'Cần chính sách thông thoáng hơn để các công ty cho thuê tài chính gia nhập thị trường'
Chia sẻ tại họp báo trao đổi về một số hoạt động ngành cho thuê tài chính diễn ra ngày 22/5, ông Phạm Xuân Hoè, Tổng Thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính cho biết, dưới góc nhìn từ lĩnh vực tài chính, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã mở ra một “chân trời mới” cho ngành cho thuê tài chính.
Ông Hoè nhấn mạnh, để triển khai Nghị định 68 với ngành cho thuê tài chính một cách hiệu quả và thiết thực, ngành cho thuê tài chính cần giải bài toán làm sao để nâng tâm quy mô hoạt động về dư nợ cho thuê tài chính lên ít nhất 300.000 - 500.000 tỷ đồng trong vòng 5 năm.
Điều này có nghĩa là dư nợ mỗi năm phải tăng trưởng từ 60 - 70% so với năm trước. Lãnh đạo Hiệp hội Cho thuê tài chính cho rằng mức dư nợ còn có thể tăng nhanh hơn nữa nếu ra đời nhiều công ty cho thuê tài chính, công ty tài chính tổng hợp có phát triển mảng cho thuê tài chính.

Hiệp hội Cho thuê tài chính đề xuất đơn giản hoá thủ tục cấp phép để tăng số lượng công ty cho thuê tài chính gia nhập thị trường. (Ảnh minh hoạ: Báo Đầu tư).
Đơn giản hoá thủ tục cấp phép
Nhấn mạnh cần có chính sách mở, thông thoáng hơn trong cấp phép để công ty cho thuê tài chính gia nhập thị trường, Hiệp hội Cho thuê tài chính đề xuất cần đơn giản hoá thủ tục cấp phép cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Theo ông Hoè, công ty cho thuê tài chính là tổ chức cho vay không nhận tiền gửi từ dân cư, chỉ huy động từ các tổ chức, nguồn vay từ ngân hàng, vay qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp mà tín nhiệm là quan trọng nhất, do đó chính thị trường sẽ là người giám sát chặt chẽ nhất.
“Tại các nước trên thế giới, số lượng công ty cho thuê tài chính gấp 10 lần số lượng ngân hàng thương mại. Ví dụ, Việt Nam có 37 ngân hàng thương mại thì số công ty cho thuê tài chính cần có là khoảng 370 - 400 công ty. Để tăng số lượng công ty cho thuê tài chính tại Việt Nam thì thủ tục cấp phép cần đơn giản hơn”, ông Phạm Xuân Hoè nói.
Theo đại diện Hiệp hội Cho thuê tài chính, việc tăng số lượng công ty cho thuê tài chính sẽ mở rộng rất nhiều cơ hội tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như hộ kinh doanh vì sẽ không cần thế chấp tài sản khi thuê tài chính là các động sản.
Do không liên quan đến nguồn tiền gửi từ người dân, việc phá sản một công ty cho thuê tài chính cũng được tiến hành dễ dàng hơn. Bên cho vay với công ty cho thuê tài chính thường là ngân hàng thương mại. Vì vậy, việc gia tăng số lượng công ty cho thuê tài chính sẽ giúp bổ sung và giảm bớt đi gánh nặng phải cung cấp vốn trung dài hạn đối với ngân hàng thương mại.
Cần một luật riêng về ngành cho thuê tài chính
Lãnh đạo Hiệp hội đề nghị Chính phủ xây dựng Luật Cho thuê tài chính trong 3 - 5 năm tới. Việc này nhằm mở rộng các loại tài sản thuộc đối tượng thuê tài chính; hình thức huy động vốn được phép của cho thuê tài chính; các vấn đề về quản trị công ty cho thuê tài chính, quản trị rủi ro và chấp nhận rủi ro cao hơn trong hoạt động của cho thuê tài chính so với ngân hàng thương mại; các vấn đề về cấp phép, phá sản công ty cho thuê tài chính.
Phân tích thêm về các loại tài sản thuộc đối tượng cho thuê tài chính, ông Phạm Xuân Hoè cho biết, hiện tại, có một loại tài sản đang nằm giữa ranh giới bất động sản và động sản là nhà khung thép được tiền chế để làm nhà xưởng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì lắp đặt trên đất (gắn liền với đất) nên có quan niệm cho rằng nhà khung thép là bất động sản, không thể cho thuê tài chính.
