Cần thiết phải luật hóa các quy định hộ kinh doanh

14:22 | 24/03/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), ngày 23/3.

Cần thiết phải luật hóa các quy định hộ kinh doanh - ảnh 1
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn 
Phát biểu tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng hầu hết các ý kiến đều đồng tình với việc cần thiết phải luật hóa các quy định hộ kinh doanh. Ý kiến khác nhau chỉ ở việc nên để các quy định về hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp hay xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị giữ phương án quy định về hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp do phương án này có lợi cho nền kinh tế, khơi thông nguồn lực để đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội và không chồng chéo với các luật khác. Nếu xây dựng luật riêng về hộ kinh doanh thì kéo dài thêm mấy năm nữa, trong khi luật hóa ngay thì có lợi cho nền kinh tế.

Trường hợp còn ý kiến khác nhau về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội để tiếp tục thảo luận và biểu quyết riêng về nội dung này, trước khi biểu quyết thông qua Luật.

Liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, về tỉ lệ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước, trong quá trình soạn thảo Luật, Ban soạn thảo phân tích, đánh giá tác động, so sánh và tham vấn và có phân tích 3 phương án là: 50%, 65% và 100%.

Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, đối với công ty cổ phần, cổ đông sở hữu trên 50% tổng cổ phần có quyền biểu quyết là đủ để thông qua được các quyết định thông thường của doanh nghiệp. Đối với quyết định quan trọng khác yêu cầu thông qua với tỉ lệ biểu quyết trên 65% tổng số phiếu biểu quyết vẫn cần phải có sự đồng ý của cổ đông sở hữu trên 50% tổng số quyền biểu quyết thì mới thông qua được quyết định đó. Như vậy, cổ đông sở hữu trên 50% tổng số phiếu biểu quyết đã có thể chi phối toàn bộ các quyết định của các công ty cổ phần. Hiện nay, các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa đều tổ chức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần.

Ngoài ra, phương án như cơ quan soạn thảo đã trình có một điểm tích cực hơn hẳn so với các phương án khác là tính tương thích với hệ thống quy định pháp luật hiện hành, bởi vì các quy định về giám sát, quản lý doanh nghiệp có phần vốn Nhà nước đã và đang phân loại, tiếp cận đối với doanh nghiệp có phần vốn nhà nước theo tiêu chí tương tự: dưới 50%, trên 50% và 100%. Đồng thời, tỉ lệ sở hữu trên 50% vốn điều lệ là phù hợp với các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết với quốc tế phù hợp với Nghị quyết 12, vừa tương thích với hệ thống pháp luật và có thể thực hiện được ngay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp nhằm mục tiêu tổng quát là hoàn thiện khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực của thông lệ tốt, phổ biến ở khu vực và quốc tế; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút vốn, nguồn lực vào sản xuất kinh doanh; góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra là thuộc nhóm các nước ASEAN 4.

Qua đó nhằm tạo thuận lợi nhất cho hoạt động thành lập và đăng ký doanh nghiệp; cắt giảm chi phí và thời gian trong khởi sự kinh doanh; góp phần nâng xếp hạng chỉ số khởi sự kinh doanh lên ít nhất 25 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới). Đồng thời, nâng cao cơ chế bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của doanh nghiệp; thúc đẩy quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực theo thông lệ tốt, phổ biến trong khu vực và quốc tế; nâng mức xếp hạng chỉ số bảo vệ nhà đầu tư lên ít nhất 20 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới).

Cùng với đó là nâng cao hiệu lực quản trị, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với doanh nghiệp mà nhà nước có phần vốn góp chi phối; tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh phát huy tối đa tiềm năng và lợi ích, đóng góp cho phát triển kinh tế. Tạo thuận lợi hơn, giảm chi phí trong tổ chức lại doanh nghiệp: sáp nhập, hợp nhất, chia, tách và chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.