Muốn xuất khẩu nông sản thuận lợi vào thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp Việt cần nắm vững các vấn đề này
Nguồn tin từ Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Trung Quốc là một trong những thị trường nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam với nhiều mặt hàng như trái cây, gạo, thuỷ sản,… cùng với lợi thế có vị trí địa lý giáp với Việt Nam và nhiều cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường biển.
Việt Nam và Trung Quốc đều tham gia Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Trung Quốc, tuy nhiên Hiệp định này không có chương SPS mà hiện nay cơ chế hợp tác đều thông qua việc triển khai Bản ghi nhớ giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Từ năm 2008 đến nay, Việt Nam và Trung Quốc có 9 Hiệp định/Biên bản ghi nhớ/Thỏa thuận hợp tác về các lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật, kiểm dịch gạo, măng cụt, sữa, thạch đen…
Đáng chú ý, trong những năm gần đây, đặc biệt là thời gian vừa qua, Trung Quốc đặt ra các yêu cầu ngày càng cao đối với việc nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) xuất nhập khẩu cũng như các quy định về kiểm dịch động, thực vật.
Theo đó, về lĩnh vực ATTP, Trung Quốc đã liên tiếp sửa đổi Luật ATTP và các quy định (năm 2015 và năm 2019) với nội dung Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ quản lý thực phẩm nhập khẩu theo nguyên tắc nhất quán về giám sát ATTP là an toàn là trên hết, phòng ngừa trước, quản lý rủi ro, kiểm soát toàn bộ quy trình và đồng quản trị quốc tế, chủ trương xây dựng hệ thống giám sát ATTP xuất nhập khẩu khoa học, chặt chẽ hơn và theo chuỗi.
Hệ thống khung giám sát ATTP bao gồm Lệnh 249 (Biện pháp quản lý thực phẩm xuất nhập khẩu và quy định) và Lệnh 248 (Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu thực phẩm vào Trung Quốc).
Văn phòng SPS Việt Nam nhấn mạnh: Trung Quốc ngày càng hoàn thiện và liên tiếp thay đổi các quy chuẩn về dư lượng hóa chất thuốc trừ sâu và phụ gia thực phẩm. Điển hình như Quy chuẩn quốc gia về Giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm (GB 2763-2021) áp dụng kể từ ngày 3/9/2021. Quy chuẩn này quy định 10.092 mức giới hạn dư lượng tối đa đối với 564 loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục 376 thực phẩm, đây là yêu cầu hoàn thành mục tiêu đạt 10.000 mức giới hạn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật mà Quốc Vụ Viện Trung Quốc phê duyệt trong kế hoạch đẩy nhanh việc hoàn thiện hệ thống quy chuