Cách Facebook, Google, Youtube 'né' thuế ở Việt Nam dù doanh thu hàng trăm triệu USD

19:56 | 17/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mấy năm nay, Facebook, Google và nhiều công ty kiếm doanh thu từ quảng cáo ở nước ta nhưng không đóng thuế. Vậy nên các ý kiến thay đổi luật để quản lý các trường hợp này đang được đề xuất.
Facebook, Google hay Youtube đều là những nền tảng công nghệ hàng đầu thế giới. Ở Việt Nam, những cái tên này cũng có độ phủ sóng rộng khắp. Ngày nay, việc buôn bán kinh doanh trên Facebook hay qua công cụ Google đã không còn là điều xa lạ. Qua đó, Facebook và Google (chủ sở hữu cả Youtube) thu được doanh thu không nhỏ tại thị trường Việt, nhưng việc đóng thuế thì còn nhiều bất cập. 

Theo thống kê từ Công ty nghiên cứu thị trường ANTS, năm 2018, doanh thu của quảng cáo trực tuyến tại nước ta đạt khoảng 550 triệu USD. Trong đó các doanh nghiệp Việt chỉ chiếm khoảng 150 triệu USD, còn lại đều là từ Google và Facebook. Trong đó, Facebook doanh thu khoảng 235 triệu USD và Google khoảng 152,1 triệu USD. Cũng theo dự đoán của công ty này, năm nay doanh thu từ quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam của Facebook và Google sẽ đạt hơn 512 triệu USD.
 
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng từng phát biểu rằng, năm 2018, doanh thu từ quảng cáo của Facebook ở Việt Nam đã được khoảng 1 tỷ USD và chưa đóng thuế. Nếu truy thu thuế thì con số mạng xã hội khổng lồ này phải đóng lên tới hàng trăm triệu USD.
 
Cách Facebook, Google, Youtube 'né' thuế ở Việt Nam dù doanh thu hàng trăm triệu USD - ảnh 1Doanh thu từ quảng cáo của Facebook hay Google ở Việt Nam lên tới trăm triệu USD mỗi năm

Tuy nhiên, việc thu thuế từ các doanh nghiệp nước ngoài này lại gặp khó khăn chưa giải quyết được. Lý do chủ yếu là Facebook và Google không đăng ký kinh doanh, không có văn phòng đại diện chính thức tại Việt Nam. Nếu người có nhu cầu mua quảng cáo trên Google và Facebook qua đại lý quảng cáo, các đại lý còn đóng thuế nhà thầu khoảng 10%. Nhưng nếu người dùng mua quảng cáo trực tiếp qua thanh toán thẻ tín dụng quốc tế thì rất khó xác định và áp dụng quy định tính thuế. 

Các công ty công nghệ này đều đã có hành vi “né” thuế ở Việt Nam. Theo Luật Quản lý thuế 2019, các doanh nghiệp có phát sinh doanh thu trên lãnh thổ Việt Nam thì đều có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế. Nhưng làm cách nào để quản lý các doanh nghiệp xuyên biên giới kinh doanh, có doanh thu, lợi nhuận tại Việt Nam thì còn nhiều vướng mắc. 

Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết một số điều của Luật Quảng cáo. Một trong những nội dung quan trọng cần sửa đổi, bổ sung đang được thảo luận là thắt chặt quản lý hoạt động quảng cáo trên nền tảng xuyên biên giới.
 
Cách Facebook, Google, Youtube 'né' thuế ở Việt Nam dù doanh thu hàng trăm triệu USD - ảnh 2
Quy định quản lý và thu thuế công ty xuyên biên giới đang được đề xuất hoàn thiện
 
Theo đề xuất của đơn vị soạn thảo nghị định mới, phải đảm bảo sao cho mọi cá nhân, tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới trên môi trường mạng có phát sinh doanh thu hoặc có người sử dụng tại Việt Nam phải tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Cụ thể đó là các luật về quảng cáo, quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. 

Các quy định về thuế sẽ được bổ sung, sửa đổi chặt chẽ hơn. Đồng thời cũng có đề xuất ra quy định đảm bảo bên cung cấp dịch vụ quảng cáo phải có giải pháp bảo đảm người phát hành quảng cáo ở Việt Nam có khả năng kiểm soát, phát hiện và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm quy định pháp luật.

Vấn đề kiểm soát, thu thuế của doanh nghiệp xuyên biên giới như Facebook, Google, Amazon, Youtube,... không chỉ tồn tại ở mỗi nước ta. Vào tháng 8 vừa rồi, Facebook vừa phải nộp hơn 123 triệu USD tiền thuế cho Pháp, trong đó bao gồm khoản phạt trị giá khoảng 26 triệu USD. Còn Indonesia thì vừa trực tiếp bổ sung tên của Facebook, TikTok, Apple, Walt Disney, Amazon,... vào danh sách bắt buộc phải đóng 10% thuế VAT. Facebook đã phải cam kết tuân thủ quy định mới của Indonesia.
 
Kim Chi 

Xem thêm: Tại sao kinh tế thiệt hại lớn vì covid-19 mà tổng thuế thu nhập cá nhân 2020 vẫn tăng?