Cam kết cắt giảm thuế xuất khẩu là điểm mới trong Hiệp định EVFTA
21:39 | 12/12/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Nhận định này được ông Hà Duy Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính đưa ra tại buổi Họp báo chuyên đề “Cắt giảm thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do”, chiều 12/12.
Theo ông Hà Duy Tùng, lộ trình cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với một số nhóm mặt hàng chính của Việt Nam tại Hiệp định EVFTA bao gồm: Ô tô (sau 9 năm đối với ô tô phân khối lớn (trên 3000cc cho động cơ xăng và trên 2500 cc cho động cơ diesel) và 10 năm đối với các loại ô tô còn lại); linh kiện, phụ tùng ô tô (tối đa 7 năm); hóa chất (tối đa 7 năm); đồ uống có cồn (tối đa 10 năm); thịt bò (3 năm), thịt lợn đông lạnh (7 năm), thịt gà (10 năm); sữa và sản phẩm sữa (3-5 năm); cá và các sản phẩm cá (3-7 năm); thuốc lá, xì gà (15 năm); máy móc thiết bị (tối đa 7 năm)...
“Cam kết cắt giảm thuế xuất khẩu là điểm mới trong Hiệp định EVFTA. Trong đó, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu với hàng hóa xuất khẩu sang EU với lộ trình lên đến 15 năm, trừ những mặt hàng được duy trì thuế xuất khẩu tập trung vào một số nhóm hàng quan trọng như: dầu thô, than đá (trừ than để luyện cốc và than cốc)”, ông Tùng nói.
Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho biết, khi thực hiện việc giảm thuế xuất khẩu, số thu của ngành hải quan giảm 29.000 tỷ đồng. Còn trong 11 tháng năm nay, số thu thuế giảm 13.000 tỷ đồng. Đánh giá về tác động giảm thu NSNN, đặc biệt khi thuế nhập khẩu về 0%, ông Hà Duy Tùng nhấn mạnh: Thu NSNN từ thuế xuất nhập khẩu chỉ chiếm một phần trong tổng thu ngân sách. Bên cạnh thuế xuất - nhập khẩu, ngành hải quan còn thu các loại thuế khác như bảo vệ môi trường, chống bán phá giá, tiêu thụ đặc biệt...Cùng với đó, khi cắt giảm thuế theo các hiệp định, Việt Nam chỉ cam kết giảm thuế nhập khẩu, các loại thuế khác vẫn thu. Vừa qua, để bù đắp nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu giảm, Bộ Tài chính đã chủ động thực hiện tái cơ cu NSNN, tăng thu nội địa trong tổng thu ngân sách.
Về hoạt động xuất khẩu của Việt Nam giảm thời gian qua, theo Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, là do chịu tác động của nhiều yếu tố, trong đó có cả bối cảnh thị trường quốc tế. Ví dụ hiệp định thực hiện trong nội bộ ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… nhập siêu lớn từ Đông Á nhưng lại xuất siêu lớn sang thị trường châu Âu, Mỹ. Vừa qua, Việt Nam cũng đã chủ động đàm phán với các đối tác, để khai thác các lợi thế xuất khẩu, tăng xuất siêu sang thị trường EU, Hoa Kỳ.
Đối với các FTA thế hệ mới, ông Tùng khuyến nghị các doanh nghiệp phải tiếp tục nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn hàng hóa của các nước, bởi vì ngoài phạm vi về thuế, còn có các cam kết khác như môi trường, lao động mà các đối tác đặt ra cho phía Việt Nam.