Cần làm gì để chống chuyển nhượng giá của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam?

09:51 | 10/05/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Chuyển giá của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (DN FDI) tại Việt Nam, mà gần đây nhất là Grab đã gây thất thu ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng. Chống tình trạng tiêu cực này, các cơ quan chức năng cần thực thi giải pháp đồng bộ về khung pháp lý, bộ máy quản lý thuế, cơ sở dữ liệu về giá và phương pháp định giá.
Cần làm gì để chống chuyển nhượng giá của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam? - ảnh 1
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet. 
 Thường xuyên kê khai lỗ để thao túng thị trường

Theo thống kê tới tháng 12/2017, cả nước có khoảng 50% DN FDI kê khai lỗ, trong đó nhiều DN thua lỗ liên tục trong các năm liên tiếp. TP. Hồ Chí Minh có tới gần 60% trong số 3.500 DN FDI, tỉnh Lâm Đồng cũng có 104/111 DN FDI và tỉnh Bình Dương có đến 50% DNFDI… thường xuyên kê khai lỗ.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, có nhiều cơ sở nghi vấn các DN FDI tại Việt Nam chuyển giá, như các DN FDI báo lỗ qua nhiều kỳ hoặc tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu vô cùng thấp song nhiều năm các DN này vẫn liên tục mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường quảng cáo, thị trường phát triển…

Dưới đây  là dữ liệu cụ thể về hoạt động chuyển nhượng giá của DN FDI tại Việt Nam đã bị cơ quan chức năng phát hiện những năm gần đây.

1. Keangnam Vina - chủ đầu tư tòa nhà Keangnam: DN này bị "vạch trần" hành vi nâng khống đầu vào để liên tục khai lỗ trong 5 năm và bị buộc phải nộp truy thu thuế thu nhập DN cho mảng kinh doanh bán căn hộ với tổng" thuế là 95,2 tỷ VND.

2.Côngty Hualon Corporation (Khu Công Nghiệp Nhơn Trạch 2,Đồng Nai): DN này gần 20 năm liên tục báo lỗ, nâng khống giá dây chuyền máy lên đến 40 lần (từ 400.000 USD thành 16 triệu USD).

3. Metro Cash & Carry: Bị "vạch trần" hành v chuyển giá sau 12 năm hoạt động tại Việt Nam, truy thu hơn 507 tỷ VND.

4. Công ty Giày Changshin Hàn Quốc: Mở rộng sản xuất kinh doanh nhưng không thông qua việc tăng vốn mà sử dụng khoản vốn vay ngắn hạn, trung hạn của công ty mẹ ở nước ngoài và đã xử lý giảm lỗ trên 120 tỉ VND.

5. Coca Cola: Theo báo cáo tài chính của Coca tính hết quý 3 năm 2011của công ty này đã báo lỗ lên đến hơn 3.768 tỉ VND, vượt cả số vốn điều lệ 2.950 tỉ VND mà Coca- Cola đã đầu tư vào Việt Nam. Theo thống kê Cục thuế TP Hồ Chí Minh, doanh thu Coca từ 2007-2010 trong vòng 4 năm doanh từ 1.000 tỉ VND lên 2.500 tỉ VND.

6. Grab: Từ tháng 2/2014 đến nay, Grab báo cáo tài chính lỗ, trong đó, Grab có vốn pháp định 20 tỷ VND nhưng lỗ lũy kế hơn 938 tỷ VND.

 Hành vi chuyển nhượng giá của các DN FDI tạo ra rất nhiều hệ luỵ.

Biểu hiện cụ thể các hành vi chuyển nhượng giá của các DN FDI là đội giá đầu vào như giá trị đầu tư thiết bị máy móc, nguyên vật liệu, công cụ và dụng cụ và hạ thấp giá sản phẩm đầu ra khiến hạch toán của DNFDI thua lỗ liên tiếp.

Tạo ra “giá trị ảo” cho tài sản cố định, tăng tỷ lệ khấu hao vào chi phí, làm sai lệch tổng vốn FDI khi giải ngân.

Cách làm trên của DN FDI khiến thị trường tư liệu sản xuất và thị trường tiêu dùng trong nước phải chịu mức giá cao bất hợp lý.

Mặt khác, mức giá nhập khẩu cao do chuyển giá đã thủ tiêu lợi ích về giá từ hoạt động nhập khẩu, làm cho mặt bằng giá cao giả tạo, thậm chí khiến mức giá của nhiều hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, gây hạn chế khả năng cạnh tranh giữa các DN Việt Nam với các DN nước ngoài trong khu vực, tạo ra một thị trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN.

Do có lợi thế về nguồn vốn đầu tư dồi dào, các công ty đa quốc gia dễ dàng thôn tính các công ty trong nước thông qua chiêu thức quảng cáo và khuyến mại lớn dẫn tới lũng đoạn thị trường. Các công ty trong nước không đủ tiềm lực tài chính để cạnh tranh nên dần dần suy yếu và có thể phá sản, thay đổi ngành nghề, sản phẩm kinh doanh, trong khi các công ty đa quốc gia dần thao túng thị trường trong nước, độc quyền kiểm soát giá cả.

Hệ lụy tất yếu của chuyển giá lên nền kinh tế vĩ mô quốc gia tiếp nhận đầu tư là quá trình hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô gặp khó khăn, ngành sản xuất nội địa chậm phát triển, đặc biệt gây thiệt hại cho người tiêu dùng, nền kinh tế của quốc gia tiếp nhận đầu tư dần phụ thuộc và bị chi phối bởi quốc gia khác.

