Cần bổ sung chế tài có tính răn đe để xử phạt các hành vi trục lợi trên TTCK

07:23 | 12/01/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đề xuất giải pháp phát triển thị trường chứng khoán (TTCK), ngăn ngừa hành vi trục lợi, chuyên gia Phạm Tiến Đạt, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính khuyến nghị cần bổ sung chế tài có tính răn đe để xử phạt các hành vi trục lợi trên TTCK.

TTCK bứt phá chưa từng có nhưng nhiều nguy cơ tiềm ẩn

Theo chuyên gia Phạm Tiến Đạt, năm 2021, vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, TTCK Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng, trở thành kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế, với nhiều kỷ lục mới được xác lập.

TTCK Việt Nam đã bứt phá và thiết lập các mức kỷ lục chưa từng có trong lịch sử 21 năm hoạt động của thị trường, với chỉ số Vn-index đạt mức cao kỷ lục khi vượt mốc 1.500 điểm (đạt 1.500,81 điểm) vào ngày 25/11 (tăng gần 36% so với cuối năm 2020), chỉ số HNX-Index cũng đạt mức đỉnh 468,73 ngày 18/11 (tăng 130% so với cuối năm 2020).

Năm 2021, TTCK bứt phá chưa từng có. Nguồn: danviet.vn

Cùng với đó, giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu vượt mục tiêu Chính phủ đặt ra; huy động vốn cho thị trường tăng mạnh và số tài khoản chứng khoán mở mới tăng cao kỷ lục. Tính đến ngày 30/11/2021, số tài khoản chứng khoán mở mới đạt 1,3 triệu, gấp hơn 3 lần so với năm 2020, lớn hơn tổng số tài khoản mở mới của 5 năm trước và chiếm gần 1/3 so với tổng số tài khoản chứng khoán trên thị trường, góp phần quan trọng đưa tổng số tài khoản chứng khoán trên TTCK Việt Nam đạt gần 4,1 triệu (chiếm khoảng 4% dân số).

Đặc biệt số tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài có sự gia tăng đáng kể lên mức 39.204, tăng tới 12% so với cuối năm 2020. Đồng thời, sự gia tăng của các nhà đầu tư tổ chức với lên mức 16.915, tăng hơn 11% so với cuối năm 2020 cũng tạo sự ổn định hơn cho thị trường.

Năm 2021, sự gia nhập của nhà đầu tư cá nhân kéo theo mức thanh khoản lớn cho TTCK. Tính đến cuối tháng 11/2021, các nhà đầu tư cá nhân đã mua ròng khoảng 84 nghìn tỷ đồng.

Bước vào năm 2022, TTCK tiếp tục kỳ vọng vào gói hỗ trợ kinh tế 800 nghìn tỷ đồng sớm được đưa vào thực hiện, đây sẽ là cú hích quan trọng cho TTCK.

Các chuyên gia dự báo năm 2022, chỉ số VNindex có thể tăng khoảng 20% so với năm 2021, tức đạt khoảng 1.800 điểm vào thời điểm cuối năm 2022.
Tuy nhiên, chuyên gia Phạm Tiến Đạt cũng chỉ rõ TTCK tiếp tục tiềm ẩn nhiều nguy cơ như: bong bóng tài sản, việc kiểm soát dòng tiền, rủi ro từ hoạt động cho vay ký quỹ và từ dòng tiền của các nhà đầu tư cá nhân, sử dụng đòn bẩy tài chính của các công ty chứng khoán, cũng như nguy cơ thao túng giá trên TTCK phái sinh (TTCKPS). Điều này đòi hỏi phải có các giải pháp mang tính đồng bộ, thống nhất nhằm duy trì động lực và tạo sức bật mới cho thị trường.

Tăng cường giám sát, bổ sung chế tài xử phạt, phát triển sản phẩm

Để đạt được kỳ vọng chỉ số Vnindex có thể đạt khoảng 1.800 điểm vào thời điểm cuối năm 2022, chuyên gia Viện Chiến lược và Chính sách tài chính đã đưa nhiều giải pháp đáng chú ý.

Thứ nhất, tăng cường giám sát TTCK theo hướng tăng cường năng lực, kỹ năng, công nghệ của cơ quan quản lý trong phát hiện, nhận diện các trường hợp vi phạm, thao túng giá. Đặc biệt là nghiên cứu đề xuất chỉnh sửa, bổ sung chế tài để các mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trên TTCK cần căn cứ theo mức độ trục lợi, gây thiệt hại cho nền kinh tế để các chế tài có tính răn đe.

Cần bổ sung chế tài có tính răn đe để xử phạt các hành vi trục lợi trên TTCK. Nguồn:vnfinance.vn.

