Cẩn trọng với hàng thực phẩm online dịp Tết
Càng cận kề Tết Nguyên đán, việc mua bán thực phẩm, đặc sản phục vụ cho tết càng rầm rộ trên mạng xã hội. Cơ man là các sản phẩm có mặt trên “chợ mạng” để người tiêu dùng lựa chọn. Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm đối với những mặt hàng này không phải đơn giản, nhiều sản phẩm kém chất lượng thừa cơ trà trộn tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe người dùng.
Đủ loại mặt hàng “đặc sản”
Chỉ cần gõ từ khóa “đặc sản ăn tết”, “đồ ăn tết handmade”, “chợ quê”… trên mạng xã hội, hàng loạt mặt hàng với đủ mọi giá, kiểu dáng khác nhau sẽ hiện ra.
Trong đó, sản vật trung du, miền núi phía Bắc có: thịt lợn xông khói, thịt trâu gác bếp, nấm hương, măng khô, mắc khén, hạt dổi… Đặc sản miền Trung có nem chua, giò bê, bánh tôm... hay trái cây sấy, khô gà lá chanh, hạt điều, rong biển từ vùng Tây Nguyên, Nam Trung bộ.
Sản phẩm hồng treo gió Đà Lạt được đăng bán trên mạng xã hội
Không chỉ có các đặc sản trong nước, các mặt hàng thực phẩm nhập ngoại như lườn ngỗng hun khói, lõi vai bò Mỹ, dẻ sườn ba xương… cũng luôn sẵn sàng nếu khách có nhu cầu. Kèm theo các bài đăng là những hình ảnh thực phẩm vô cùng thu hút cùng lời đảm bảo “chuẩn hàng đặc sản”, “hàng ngon đặc biệt miễn chê”, “món này tết năm ngoái cháy hàng…”. Liên hệ với người bán hàng, những người này đều quả quyết về chất lượng sản phẩm, đặc biệt, đa phần đều có giá “ngon, bổ, rẻ” hơn so với giá bán ngoài cửa hàng.
Trên một fanpage có tên “Chợ quê” chuyên bán đồ ăn, đặc sản vùng miền có gần 800 nghìn thành viên, thịt trâu gác bếp được đăng bán có giá khoảng 900.000 đồng/kg; xúc xích, lạp sườn 170.000 - 200.000 đồng/kg, lườn ngỗng hun khói có giá 180.000 nghìn đồng/ kg… Người bán cam kết hàng có đủ giấy tờ kiểm định nguồn gốc rõ ràng, chỉ cần khách chốt, số lượng bao nhiêu cũng có.
Cùng với đó, các loại mứt như mứt cà rốt, gừng dẻo giá 320.000 đồng/kg, mứt dừa, đu đủ hay mứt bí 290.000 - 320.000 đồng/kg. Ngoài hình thức bán lẻ từng loại, nhiều cơ sở bán hàng online còn rao bán hộp mứt có trọng lượng 1kg, bao gồm 8 - 10 loại khác nhau với giá 200.000 đồng/hộp. “Tất cả mứt đều do chính nhà mình làm, không sử dụng chất tạo màu, bảo quản. Mọi người có thể mua cả cân hoặc mix nhiều vị với nhau, tùy theo yêu cầu của khách hàng”, chủ một cửa hàng bán đồ hanmade online cho biết. Theo người này, vào dịp cận tết, mọi năm mỗi ngày có thể bán cả chục cân mứt các loại.
Trên thị trường đặc sản tết năm nay có thêm hồng treo gió, táo đỏ Hàn Quốc… là những loại thực phẩm được nhiều người hỏi mua. Theo khảo sát, giá hồng và táo trên mạng xã hội đang ở trong tình trạng “mỗi nơi một giá”. Tại một trang facebook chuyên đồ nhập khẩu, sản phẩm táo đỏ Hàn Quốc có giá 88.000 đồng/kg, trong khi giá mặt hàng này tại nhiều trang thương mại điện tử uy tín là trên 200.000 đồng/kg… Còn đối với hồng treo gió Đà Lạt, một trang chuyên đặc sản đăng bán với giá 150.000 đồng, trong khi giá được niêm yết tại các cửa hàng là từ 250.000 - 300.000 đồng/kg.
Mua bán dựa trên… “niềm tin”
Đang tìm mua quà để dành tặng gia đình, người thân nhân dịp tết năm nay, chị Nguyễn Bích Ngọc (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Bình thường, muốn tìm mua đặc sản các vùng miền, mình phải nhờ bạn bè trong Nam mua hộ và chuyển ra, nhưng giờ chỉ cần lên mạng xã hội tìm kiếm là có đủ các mặt hàng để lựa chọn”. Chị cho biết đã đặt mua 5 hộp hồng treo gió Đà Lạt của người quen trên facebook. “Chỉ nhìn hình ảnh thì không biết chất lượng thế nào, mua bán trên mạng chỉ dựa trên niềm tin là chính”.
Trên thực tế, đã không ít trường hợp mua hàng trên mạng xã hội và nhận được kết quả không như mong muốn.
Đăng bài chia sẻ về kinh nghiệm mua quà tết trên mạng, anh Nguyễn Văn Bình (Chùa Bộc, Hà Nội) cho hay, sau khi đặt 2 kg mứt tết và một ít khô gà lá chanh trên một trang bán hàng online, thì chất lượng sản phẩm anh nhận về rất đáng thất vọng, khô gà còn có dấu hiệu ẩm mốc, tuy nhiên khi liên hệ người bán lại không nhận được phản hồi. Theo anh Bình, mua bán qua mạng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro, tốt nhất nên mua ở những trang uy tín, hoặc nhờ bạn bè giới thiệu.
Theo chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cửa hàng bán trực tiếp đã khó, kiểm soát thực phẩm bán trên mạng xã hội càng khó khăn hơn, bởi lẽ hình thức buôn bán này hiện đang không chịu bất kỳ sự quản lý nào.
“Quan trọng nhất là ý thức và trách nhiệm của người bán hàng. Hơn hết, chính người mua cũng phải tự bảo vệ mình để tránh mua phải những thực phẩm không đảm bảo chất lượng, gây tổn hại đến sức khỏe”, ông Phú nhấn mạnh.
Trao đổi với báo chí, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Việt Hùng cho biết, thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại. Công tác này tập trung vào việc sản xuất, buôn bán hàng hóa không bảo đảm chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm và gian lận thương mại; nhất là các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp tết… Các lực lượng chức năng cũng đẩy mạnh kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, các website, mạng xã hội, các ứng dụng bán hàng trực tuyến…
Theo Thời báo ngân hàng
T/H Hồng Anh