Các ngân hàng dần ứng phó tốt với rủi ro nợ xấu!

18:56 | 30/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các chuyên gia cho rằng các ngân hàng đã ứng phó tốt hơn với rủi ro đến từ nợ xấu.

Tại tọa đàm “Điểm đến kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2021”, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đối Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, sức đề kháng với rủi ro nợ xấu của ngành ngân hàng Việt Nam đã tốt hơn trước rất nhiều.

Diễn giải nhận định trên, ông Khoa cho biết, thời gian gần đây, các tổ chức tín dụng đã nâng cao năng lực quản trị, đặc biệt về vốn, qua đó hệ số an toàn vốn (CAR) tăng mạnh và đáp ứng chuẩn Basel 2.

Các ngân hàng dần ứng phó tốt với rủi ro nợ xấu! - ảnh 1

Ngoài ra, với quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, tập trung đầu tư công nghệ, kỹ thuật số, nền tảng thanh toán online, giờ đây không chỉ doanh nghiệp mà người dân cũng bắt đầu sử dụng dịch vụ của ngân hàng nhiều hơn. Điều này thấy rõ nhất ở yếu tố tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của các ngân hàng đồng loạt tăng mạnh, nguồn vốn chi phí rẻ này giúp kéo giãn biên lãi thuần (NIM), qua đó thúc đẩy lợi nhuận.

“Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, phần lớn các doanh nghiệp không đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh thay vào đó để tiền trong tài khoản phòng ngừa nhiều hơn. CASA tăng dẫn đến chi phí vốn giảm, hỗ trợ thu nhập từ lãi tăng. Đáng chú ý, các nguồn thu ngoài lãi như thu phí bảo hiểm, bảo lãnh, thu xếp hợp vốn, giấy tờ có giá… cũng được các ngân hàng tích cực đẩy mạnh”, ông Khoa nói.

Mặt khác, việc xử lý nợ xấu hiệu quả những năm vừa qua đã tạo luân chuyển vốn, nhiều ngân hàng hưởng lợi từ khoản tăng lãi bất thường. Thậm chí, Thông tư 01 và Thông tư 03 còn giúp ngân hàng không phải trích lập nợ xấu luôn mà được trích lập từng khoản nhỏ góp phần giảm áp lực chi phí cho hệ thống ngân hàng.

Đồng quan điểm, ông Lý Hoài Văn, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) nhìn nhận, sau cuộc khủng hoảng 2008-2009, ngành ngân hàng đã đi qua nhiều giai đoạn tái cơ cấu và cơ bản đã gia tăng sức khỏe để chống chịu với các rủi ro, đặc biệt là rủi ro nợ xấu.

Trước đó, thống kê từ BCTC hợp nhất của 26 ngân hàng cho thấy, trong quý 1/2021, tổng nợ xấu nội bảng của những ngân hàng này đã tăng 5,3% lên hơn 93.200 tỷ đồng,...

Trong đó, BIDV, VPBank, VietinBank vẫn là những ngân hàng có số nợ xấu lớn nhất hệ thống, lần lượt là hơn 21.700 tỷ đồng, 10.400 tỷ đồng và 8.900 tỷ đồng.

Quý đầu năm, 20/26 ngân hàng có số dư nợ xấu tăng, trong đó một số ngân hàng tăng mạnh trên 30% như ACB, Vietcombank,…

ACB là ngân hàng có nợ xấu tăng mạnh nhất trong quý đầu năm nay, tăng 61% lên 2.954 tỷ đồng. Trong báo cáo phân tích mới đây, SSI Research cho biết ACB đã chủ động phân loại lại nợ của một khách hàng doanh nghiệp lớn có thể gặp khó khăn trong tương lai. Ngoài ra, ACB cũng dự báo có thể cần hơn 2 năm để xử lý tài sản thế chấp liên quan, do đó ngân hàng đã trích lập dự phòng đầy đủ đối với khoản cho vay này (giả định tài sản đảm bảo bằng 0).

Vietcombank cũng có nợ xấu tăng khá mạnh (tăng 47%) trong 3 tháng đầu năm lên 7.697 tỷ đồng. Nợ xấu MB tăng 29% lên 4.185 tỷ đồng.

Trong khi đó, có 6 ngân hàng ghi nhận nợ xấu giảm: VietinBank, Sacombank, SeABank, Techcombank, BacABank, Kienlongbank.

Trong đó, Kienlongbank là ngân hàng có nợ xấu giảm mạnh nhất, đột ngột giảm từ 1.883 tỷ đồng xuống còn 560 tỷ đồng. Được biết nguyên nhân là do ngân hàng đã bán xong số cổ phiếu STB của Sacombank – là tài sản đảm bảo cho khoản vay của một nhóm khách hàng đã được ghi nhận vào nợ nhóm 5 hồi cuối năm 2019.

5 ngân hàng còn lại có nợ xấu giảm nhẹ: Techcombank giảm 12%, VietinBank giảm 6%, Sacombank giảm 8%, SeABank giảm 1%, BacABank giảm 4%.

Hạ Bình