Ông Đạt lý giải hiện nay, phần lớn các chế tài xử phạt chỉ quy định mức xử phạt tối đa bằng tiền hoặc đình chỉ hoạt động, chỉ có hành vi giao dịch nội gián và thao túng TTCK là có quy định xử phạt theo mức độ trục lợi, gây thiệt hại cho nền kinh tế.

Bởi vậy, cần kiểm soát chặt chẽ hồ sơ lên sàn giao dịch của các doanh nghiệp, nâng cao tiêu chuẩn niêm yết. Đây là giải pháp nhằm đảm bảo chất lượng doanh nghiệp phát hành trên TTCK, yếu tố có tính chất quyết định đến chất lượng hàng hóa trên thị trường.

Việc xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả nhưng tranh thủ xu hướng tăng điểm của thị trường để huy động vốn không chỉ tiềm ẩn rủi ro với nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả huy động nguồn lực của nền kinh tế trong khi đây là một trong những chức năng cơ bản của TTCK.

Thứ hai, cần duy trì dòng tiền chảy vào TTCK ổn định bằng việc theo dõi sát sao các dòng tiền vào TTCK, bao gồm dòng tiền từ tài khoản của các nhà đầu tư cá nhân, dòng tiền của khối ngoại, dòng tiền tín dụng và các kênh huy động vốn của CTCK.

Muốn thu hút vốn đối với dòng tiền từ các nhà đầu tư cá nhân, cần tăng cơ hội đầu tư cho đối tượng này thông qua việc cân nhắc thực hiện các giải pháp cho phép giao dịch lô lẻ cổ phiếu để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.

Thực tế cho thấy, việc giảm lô giao dịch cũng đang được thực hiện trên nhiều TTCK quốc tế như Nhật Bản, Singapore, hoặc cho phép cổ phiếu phân đoạn (Fractional Share) như Mỹ. Việc giao dịch cổ phiếu với lô ngày càng thấp, trong đó có cả hình thức lô lẻ mang lại lợi ích và tăng cơ hội gia nhập TTCK cho tất cả các nhà đầu tư.

Để duy trì dòng tiền của khối ngoại, theo chuyên gia Phạm Tiến Đạt, cần sớm có giải nâng hạng TTCK Việt Nam từ nhóm cận biên sang nhóm thị trường mới nổi để giữ chân và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Nâng hạng TTCK đồng nghĩa với việc phải tập trung cải thiện quy định giao dịch (rút ngắn thời gian giao dịch, ký quỹ đủ tiền mặt trước khi đặt lệnh), quy định công bố thông tin bằng tiếng Anh, cải thiện độ mở của thị trường đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, thu hút các kênh huy động vốn của CTCK cần rà soát, hoàn thiện quy định liên quan để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, tạo cơ sở cho việc quản lý và giám sát các kênh huy động vốn của CTCK.
Thứ ba, cần kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng đòn bẩy tài chính của các công ty chứng khoán. Tỷ lệ sử dụng đòn bẩy quá cao trên TTCK có thể trở thành lý do khiến sự hồi phục của TTCK đảo chiều, như trường hợp của TTCK Đài Loan vào tháng 5/2021.

UBCKNN cần tăng cường kiểm tra, giám sát để các CTCK tuân thủ pháp luật, minh bạch hoạt động cho vay ký quỹ theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành, không để xảy ra các hiện tượng lách luật bằng việc sử dụng kho ngoài, cho vay tăng tỷ lệ margin với các cổ phiếu trong danh mục cho vay của CTCK.

Việc nghiên cứu, đánh giá và đưa ra lộ trình điều chỉnh phù hợp với trình độ phát triển thị trường (mức độ chuẩn hóa, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp của nhà đầu tư,…), hoặc áp dụng với một nhóm cổ phiếu chất lượng cao (nhóm VN30, VN50, theo tiêu chí vốn hóa, hoặc tiêu chí chất lượng khác,…) để tạo thêm động lực phát triển thị trường giai đoạn tới nhưng vẫn đảm bảo an toàn hệ thống cũng là giải pháp rất cần thiết.

Thứ tư, phát triển thêm các sản phẩm trên TTCKPS nhằm tăng sức hấp dẫn của thị trường. Hiện TTCKPS cung cấp 2 dòng sản phẩm là Hợp đồng tương lai trên Chỉ số cổ phiếu (Hợp đồng tương lai VN30) và Hợp đồng tương lai trên Trái phiếu Chính phủ (Hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 5 năm và Hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 10 năm).

Sản phẩm Hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 tuy có thanh khoản tốt nhưng vẫn cần được phát triển thêm với các chỉ số cơ sở khác (như VN100) có tính đại diện và hấp dẫn trên thị trường.

Đồng thời, hạn chế hiện tượng thao túng giá, ảnh hưởng tới TTCK cơ sở thông qua việc nghiên cứu đưa ra cách thức xác định giá đóng cửa của sản phẩm phái sinh phù hợp hơn.