Cán bộ, nhân viên Techcombank có thu nhập bình quân 45 triệu đồng/tháng
Theo BCTC hợp nhất công bố mới đây, tính đến cuối quý III, tổng số cán bộ nhân viên Techcombank là 11.724 người, giảm 3% so với đầu năm. Tiền lương bình quân/tháng của mỗi người là 38 triệu và tổng thu nhập bình quân lên tới 45 triệu đồng/tháng.
Cũng theo BCTC, tính chung 9 tháng đầu năm, nhà băng này thu được gần 20.094 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, giảm 14% so với cùng kỳ, do tăng chi trả lãi tiền gửi gấp 2,5 lần (14.448 tỷ đồng). Lãi trước thuế ghi nhận 17.115 tỷ đồng sau 9 tháng, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước do tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro.
Trong đó, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 9%, đạt hơn 6.219 tỷ đồng, nhờ tăng thu dịch vụ thanh toán và tiền mặt 52% (tương đương 6.477 tỷ đồng). Các nguồn thu ngoài lãi khác cũng tăng trưởng như lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh hơn 32 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 231 tỷ đồng; lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng 28%, đạt 678 tỷ đồng.
Đáng chú ý, lãi từ hoạt động khác tăng 27%, thu được 2.126 tỷ đồng, do phát sinh 1.775 tỷ đồng thu nhập từ bán bất động sản đầu tư, trong khi cùng kỳ không ghi nhận.
Chi phí hoạt động của Techcombank trong 9 tháng tăng 5,8% lên mức 9.600 tỷ đồng với tỷ lệ CIR tăng lên mức 33,2%. Ngân hàng cho biết, riêng trong quý III, chi phí hoạt động tăng 24,7% so với cùng kỳ, chủ yếu do chi phí khấu hao tài sản cố định khi Ngân hàng tiếp tục đầu tư vào số hóa và công nghệ đám mây. Cùng với đó, chi phí marketing tăng khi Ngân hàng xúc tiến đẩy mạnh tiếp thị các thương hiệu dành riêng cho các phân khúc khách hàng khác nhau: Private, Priority và Inspire cũng như các hoạt động kỷ niệm 30 năm thành lập.
So với kế hoạch 22.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế được đề ra cho cả năm 2023, Techcombank thực hiện được gần 78% mục tiêu sau 9 tháng.
Tính đến cuối quý III, tổng tài sản ngân hàng này mở rộng 12% so với đầu năm, lên 781.380 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại NHNN gấp 2,4 lần đầu năm, đạt 27.428 tỷ đồng, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác khác giảm 10% còn 63.434 tỷ đồng, cho vay khách hàng tăng 13% lên 175.605 tỷ đồng.
Về phía nguồn vốn, tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác giảm 6% còn 57.582 tỷ đồng; Tiền gửi của khách hàng đạt 409.000 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm và 7% so với quý trước. Số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng trong quý thứ 2 liên tiếp, đạt 137.600 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với quý II, dẫn dắt bởi CASA bán lẻ. Mặt khác, tiền gửi có kỳ hạn tăng trở lại, đạt 271.500 tỷ đồng, ghi nhận tăng 9,2% so với quý trước và 20% so với đầu năm.
Điều này cho thấy trong bối cảnh môi trường lãi suất đã bình thường trở lại và thanh khoản hệ thống dồi dào hơn, khách hàng vẫn có xu hướng gửi tiền tiết kiệm có kỳ hạn vì các cơ hội đầu tư ở các loại tài sản hiện vẫn còn hạn chế.