Các tập đoàn công nghệ Việt đều báo kết quả kinh doanh khả quan sau COVID-19

19:06 | 03/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với gần 130.000 doanh nghiệp vào đầu năm nay, có khoảng 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19. Tuy nhiên riêng nhóm ngành công nghệ vẫn tăng trưởng ấn tượng.
Bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch, các doanh nghiệp công nghệ vẫn ghi nhận tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm nhờ việc cắt giảm chi phí và tập trung vào những thị trường quen thuộc.
 
Đồng thời khai thác nhu cầu làm việc tại nhà trong giai đoạn giãn cách xã hội của nhiều cá nhân, tổ chức để triển khai các giải pháp công nghệ mang lại hiệu quả cao.
 
Các tập đoàn công nghệ Việt đều báo kết quả kinh doanh khả quan sau COVID-19 - ảnh 1
Nhờ tập trung vào các thị trường quen thuộc, nhóm ngành công nghệ vẫn đạt tăng trưởng ấn tượng bất chấp ảnh hưởng của đại dịch

Biến "nguy" thành "cơ"


Có thể nói, dịch COVID-19 lại là chất xúc tác mang đến "cơ" trong "nguy" đối với ngành công nghệ nói chung và FPT nói riêng, khi các doanh nghiệp này không chỉ duy trì tốt hoạt động kinh doanh, mà còn có bước tăng trưởng ấn tượng.

CTCP FPT (Mã: FPT) của Chủ tịch Trương Gia Bình vừa công bố báo cáo tài chính quí III/2020 cho thấy doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp trong kì đều đạt mức tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam vừa trải qua 2 đợt bùng phát dịch COVID-19.
 
Lũy kế 9 tháng đầu năm, FPT đạt 21.164 tỷ đồng về doanh thu, tăng 8% so với cùng kì năm 2019. Lợi nhuận trước thuế đạt 3.814 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.170 tỷ đồng, lần lượt tăng 8,7% và 7,8% so với 9 tháng đầu năm ngoái.

Theo đó, kết thúc quý III, doanh thu của FPT đạt 7.533 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.386 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng lần lượt gần 6% và 1,3% so với cùng kì năm trước.
 
Năm 2020, FPT đặt ra mục tiêu đạt 32.450 tỷ đồng doanh thu và 5.510 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy với kết quả trên, sau 9 tháng doanh nghiệp hoàn thành được 65% kế hoạch năm về doanh thu và gần 70% kế hoạch về lợi nhuận cho cả năm.
 
Các tập đoàn công nghệ Việt đều báo kết quả kinh doanh khả quan sau COVID-19 - ảnh 2
Doanh thu và lợi nhuận của FPT trong kì đều gia tăng mạnh mẽ
 
Các thị trường có kết quả kinh doanh tốt là Nhật Bản và châu Á Thái Bình Dương - những nơi dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, doanh thu tương ứng tăng 9% và 44% so với cùng kì.
 
Tương tự, tìm cách thích nghi trong đại dịch CTCP Tập đoàn Yeah1 (Mã: YEG) cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh trong quí III, chủ yếu nhờ tiết giảm các khoản chi phí. Đây là quý có lãi thứ 3 liên tiếp của Yeah1, sau khi liên tục thua lỗ trong năm 2019.

Trong đó chi phí lãi vay giảm 73%, chi phí bán hàng giảm 74% và chi phí quản lí doanh nghiệp giảm 49% so với cùng kì.

Do đó, kết thúc quí III, doanh thu Yeah1 tăng 57% so với cùng kì lên 433 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 15,1 tỷ đồng trong khi cùng thời điểm năm ngoái lỗ hơn 127 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do tình hình kinh doanh trong nửa đầu năm không mấy khởi sắc, kéo doanh thu 9 tháng của Yeah1 giảm 14% về 873 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, khoản thu nhập khác từ chuyển nhượng dự án đầu tư 70 tỷ đồng giúp doanh nghiệp thoát lỗ và ghi nhận khoản lãi ròng 28,3 tỷ đồng, trong khi cùng kì năm trước lỗ nặng 229 tỷ đồng.

Với kết quả trên, sau 9 tháng, Yeah1 đã thực hiện được 44% mục tiêu về doanh thu và 16% về lợi nhuận so với kế hoạch cả năm.
 
Các tập đoàn công nghệ Việt đều báo kết quả kinh doanh khả quan sau COVID-19 - ảnh 3
Yeah1 có quý thứ 3 lãi liên tiếp sau khi liên tục thua lỗ trong năm 2019
 

Tìm thấy cơ hội trong khủng hoảng

 
Một doanh nghiệp tham gia lĩnh vực triển khai các giải pháp công nghệ khác là Công ty Viễn Thông – Tin học Bưu điện CTIN (Mã: ICT) cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng trong quý III/2020 nhờ các dự án gối từ năm trước chuyển qua hoàn thành nhiều hơn so với 9 tháng 2019.

Mặt khác, để đối phó với tác động từ dịch bệnh, CTIN cũng đã giảm các chi phí trong kì, đơn cử như chi phí bán hàng và chi phí quản lí doanh nghiệp giảm lần lượt 8% và 19% sau 9 tháng đầu năm.

