Các tỷ phú Việt Nam đóng góp nguồn thu ngân sách nhà nước bao nhiêu?
Câu chuyện nộp ngân sách nhà nước của các tỷ phú
Dẫn đầu danh sách vẫn là tập đoàn VinGroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, trong năm 2020, đã nộp tổng cộng 19.614 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước. Trong đó, có xấp xỉ 9.397 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng gần 19% so với năm 2019. Giai đoạn 5 năm 2016-2020, Vingroup đã nộp tổng cộng 79.813 tỷ đồng vào ngân sách. Số đóng góp vào ngân sách của Vingroup liên tục tăng qua các năm, chỉ giảm nhẹ vào năm Covid-19 2020.
6 tỷ phú Việt Nam đóng góp vào nguồn thu ngân sách mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng
Năm nay, ông Phạm Nhật Vượng lần thứ 9 góp mặt trong danh sách tỷ phú USD của Forbes. Theo bảng xếp hạng thời gian thực của Forbes, ông Vượng đang là người giàu nhất Việt Nam với tài sản 8,3 tỷ USD, đứng thứ 321 thế giới. Ông lần đầu được Forbes vinh danh năm 2013, với 1,5 tỷ USD, đứng thứ 974.
Tập đoàn Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương, năm 2020, đã nộp tổng cộng 18.716 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước. Giai đoạn 5 năm 2016-2020, Thaco đã nộp tổng cộng 90.010 tỷ đồng vào ngân sách.
Ông Trần Bá Dương được đưa vào danh sách của Forbes từ năm 2018, hiện ông sở hữu tài sản 1,6 tỷ USD, xếp thứ 2061 thế giới.
Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long, năm 2020, Hòa Phát nộp 7.300 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước. Trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp là 1.850,8 tỷ đồng. Giai đoạn 5 năm 2016-2020, Hòa Phát đã nộp tổng cộng 28.591 tỷ đồng vào ngân sách.
Ông Trần Đình Long hiện đang là tỷ phú giàu thứ hai Việt Nam. Hiện tại, tỷ phú thép sở hữu tài sản 3,4 tỷ USD, đứng thứ 954 thế giới.
Tập đoàn Masan của ông Nguyễn Đăng Quang đã đóng góp 2.825 nghìn tỷ vào ngân sách nhà nước trong năm 2020, thuế thu nhập doanh nghiệp là 929,8 tỷ đồng. Giai đoạn 5 năm 2016-2020, Masan đã nộp tổng cộng 8.541 tỷ đồng vào ngân sách.
Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang hiện đang đứng thứ 6 trong danh sách tỷ phú USD Việt Nam trên Forbes. Ông sở hữu tài sản 1,4 tỷ USD, đứng thứ 2208 thế giới. Ngoài ra, ông cũng là phó Chủ tịch Techcombank.
Techcombank nộp 4.087 tỷ đồng vào ngân sách trong năm 2020, trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp là 3.217,8 tỷ đồng. Giai đoạn 5 năm 2016-2020, Techcombank đã nộp tổng cộng 12.809 tỷ đồng vào ngân sách.
Ông Hồ Hùng Anh hiện đang đứng thứ tư trong danh sách tỷ phú USD Việt Nam, với khối tài sản 2 tỷ USD và đứng thứ 1677 thế giới. Ông Hồ Hùng Anh là Chủ tịch ngân hàng Techcombank, một trong số những ngân hàng thương mại cổ phần lớn của Việt Nam.
Vietjet Air đã nộp 340 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020. Con số này giảm mạnh so với năm 2019, do ngành hàng không nói chung bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Giai đoạn 5 năm 2015-2019, Vietjet Air đã nộp tổng cộng 25.115 tỷ đồng vào ngân sách.
HDbank nộp 1.171 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020. Giai đoạn 5 năm 2015-2019, HDbank đã nộp tổng cộng 2.971 tỷ đồng vào ngân sách.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là tỷ phú nữ duy nhất trong danh sách tỷ phú này, và đứng thứ ba với tài sản 2,5 tỷ USD, đứng thứ 1370 thế giới. Bà Thảo hiện giữ vai trò Phó Chủ tịch HDBank, Phó Chủ tịch và CEO hãng hàng không VietJet Air.
Tạo hàng vạn việc làm
Mặc dù những con số trên chưa hoàn toàn đầy đủ, song có thể cho thấy khối tài sản của các tỷ phú USD của Việt Nam được Forbes ghi nhận cũng như quy mô các công ty làm nên tên tuổi của các tỷ phú này.
Không chỉ đóng góp lớn vào nguồn ngân sách nhà nước những doanh nghiệp của các tỷ phú này tạo ra hàng vạn việc làm cho lao động Việt Nam, cụ thể, chỉ riêng ở khu phức hợp Chu Lai Trường Hải đang tạo công ăn việc làm cho 8.300 lao động. Ngoài ra, có 120.000 lao động gián tiếp trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp này trên cả nước.
Trong khi đó, tính đến hết năm 2016, có gần 2.500 lao động đang làm việc cho Vietjet Air với thu nhập bình quân 46,2 triệu đồng/người/tháng.
Còn với Tập đoàn Vingroup, số lượng cán bộ, công nhân viên của tập đoàn này lên tới hơn 5 vạn người. Điểm đáng chú ý, trước khi Forbes công bố danh sách 2018, Tạp chí này đã ghi nhận tỷ phú Phạm Nhật Vượng là làm giàu từ đa ngành nghề (diversified) thay vì chỉ làm giàu từ bất động sản (real estate) như trước đây.
Góc nhìn mới của Forbes có thể coi là sự thừa nhận về thành công của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong việc xây dựng hệ sinh thái Vingroup, không chỉ có bất động sản và du lịch - giải trí mà còn bao gồm cả bán lẻ, y tế, giáo dục, nông nghiệp và mới đây nhất là bước chân vào ngành công nghiệp ô tô. Đây cũng là một cách ghi nhận những thành tựu cũng như đóng góp của ông Phạm Nhật Vượng đối với nền kinh tế - xã hội. Bởi theo nhiều ý kiến, không phải cứ có nhiều tiền là được ghi nhận là tỷ phú.
Huy Hùng
Xem thêm: Nữ tỷ phú tự thân Địch Mỹ Khanh: Quyết định bỏ học để khởi nghiệp, gây dựng nên khối tài sản tỷ đô