Như vậy, hoạt động chuyển giá của DN FDI tạo ra nhiều tác động tiêu cực tới thị trường quốc gia nhận đầu tư như: Làm giảm nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, làm thay đổi cấu trúc của các giao dịch thương mại, làm sai lệch giá vốn dẫn đến sai lệch trong phân phối lợi ích, tạo ra khả năng chiếm lĩnh, giành thị phần cũng như thôn tính đối tác với mức chi phí thấp nhất.

Trong thời gian vừa qua, chuyển giá của DN FDI tại Việt Nam đã gây thất thu ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng.

Giải pháp không chỉ là tăng cường khuôn khổ pháp lý

Để chống chuyển nhượng giá của các DN FDI tại Việt Nam, các cơ quan chức năng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau;

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp lý về chuyển giá.

Trên thực tế Việt Nam hiện nay vẫn còn tồn tại những bất cập về hệ thống văn bản pháp luật và thi hành các văn bản pháp luật liên quan đến thuế và hoạt động chuyển nhượng giá. Bởi vậy, để hoạt động chống chuyển giá ở Việt Nam có hiệu quả, tăng cường các khuôn khổ pháp lý là hết sức cần thiết.

Nghị định số 20/2017/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01/05/2017 quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết được đánh giá là dấu mốc phát triển quan trọng trong hệ thống quy định pháp luật. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là một văn bản dưới luật và Việt Nam cần sớm ban hành Luật Chống chuyển giá. Các văn bản hiện hành tuy đã thể hiện tinh thần cơ bản xử lý vấn đề chuyển giá là xác định lại giá chuyển giao theo nguyên tắc giá thị trường. Do vậy, đòi hỏi phải có một hệ thống pháp lý về chuyển giá mạnh hơn, đầy đủ và chi tiết hơn.

Thứ hai, xây dựng cơ sở dữ liệu về giá cho các giao dịch.

Cơ sở dữ liệu của cơ quan chức năng là các thông tin, dữ liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế của các DN do cơ quan thuế phân tích, lưu giữ, cập nhật và quản lý từ các nguồn khác nhau.

Cơ sở dữ liệu đầy đủ và đáng tin cậy có ảnh hưởng rất tích cực đến kiểm soát nhà nước về hoạt động chuyển giá. Sự phát triển của dữ liệu khối (block chain) hiện nay tạo thuận lợi cho việc lưu trữ dữ liệu lớn (big data) để làm cơ sở tham chiếu và kiểm soát, đánh giá giá trị chuyển nhượng trên thị trường.

Hiện tại, các cơ quan chức năng (như cơ quan thuế, cơ quan tài chính vật giá, thống kê, cơ quan kiểm toán, hải quan) hầu như chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu về giá cả các loại hàng hoá được giao dịch giữa các công ty độc lập và các công ty liên kết với nhau. Do vậy, khi đánh giá một nghiệp vụ mua bán nội bộ, các cơ quan chức năng rất khó khăn trong tìm giá tham khảo để đối chiếu và áp đặt giao dịch thực tế hạch toán, đặc biệt khó khi giao dịch với bên liên kết ở nước ngoài và sản phẩm dịch vụ có tính chất đặc thù.

Cần tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế với các cơ quan thuế nước ngoài phục vụ việc trao đổi, thu thập thông tin cần thiết đánh giá các giao dịch với bên liên kết ở nước ngoài.

Thứ ba, kiện toàn bộ máy quản lý ngành thuế và các cơ quan chức năng khác.

Tăng cường nguồn lực cán bộ thanh tra để thành lập một bộ phận chuyên trách về chuyển

giá. Thường xuyên cập nhập kiến thức và nghiệp vụ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ và tin học cho cán bộ thuế và các ngành có liên quan như hải quan, tài chính..

Cơ quan thuế cần xây dựng cơ sở dữ liệu về người nộp thuế theo hướng tập trung, thống nhất, tích hợp gắn với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu của quy trình quản lý thuế. Thiết lập hệ thống mạng trao đổi thông tin với bên ngoài. Ngoài những thông tin do người nộp thuế cung cấp, thông tin do bản thân ngành thuế thu thập trong quá trình quản lý còn phải truy cập, tham chiếu với các thông tin khác liên quan đến người nộp thuế do các cơ quan, tổ chức chuyên ngành nắm giữ.

Thứ tư, áp dụng phương pháp định giá (APA - cơ chế thoả thuận trước về xác định giá).

APA là một thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan thuế và người nộp thuế, được áp dụng trong một khoảng thời gian nhất định. Theo đó, căn cứ tính thuế và phương pháp xác định giá tính thuế hoặc giá tính thuế theo giá thị trường áp dụng cho các giao dịch liên kết được cơ quan thuế xác định trước khi người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế và hồ sơ hải quan.

Trước khi tiến hành giao dịch, cơ quan thuế và doanh nghiệp thỏa thuận trước về giá hàng hóa, dịch vụ để tính thuế hoặc cơ quan thuế và cơ quan thuế nước ngoài, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Quá trình hội nhập và phát triển sẽ mang lại cho các quốc gia các lợi ích, song cũng xuất hiện nhiều thách thức mới. Cán bộ ngành tài chính cần có sự tham khảo, nghiên cứu kinh nghiệm chống chuyển giá của các nước phát triển, bổ sung và hoàn thiện thêm các quy định về chống chuyển giá để đẩy lùi hoạt động trốn thuế của các DN FDI hiện nay.

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Quang

Giảng viên cao cấp ĐHKTQD

Tài liệu tham khảo.

1. Andrew Lymer và Jonh Hasseldine (2002), The International Taxation System, Xuất bản lần thứ 1, Nhà xuất bản Springer Science + Business Media, Springer Science + Business Media.

2. Quang Lộc (2017), Chống chuyển giá: Khó mấy cũng phải làm, Tạp chí Báo công thương.

3.OECD (2001) Transfer pricing guideleines for Multinational enterprises and tax administration, OECD Publisher.