Cần một hành lang pháp lý cho mobile money

16:25 | 25/05/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Việc sử dụng tài khoản di động để thanh toán hàng hóa, mobile money đang được xem là một tiện ích kích cầu. Tuy nhiên bên cạnh những lợi ích, mobile money cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả các nhà quản lý và người dùng.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch COVID-19. Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước trình ngay quyết định cá biệt về việc thí điểm Tiền di động (mobile money), nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Theo các chuyên gia, nếu mobile money được sử dụng, số lượng người tham gia sẽ rất lớn, bởi hiện nay hơn 50% dân số Việt Nam hiện chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và có tới 99% các giao dịch dưới 100.000 đồng là bằng tiền mặt. Vì vậy, hình thức thanh toán này rất phù hợp với những hàng hoá như cốc trà đá, vé gửi xe, bánh xà phòng, gói mì tôm, cho đến hóa đơn điện, nước, giáo dục, y tế, vay tín dụng..., người dân sẽ rút điện thoại ra để thanh toán.

Cần một hành lang pháp lý cho mobile money - ảnh 1
 Mobile money được kỳ vọng sẽ góp phần cung ứng cho toàn bộ người dân một kênh giao dịch, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng và thuận tiện.
Do đó, mobile money phát triển sẽ góp phần cung ứng cho toàn bộ người dân một kênh giao dịch, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng và thuận tiện. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt lợi ích, mobile money cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả các nhà quản lý và người dùng. Đây đang là bài toán khó cho các nhà hoạch định chính sách trong việc xây dựng hành lang pháp lý cho loại hình thanh toán mới này.
Liên quan đến vấn đề này, tại buổi tọa đàm “Ngân hàng số và thanh toán điện tử gợi mở từ khủng hoảng COVID-19”, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), cho biết, việc triển khai mobile money mới chỉ ở dạng thí điểm, có nghĩa khung pháp lý cho hoạt động này mới chỉ ở dạng sandbox.
Tuy nhiên, dù mới chỉ triển khai thí điểm đi chăng nữa, hành lang pháp lý cho mobile money cũng phải đảm bảo được việc định danh, xác thực khách hàng. Bởi có thể sẽ có các hành vi mạo danh khách hàng trong việc mở và sử dụng mobile money để thực hiện các giao dịch giả mạo, gian lận. Trong khi đó, việc xác thực khách hàng sẽ khó có thể đảm bảo sự chính xác nếu như tình trạng SIM rác và việc mua bán SIM kích hoạt sẵn vẫn còn khá phổ biến như hiện nay. Theo đó, cần phải siết chặt việc sở hữu SIM điện thoại tương tự như vấn đề mở thẻ ngân hàng. Một người có thể được sở hữu nhiều SIM điện thoại tùy theo nhu cầu của mình, nhưng phải “chính chủ” và khi không có nhu cầu sử dụng nữa phải báo cho các nhà mạng để hủy bỏ.
Do đó, ông Dũng kiến nghị, phải định danh được khách hàng, nếu không trả lời được khách hàng là ai thì tất cả nguy cơ có thể xảy ra. Đồng thời phải bảo vệ dữ liệu về người dùng, định danh số… Thứ hai là phải ngăn chặn được hành vi lợi dụng hình thức thanh toán này cho các giao dịch bất hợp pháp như cờ bạc, cá độ… cũng như đảm bảo mục tiêu phòng, chống rửa tiền.
Cần một hành lang pháp lý cho mobile money - ảnh 2
 Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, đây là bài toán không hề đơn giản, bởi Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt cho phép các doanh nghiệp viễn thông định danh tài khoản mobile money thông qua tài khoản viễn thông mà không cần tài khoản ngân hàng; trong khi cũng rất khó để kiểm soát mục đích thanh toán của người sử dụng với hình thức này.
Vì lẽ đó, để giảm thiểu rủi ro nói trên, cần phải khống chế giá trị thanh toán qua mobile money tương tự như với ví điện tử. Thậm chí, nên khống chế ở mức thấp hơn do mục tiêu của mobile money là để thanh toán các khoản nhỏ lẻ và phục vụ các đối tượng người dân ở nông thôn, vùng sâu vùng xa chưa có tài khoản ngân hàng. Điều này cũng sẽ làm giảm đi sự cạnh tranh không công bằng giữa hai loại hình tiền đi động và ví điện tử do theo quy định, mobile money không cần có tài khoản ngân hàng, còn ví điện tử bắt buộc phải có tài khoản ngân hàng.
Bên cạnh đó, ông Dũng cho rằng, phải có quy định để đảm bảo các doanh nghiêp viễn thông tuân thủ nghiêm nguyên tắc 1:1 để không làm phát sinh lượng tiền tệ, gây khó cho công tác điều hành chính sách tiền tệ.
Nguyên nhân, tại Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt có quy định hoạt động đại lý thanh toán. Theo đó, ngân hàng được giao cho bên đại lý cung ứng một phần các dịch vụ thanh toán như nộp/rút tiền mặt vào/ra tài khoản, thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ... Tuy nhiên rất khó để kiểm tra, kiểm soát lượng tiền mặt các điểm giao dịch đã nhận của khách hàng, rất dễ xảy ra trường hợp lợi dụng để tăng giá trị nạp tiền (làm thay đổi tỉ lệ 1:1) dẫn đến khó khăn trong việc quản lý lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế.
Cuối cùng theo ông Dũng, do đây là hình thức thanh toán liên quan nhiều đến công nghệ nên cần phải có các quy định liên quan đến an toàn, bảo mật, đặc biệt là với thông tin cá nhân của khách hàng; đồng thời cũng cần có các quy định bảo vệ quyền và lợi ích của người sử dụng.