Cẩn trọng khi mua hàng online trong mùa dịch

10:43 | 14/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thời gian gần đây, nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dân tăng vọt do nhiều địa phương trên cả nước phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để phòng dịch COVID-19.

Một khảo sát được Nielsen Việt Nam đưa ra tại Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến 2020 cho thấy, số người tiêu dùng mua sắm online đã tăng lên 25% trong mùa dịch, trong khi ở các kênh truyền thống như siêu thị, chợ và tạp hóa chỉ tăng lần lượt 7%, 3% và 6%.

Cũng theo khảo sát của Nielsen, có đến 55% người tiêu dùng mua sắm online ở độ tuổi 18-29, trong đó 63% là phụ nữ, 65% là nhân viên văn phòng, 70% có thu nhập cao. Trong số đó, có 55% thực hiện mua sắm qua các ứng dụng di động (mobile app). Lý do mua hàng online vì có nhiều chương trình khuyến mại, giá rẻ.

Nielsen Việt Nam đánh giá, xu hướng mua sắm online trong dịch COVID-19 mở ra cơ hội kinh doanh online nhiều hơn khi người dân chọn mua sắm tại nhà gia tăng. Mua sắm online có tốc độ tăng trưởng 2 con số hàng năm và con số này còn nhiều khả năng phát triển nữa ở Việt Nam.

Cẩn trọng khi mua hàng online trong mùa dịch - ảnh 1

Không thể phủ nhận mua sắm trực tuyến là lựa chọn tối ưu trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Song, mua sắm qua mạng cũng có nguy cơ tác động tiêu cực đến người tiêu dùng.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, gần đây đơn vị này ghi nhận nhiều vụ việc xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến. Trong đó nổi bật là các vấn đề liên quan đến quảng cáo gian dối, bán hàng không rõ nguồn gốc, lừa đảo bán hàng, cung cấp thông tin không rõ ràng, không đầy đủ.

Số liệu thống kê của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho thấy, trong năm 2020, có đến 80% người tiêu dùng sử dụng phương thức nhận hàng trả tiền (COD) trong các giao dịch thương mại điện tử. Nguyên nhân cơ bản của tỷ lệ 80% nêu trên một phần là do người tiêu dùng có tâm lý e ngại, không tin tưởng vào chất lượng, sự an toàn của phương thức mua sắm trực tuyến.

Do vậy, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cảnh báo nguy cơ rủi ro và một số lưu ý để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi thực hiện các giao dịch mua sắm trực tuyến, cụ thể như sau:

Thông tin giao dịch của người tiêu dùng bị bên thứ ba lợi dụng để mạo danh giao hàng, cụ thể: người tiêu dùng đặt mua hàng trên sàn thương mại điện tử nhưng đơn hàng bị hủy không rõ lý do, sau đó, có bên thứ ba liên hệ để giao món hàng mà người tiêu dùng đã đặt mua trên sàn. Nội dung khiếu nại cho thấy một số món hàng có vấn đề về chất lượng, nguồn gốc, giấy tờ giao dịch. Tuy nhiên, khi người tiêu dùng liên hệ sàn để phản ánh thì không được giải quyết vì giao dịch không được thực hiện bởi sàn.

Tự động hủy đơn hàng: người tiêu dùng phản ánh bị hủy đơn hàng tự động vì người giao hàng không liên hệ được người mua, tuy nhiên, thực tế người tiêu dùng không nhận được liên hệ của bên giao hàng.

Người tiêu dùng không mua được hàng theo giá quảng cáo: trong một số chương trình khuyến mãi, sau khi đặt mua thành công hàng hóa với giá khuyến mãi, người tiêu dùng được thông báo đã hết hàng khuyến mại và đề nghị mua hàng với giá không khuyến mại.

Bán hàng giả, hàng đã qua sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Từ chối, kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại.

Do vậy, theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, việc trang bị những kiến thức, kỹ năng thực hiện các giao dịch thương mại điện tử là rất cần thiết.

Người tiêu dùng khi mua sắm qua mạng cần ưu tiên mua hàng từ những trang thương mại điện tử uy tín, có đăng ký, thông báo tới Bộ Công Thương. Trong trường hợp mua hàng trên mạng xã hội, nên lựa chọn những tài khoản uy tín, có lịch sử bán hàng lâu dài.

Cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn hàng hóa cần mua cũng như số lượng hàng hóa, tránh tình trạng mua hàng không thực sự cần thiết và mua với số lượng quá nhiều; ưu tiên mua những sản phẩm phục vụ cho nhu cầu cơ bản trong đại dịch như nhu yếu phẩm, thực phẩm, đồ dùng gia đình, quần áo phục vụ nhu cầu hằng ngày.

Khi nhận hàng, đối chiếu thông tin trên biên lai giao hàng với đơn hàng trên mạng nhằm hạn chế tình trạng thanh toán cho đơn hàng mà không đặt cũng như nhận hàng không đúng với sản phẩm đã đặt mua...

H.A

Xem thêm: Yêu cầu sàn thương mại điện tử nộp hộ thuế: Hiệp hội nói không khả thi, các sàn kêu khó