Các “ông lớn” cà phê thế giới đối mặt làn sóng tẩy chay, cà phê Việt gặp khó

20:29 | 02/02/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Một báo cáo tổng hợp về ngành cà phê thế giới vừa công bố cho thấy, các “ông lớn” sản xuất cà phê hàng đầu thế giới đối mặt làn sóng tẩy chay, khiến cà phê Việt gặp khó.
Giá cà phê arabica kỳ hạn ICE đã rơi xuống đáy
 
Theo nongnghiep.vn, một báo cáo tổng hợp về ngành cà phê thế giới vừa công bố cho thấy, tình trạng xâm hại môi trường và tận dụng lao động trong khai thác ngành cà phê trong nhiều năm qua hầu như không có sự thay đổi tích cực nào. Điều này cũng gián tiếp khiến hầu hết nông dân trồng cà phê lâm vào thua lỗ do không thể sản xuất bền vững.
 
 
Các “ông lớn” cà phê thế giới đối mặt làn sóng tẩy chay, cà phê Việt gặp khó - ảnh 1
 Hàng loạt các “ông lớn” hàng đầu thế giới, bao gồm cả Starbucks và JDE Peet… đang phải đối mặt với làn sóng tẩy chay ngày càng tăng của người tiêu dùng 
 
 
Nghiên cứu do nhóm Coffee Barometer, một tổ chức phi chính phủ (NGO) toàn cầu xúc tiến trong bối cảnh hàng loạt các “ông lớn” hàng đầu thế giới, bao gồm cả Starbucks và JDE Peet… đang phải đối mặt với làn sóng tẩy chay ngày càng tăng của người tiêu dùng do sản phẩm của họ bị tố cáo không có nguồn gốc đạo đức.
 
Trước đó, hồi trung tuần tháng 1 năm nay, liên minh châu Âu (EU) cũng lên kế hoạch đề xuất một đạo luật có hiệu lực ngay lập tức để ngăn chặn việc nhập khẩu các mặt hàng có liên quan đến nạn phá rừng và vi phạm nhân quyền. Theo Reuters, động thái này diễn ra sau nhiều năm nỗ lực tự nguyện bất thành của các công ty kinh doanh cà phê nhằm làm sạch chuỗi cung ứng của họ.
 
"Trong khi một số ít công ty có các chính sách toàn diện (bền vững), thì nhiều thương nhân và những nhà rang xay lớn vẫn lập lờ, không rõ ràng về các cam kết của họ, thậm chí không có bất kỳ tiến bộ nào đối với vấn đề này. Rõ là cha chung không ai khóc", báo cáo của Coffee Barometer trích dẫn nhưng không chỉ đích danh từng doanh nghiệp nằm trong “danh sách đen”.
 
Trong khi đó, hãng JDE Peet cho biết họ cũng nhận thức và bày tỏ mối quan tâm đến các vấn đề mà nông dân trồng cà phê quy mô nhỏ đang phải đối mặt và đưa ra các chương trình hành động tại 15 quốc gia sản xuất cà phê lớn, nhằm giải quyết các thách thức để phát triển bền vững. Riêng Starbucks đến nay vẫn im hơi lặng tiếng khi được đề cập đến vấn đề này.
 
Giá cà phê arabica kỳ hạn ICE đã rơi xuống đáy- mức thấp nhất trong gần 14 năm, vào thời điểm năm 2019 và được cho là thấp hơn chi phí sản xuất của đa số các hộ sản xuất nhỏ lẻ. “Các nông hộ sản xuất nhỏ lẻ đang phải gánh chịu áp lực liên tục để cắt giảm chi phí, đặc biệt là những chi phí liên quan đến giá thuê nhân công và môi trường”, báo cáo cho biết.
 
Theo báo cáo trên, ngành cà phê thế giới hiện được định giá khoảng từ 200-250 tỷ USD/năm ở cấp độ bán lẻ. Tuy nhiên các nước sản xuất loại đồ uống phổ biến nhất hành tinh lại chỉ nhận được chưa đầy 10% giá trị đó khi xuất khẩu hạt cà phê và nông dân thậm chí còn được hưởng lợi ít hơn rất nhiều.
 
Nghiên cứu mới cũng cho biết, hiện bản đồ cây cà phê được trồng trên diện tích khoảng 12,5 triệu đồn điền lớn nhỏ trên khắp thế giới, trong đó có đến 95% diện tích là các nông trại sử dụng nhiều lao động (thường sử dụng toàn bộ các thành viên gia đình nông dân vào lao động thời vụ). Nói cách khác, cà phê mang lại sinh kế cho hàng chục triệu người trên thế giới.
 
Coffee Barometer cũng cảnh báo rằng, cho đến nay hoạt động sản xuất cà phê chỉ đóng một vai trò tương đối nhỏ trong vấn nạn phá rừng, nhưng điều này sẽ không còn tồn tại lâu trong tương lai, nếu không có những chính sách cải cách, tái cấu trúc toàn ngành. Một trong những bằng chứng là tại Peru, ước tính đã có tới 25% các vụ phá rừng ở nước này liên quan đến sản xuất cà phê.
 
