường này vẫn sẽ trải qua nhiều biến động và điều chỉnh.
Các nhà đầu tư nên tiếp cận AI với một thái độ cân bằng, vừa nhận ra tiềm năng to lớn của công nghệ, vừa đánh giá kỹ lưỡng những rủi ro và thách thức phía trước.
Lịch sử cũng nhắc nhở rằng sự thành công trong dài hạn không chỉ phụ thuộc vào những cái tên nổi bật hiện tại mà còn ở khả năng thích ứng và đổi mới liên tục trong tương lai.