Nhờ vậy, kết thúc quí III, doanh nghiệp đạt 358 tỷ đồng doanh thu, và 29 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng với mức tăng 23% và 29% so với cùng kì năm trước.

Lũy kế 9 tháng, CTIN đạt doanh thu 920 tỷ đồng, tăng 12,5% và lãi sau thuế đạt 58 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kì. Với kết quả này, doanh nghiệp đã thực hiện 36% kế hoạch doanh thu và 59% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.
 
Các tập đoàn công nghệ Việt đều báo kết quả kinh doanh khả quan sau COVID-19 - ảnh 4
Tương tự FPT và Yeah1, CTIN cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng dương trong quý 3
 
Bên cạnh FPT, một doanh nghiệp lớn khác trong ngành là Tập đoàn công nghệ CMC (Mã: CMG) cũng chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng trong quý II niên độ tài chính 2020-2021 (giai đoạn 1/7 - 30/9), với doanh thu thuần 1.246 tỷ đồng, tăng gần 5% và lợi nhuận sau thuế 65,5 tỷ đồng, tăng gần 3% so với cùng kì năm trước.

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC cho biết, kết quả này phản ánh đúng những gì mà CMC đã đầu tư và nỗ lực trong suốt thời gian qua. Trước những khó khăn do COVID-19, CMC đã dồn sức tập trung cho chuyển đổi số.

Hiện nay CMC đang tập trung cho 4 hoạt động chính là giải pháp công nghệ, dịch vụ viễn thông, kinh doanh quốc tế và viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ. Từ 2019, CMC đã cho ra mắt hệ sinh thái hạ tầng mở C.OPE2N tích hợp tất cả các công nghệ chuyển đổi số mới nhất như Big Data, AI, IoT, Multi-Cloud, BlockChain…
 
Chưa rõ con số chi tiết trong kì này, nhưng trong quí liền trước, CMC thông báo khối giải pháp công nghệ tăng trưởng lợi nhuận 67%, đóng góp chính vào tăng trưởng lợi nhuận toàn tập đoàn.
Nhờ đó, luỹ kế 1/4 – 30/9, CMG đạt doanh thu thuần 2.304 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,4% và lợi nhuận sau thuế 108,2 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kì 2019.
 
Các tập đoàn công nghệ Việt đều báo kết quả kinh doanh khả quan sau COVID-19 - ảnh 5
Tập đoàn công nghệ CMC đạt lợi nhuận sau thuế 65,5 tỷ đồng, tăng gần 3% so với cùng kì năm trước

Tính tới 30/9, tổng tài sản CMG đạt 5.050 tỷ đồng, trong đó có gần 1.400 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền. Doanh nghiệp hiện có nợ vay hơn 1.100 tỷ đồng.

Hiện có 4 cổ đông lớn nắm giữ cổ phần chính tại CMC gồm Samsung SDS Asia Pacific (29,99%), Công ty TNHH Đầu tư MVI (13,55%), Geleximco (10,01%) và Pyn Elite Fund (5,06%).

Quý III cũng là một quý kinh doanh có lãi của Công ty Đầu tư Phát triển Công nghệ Điện tử Viễn thông Elcom (Mã - ELC). Trong kì, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 93 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 4,4 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 21% và 22% so với cùng kì năm trước.
 
Elcom hiện hoạt động trong 3 lĩnh vực chính là công nghệ (ứng dụng trong viễn thông, giao thông thông minh, an ninh quốc phòng), dịch vụ nội dung số và giải pháp cho nông nghiệp công nghệ cao.

Một số sản phẩm nổi bật như thu và giải mã tín hiệu vệ tinh Inmasat C, hệ thống quản lý giao thông trên biển VTS Evision, hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC), thử nghiệm thành công Máy bay không người lái (UAV) và Xuồng không người lái (USV), ra mắt thiết bị giải trí truyền hình eBop...

Theo giải trình từ phía Elcom, lợi nhuận sau thuế trong quí III tăng là do công ty đã kí kết và triển khai nhiều hợp đồng giá trị lớn, dẫn đến doanh thu bán hàng và dịch vụ tăng.
 
Các tập đoàn công nghệ Việt đều báo kết quả kinh doanh khả quan sau COVID-19 - ảnh 6
 Elcom cũng có một quý kinh doanh lãi lớn

Ban điều hành cũng thúc đẩy tốc độ triển khai các dự án, hợp đồng bán hàng để nhanh chóng nghiệm thu, thanh quyết toán với khách hàng đúng tiến độ, phát triển sản phẩm thị trường theo đúng mục tiêu của công ty.

Ngoài ra, việc chủ động cắt giảm chi phí bán hàng trong kì, từ 10 tỷ đồng quý III/2019 xuống 7 tỷ đồng đã dẫn tới hiệu quả sản xuất kinh doanh tăng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu toàn công ty tăng 67% lên 440 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 1,7 lần so với cùng kì, đạt gần 19 tỷ đồng.
 
Hải Yến