“Phá rừng hiện là nguyên nhân chính thứ hai gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu, nó chỉ xếp sau các hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch”, báo cáo chỉ rõ.
 

Xuất khẩu cà phê Việt Nam giảm cả về lượng và giá trị

 

Theo ghi nhận của baoquocte.vn, cùng thời điểm khảo sát, giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US – New York (Mỹ) tiếp tục xu hướng tăng nhẹ, giá cà phê thu mua tại thị trường trong nước đi ngang. Sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2020/2021 được dự báo sẽ giảm.
 
 
Các “ông lớn” cà phê thế giới đối mặt làn sóng tẩy chay, cà phê Việt gặp khó - ảnh 2

 

Do nhiều nguyên nhân, xuất khẩu cà phê Việt Nam giảm cả về lượng và giá trị

Thông tin từ Hiệp hội cà phê - ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết, năm 2020, do nhiều nguyên nhân, xuất khẩu cà phê Việt Nam giảm cả về lượng và giá trị. Theo Tổng cục Hải quan, lượng cà phê đã xuất khẩu trong cả năm 2020 là 1,565 triệu tấn (giảm 5,6% so với năm 2019), đạt giá trị 2,741 tỷ USD (giảm 4,2%). Khó khăn đã xuất hiện ngay từ cuối năm 2020, mà nổi cộm nhất là tình trạng thiếu container để xuất khẩu. Hiện container cho xuất khẩu cà phê vẫn đang rất căng thẳng, giá cước nhiều khả năng sẽ còn tăng trong thời gian tới. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu cà phê. Theo nhận định của một số chuyên gia ngành hàng cà phê, xuất khẩu cà phê năm nay sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.
 
Việc gia tăng mạnh về diện tích, sản lượng cà phê ở Brazil, nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, cũng gây khó khăn không nhỏ cho xuất khẩu cà phê Việt Nam. USDA dự báo sản lượng cà phê Brazil niên vụ 2020/2021 (từ tháng 7/2020 đến tháng 6/2021) sẽ tăng tới 14,5% lên mức kỷ lục 67,9 triệu bao. Còn Cơ quan Thống lê và Cung cấp thực phẩm của Chính phủ Brazil (CONAB) lại dự báo sản lượng cà phê nước này sẽ đạt khoảng 63,08 triệu bao, tăng 2,4% so với dự báo trước đó của cơ quan này. Cũng theo CONAB, trong năm 2020, diện tích cà phê cho thu hoạch ở Brazil là 1,88 triệu ha, tăng 3,9% so với năm 2019.
 
BNEWS dẫn lời của ông Nguyễn Viết Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Cacao Việt Nam (Vicofa) tại Hội nghị tổng kết niên vụ 2020, tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, chiều 15/1.
 
Ông Hải cho biết: Niên vụ 2019/2020, xuất khẩu cà phê đạt 1,61 triệu tấn, với giá trung bình 1.740 USD/tấn, kim ngạch đạt 2,8 tỷ USD. So với vụ trước đó, sản lượng xuất khẩu giảm 5% trong khi kim ngạch giảm 5,3%, mức giá trung bình giảm 0,4%; trong đó, khối lượng xuất khẩu cà phê chế biến (rang xay, hòa tan) giảm mạnh hơn 17%, chỉ đạt 110.000 tấn, kim ngạch giảm 8,7%, đạt hơn 443 triệu USD.
 
Tính đến tháng 12/2020, Việt Nam đã thu hoạch được 70% sản lượng, dự báo giảm từ 10-15%. Trong khi đó, giá cà phê vẫn bấp bênh khiến khối lượng cà phê thu mua trong dân của niên vụ 2020/2021 ít hơn nhiều so với niên vụ trước. Hiện nay, giá cà phê tươi giao động từ 6,7-6,9 triệu đồng/tấn, giá cà phê nhân ở mức 32-32,5 triệu đồng/tấn khiến người trồng cà phê tiếp tục gặp khó khăn.
 
Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa cho biết, các chuyên gia dự báo thị trường cà phê thời gian tới có thể phục hồi nhưng rất chậm vì dịch COVID-19 vẫn có chiều hướng diễn biến phức tạp, hoạt động du lịch ở nhiều khu vực chưa được mở cửa trở lại. Tiêu thụ trong nước vẫn chưa đạt được kỳ vọng do nhiều quán cà phê vắng khách, phải đóng cửa. Trong khi đó, hoạt động sản xuất cà phê trong nước cũng đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của mưa bão, biến đổi khí hậu và già cỗi.
 
Đứng trước khó khăn đó, Vicofa sẽ tập trung thực hiện một số chương trình nhằm cải thiện hiệu quả cho ngành cà phê. Theo đó, hiệp hội đẩy mạnh chương trình tái canh cây cà phê giai đoạn 2, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cơ hội xuất khẩu thông qua các Hiệp định EVFTA, CPTPP, tăng cường xuất khẩu cà phê rang xay và hòa tan để thu lại giá trị cao hơn. Song song đó, triển khai hiệu quả chương trình đẩy mạnh tiêu dùng cà phê nội địa của Việt Nam nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
 
Minh Hoa