Tuy nhiên, với sự phát triển công nghệ thì nhà lắp ghép hoàn toàn tháo dỡ đi lắp ghép chỗ khác, khi đó sẽ trở thành động sản, có thể cho thuê tài chính. Trường hợp bên thuê phá sản, nhà thép đó vẫn có thể được công ty cho thuê tài chính cho bên khác thuê tài chính tiếp hoặc bán hay tháo dỡ mang đi lắp đặt nơi khác.
Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định
Với những chính sách hiện hành, Hiệp hội Cho thuê tài chính cho rằng cần sửa đổi, bổ sung một số quy định. Trong đó, Hiệp hội Cho thuê tài chính kiến nghị Chính phủ chấp nhận mức rủi ro cao hơn trong hoạt động của công ty cho thuê tài chính, tức là cho phép việc tỷ lệ nợ xấu có thể lên tới 5 - 6% do các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở phân khúc này thường rủi ro hơn so với tiêu chuẩn rủi ro của ngân hàng thương mại. Điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, quản trị rủi ro thanh khoản của công ty cho thuê tài chính cũng rõ ràng minh bạch hơn. Các công ty cho thuê tài chính đã kế hoạch hoá giữa bên nguồn vốn và bên sử dụng vốn (cấp tín dụng). Các công ty cho thuê tài chính cũng không được phép mở tài khoản thanh toán nên không hụt thanh khoản tức thì về khoản tiền gửi không kỳ hạn như ngân hàng thương mại. Vì vậy, Hiệp hội Cho thuê tài chính kiến nghị cần hạ thấp tỷ lệ an toàn chi trả VND trong 30 ngày từ 20% về 5% như trước đây đã từng quy định.
Ngoài ra, Hiệp hội cho thuê tài chính cho rằng mức dư nợ cho thuê khách hàng và nhóm khách hàng có liên quan với 0,5% vốn tự có đã phải báo cáo theo Luật Các tổ chức tín dụng đã tạo thêm những thủ tục hành chính không cần thiết.
Thực tế, một số công ty cho thuê tài chính hiện nay với mức vốn tự có khoảng 300 tỷ, khi cấp một gói tín dụng dưới dạng cho thuê tài chính 1,5 tỷ đã phải làm báo cáo về dư nợ cho thuê khách hàng và người có liên quan sẽ rất khó cho cả khách hàng và công ty cho thuê tài chính. Do đó, cần điều chỉnh mức mức dư nợ cho thuê tài chính lên 5% mới cần lập báo cáo thông tin khách hàng có liên quan.
Đối với quy định hiện hành về việc cho thuê tài chính món nhỏ 100 triệu đồng không phải xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, đại diện Hiệp hội Cho thuê tài chính đánh giá đây là quy định rất tốt với cho vay tiêu dùng nhưng chưa thực sự phù hợp với cho thuê tài chính.
Đơn cử, việc cho thuê các máy photocopy, máy Fax, scan, máy PC văn phòng đã lên tới 300 - 500 triệu đồng đối với khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì vậy, Hiệp hội đề nghị điều chỉnh món cho vay nhỏ của cho thuê tài chính tối thiểu 500 triệu đồng.
Hội thảo Khoa học ‘Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế’ do Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam chủ trì, Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam tổ chức. Hội thảo khoa học sẽ diễn ra vào lúc 8h00 ngày 26/05/2025, tại Khách sạn Thắng Lợi, 200 Yên Phụ, TP Hà Nội.
Hội thảo có sự hiện diện và tham gia thảo luận của đại diện một số cơ quan Đảng, bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế đầu ngành, đại diện Hội và hiệp hội, đại diện ngân hàng, doanh nhân tư nhân…
Bên cạnh các bài tham luận riêng từ đại diện cơ quan Đảng, các chuyên gia và đại diện hiệp hội, … Hội thảo cũng tập trung thảo luận các nhóm vấn đề chính như cơ hội, tiềm năng, thách thức của kinh tế tư nhân trong sứ mệnh một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, cũng như việc thể chế hóa đầy đủ và khoa học Nghị quyết 68/NQ-TW vào thực tiễn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.