Cần có kế hoạch tái đàn phù hợp trách trường hợp phải giải cứu thịt lợn
(DNVN) - Tại Hội nghị Thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn diễn ra tại Hà Nội sáng nay (6/5), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định các địa phương nắm quyền quyết định trong thúc đẩy tái đàn, tăng đàn lợn, kiểm soát dịch bệnh và quy mô tăng đàn, tránh để cuối cùng lại “ngã ngửa” phải đi giải cứu thịt lợn.
Lý giải vì sao giá lợn thịt liên tục tăng cao trong thời gian qua dù Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có các biện pháp can thiệp, chỉ đạo bình ổn giá, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, do dịch bệnh, dẫn đến nguồn cung lợn giảm mạnh, làm giá tăng. Tính đến hết tháng 4/2020 theo báo cáo của các địa phương, tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 24,89 triệu con, tương đương 80,3% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi (khoảng 31 triệu con vào 31/12/2018), tăng trưởng bình quân 5,78%/tháng.
Về giá thịt, do ảnh hưởng của bệnh, nguồn cung giảm làm mất cân đối cung - cầu, làm cho giá lợn thịt tăng, tháng 8-12/2019 giá lợn hơi tăng từ 42.000 - 90.000 đồng/kg. Từ tháng 01-3/2020, giá giảm từ 90.000 đồng xuống 73.000 đồng/kg lợn hơi tại cửa chuồng (từ 1/4/2020 các doanh nghiệp lớn giảm giá xuống 70.000 đồng/kg lợn thịt tại nơi xuất chuồng). Tuy nhiên, từ giữa tháng 4/2020 giá lợn thịt có xu hướng tăng đến 70.000-80.000 đồng/kg lợn hơi; những ngày gần đây giá lợn thịt ổn định ở mức cao trên dưới 80.000 đồng/kg.
Trong thời gian qua, chỉ 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn và các điểm liên kết vệ tinh nuôi giữ khoảng 35% đàn lợn thương phẩm dù các doanh nghiệp này cam kết đưa giá lợn hơi về mốc 70.000 đồng/kg từ 1/4/2020. Nhưng cũng chưa đủ sức để kéo giá bình quân xuống 70.000 đồng/kg lợn hơi bởi 65% thị phần còn lại nằm ở các doanh nghiệp nhỏ, trang trại, hộ nông dân. Mặt khác, một số doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn cũng không xuất hoặc hạn chế xuất lợn thịt nên càng thiếu nguồn cung, làm tăng giá thịt lợn.
Bên cạnh đó, đại diện Cục Chăn nuôi cho rằng, một nguyên nhân khác khiến thịt lợn khó giảm giá là lợn hơi xuất chuồng đến tay người tiêu dùng phải qua 2 - 5 khâu trung gian, làm giá tăng (gần 43%). Mặt khác, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tăng làm giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp tăng trên 10%; chi phí phòng chống dịch bệnh tăng cao do phải áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thuốc sát trùng… cũng làm giá lợn hơi tăng.
Còn theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, trong ngành chăn nuôi lợn hiện nay, các hộ chăn nuôi chăn nuôi quy mô nhỏ và vừa, các hợp tác xã chính là 2 khu vực chiếm tỉ trọng lớn nhất, chiếm tới 66 – 67%% tổng đàn lợn. Trong khi đó, tốc độ tăng đàn, tái đàn ở các doanh nghiệp (DN) lớn cũng đang tăng rất nhanh, trước đây thị phần chỉ chiếm khoảng 15-20% thì nay đã tăng lên 35%. Cái cần ưu tiên hiện nay, chính là đối tượng chăn nuôi nông hộ quy mô tập trung, trang trại, hơp tác xã. Muốn vậy phải hoàn thiện nhóm chính sách nhà nước với tổng thể nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ từ con giống, đất đai đến lãi suất vay vốn…
Thứ hai, ngành nông nghiệp phải ưu tiên tập trung chỉ đạo sâu sát hơn nữa để đảm bảo tái đàn an toàn, hiệu quả, không tái dịch. Nguy cơ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) quay trở lại vẫn còn rất hiện hữu, cho nên công tác phòng chống dịch phải có sự cố gắng rất lớn từ chủ trương, chính sách, chỉ đạo cho tới sự hưởng ứng của người dân. Thời gian qua, nhờ có sự đồng bộ, đồng lòng quyết liệu đó nên đã hạn chế được thấp nhất tỉ lệ thiệt hại do DTLCP.
Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhìn nhận còn những vấn đề lớn bất hợp lí, cần giải quyết: "Hiện nay sản lượng thịt lợn vẫn còn thiếu hụt khoảng hơn 20% so với trước khi có dịch tả lợn châu Phi. Nếu trong quý 3 chúng ta không cố gắng, quyết tâm đồng bộ thì nguồn cung thịt lợn chưa thể trở lại trạng thái cân bằng. Do đó, điều thứ 3 cần lưu ý, chính là các tỉnh, thành phố cần hoàn thiện chính sách, vào cuộc đồng bộ, tích cực giúp người dân tái đàn thuận lợi, hiệu quả".
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương chỉ đạo DN tham gia cung ứng sản phẩm cho hệ sinh thái ngành thịt lợn. Sau hội nghị, đề nghị các DN thuộc địa bàn tỉnh nào thì mời đến làm việc cùng chủ trang trại, HTX, nông dân để bàn bạc, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng trong cung ứng đầu vào - đầu ra; cử đội ngũ kĩ thuật chăm lo trang trại vệ tinh, hỗ trợ nông dân – chính là chăm lo thị trường, khách hàng của mình.
Các địa phương cũng cần đặc biệt quan tâm 2 nhóm vấn đề lớn: Quy hoạch, tạo điều kiện về đất đai để các trang trại, HTX mở rộng quy mô chăn nuôi, liên kết với nhau để có những trang trại, HTX lớn mạnh; cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà.
Cuối cùng, tư lệnh ngành nông nghiệp đề nghị các địa phương rà soát quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó khẳng định tái cơ cấu ngành thịt lợn theo hướng bền vững, theo chuỗi. Đừng để tái đàn mất kiểm soát mà sau này lại "ngã ngửa" vì khủng hoảng thừa, phải đi giải cứu thịt lợn.