Các thương hiệu mỹ phẩm phổ biến tại Việt Nam `ăn nên làm ra`, thu về hàng nghìn tỷ đồng
Nhu cầu làm đẹp với chị em phụ nữ ở nhiều lứa tuổi khác nhau khá cao kéo theo doanh thu của ngành hàng mỹ phẩm tăng vùn vụt.
Thị trường mỹ phẩm Việt Nam hiện đạt doanh thu khoảng 15.000 tỷ đồng/năm, xấp xỉ 700 triệu USD. Theo Nielsen, Việt Nam đang là một trong những quốc gia tăng trưởng mạnh nhất Đông Nam Á về ngành mỹ phẩm, dù mức chi của người tiêu dùng chưa nhiều bình quân chỉ 4 USD/người/tháng, trong khi con số tại quốc gia tương đồng lận cận là Thái Lan là 20 USD.
Hiện tại, các thương hiệu nước ngoài chiếm 90% thị phần mỹ phẩm trong nước, đứng đầu là nhà cung cấp Hàn Quốc khi chiếm tới 30% thị phần. Trong khi đó, các doanh nghiệp mỹ phẩm Việt Nam mới chỉ được "chen chân" vào 10% thị phần, hầu hết là ở các phân khúc giá rẻ và xuất khẩu sang một số nước lân cận.
Ngành mỹ phẩm ở Việt Nam có tiềm năng đem về doanh thu khá khẩm
Nguyên nhân mỹ phẩm nội địa không được lòng phái kẹp nơ là do 98% phụ liệu, sản phẩm dùng trong các trung tâm chăm sóc sắc đẹp phụ thuộc vào hàng nhập khẩu, trong khi các doanh nghiệp nội địa lại không có sự kết nối, chất lượng sản phẩm chưa được đảm bảo.
Theo số liệu về doanh thu của một số các thương hiệu phổ biến tại Việt Nam trong 4 năm qua có thể thấy được sự tăng trưởng liên tục. Từ biểu đồ có thể thấy doanh thu Oriflame tăng trưởng ấn tượng với tỷ lệ 73%/năm cho giai đoạn 2016-2019. Đặc biệt năm 2017, doanh thu hãng nhảy vọt 260% từ mức 500 tỷ lên 1.800 tỷ đồng. Năm 2019, con số tại thương hiệu Thuỵ Điển này có giảm sút xuống còn 1.131 tỷ.
Hay Chanel Vietnam, bình quân thương hiệu này tăng đến 50% doanh thu mỗi năm: từ mức 436 tỷ trong năm 2017 đã xấp xỉ con số 1.000 tỷ đến cuối năm 2019. Sớm thành lập từ những năm 1909-1910 do Gabrielle "Coco" Chanel sáng lập, Chanel là nhãn hiệu cao cấp đáng tự hào nhất của ngành công nghiệp thời trang nước Pháp.
Biểu đồ doanh thu của các thương hiệu mỹ phẩm phổ biến tại Việt Nam (Theo CafeF)
Dù đi sau khi chính thức khai trương cửa hàng tại Việt Nam vào năm 2013, thương hiệu đến từ Mỹ Nu Skin đang có những bước tăng trưởng mạnh về doanh thu, quân bình đạt 65%/năm. Tính đến năm 2019, Công ty thu về 1.037 tỷ doanh thu từ thị trường Việt Nam. Không giống Channel hay L'Oreal, Nu Skin lựa chọn ngách và cũng là đơn vị tiên phong về công nghệ chống lão hóa, thương hiệu đặt mục tiêu đạt 10 tỷ USD doanh số đến cuối năm 2020.
Nói về doanh thu "khủng" này, người trong ngành chia sẻ kinh doanh mỹ phẩm giá vốn cơ bản thấp, trong khi mức độ sẵn sàng chi trả của khách hàng tương đối cao và được bán theo bộ. Tương ứng, mức chiết khấu bán hàng cho các đại lý theo chia sẻ cũng khá hấp dẫn, kết quả mạng lưới bán hàng online hiện nay đang phát triển khá mạnh.
Ngược lại, chính sách quảng bá thương hiệu cũng như phân phối lại tiêu tốn khá nhiều chi phí của doanh nghiệp mỹ phẩm. Đây cũng là lợi thế cạnh tranh của các thương hiệu ngoại so với các đơn vị nội địa Việt Nam. Tính đến cuối năm 2018, quy mô thị trường mỹ phẩm Việt vào khoảng 2,3 tỷ USD, với 90% tỷ trọng thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài. Số liệu do Hiệp hội Hóa Mỹ phẩm Tp.HCM cung cấp, Hàn Quốc hiện chiếm tỷ lệ lớn nhất trong doanh số bán mỹ phẩm ngoại tại Việt Nam với 30% thị phần; EU đứng ở vị trí thứ hai với 23%; tiếp theo là Nhật Bản 17%, Thái Lan 13%, Mỹ 10%…
Thanh Thùy
Xem thêm: Uniqlo đã vượt qua đại dịch COVID-19 như thế nào dưới sự `chèo lái` của tỷ phú Tadashi Yanai?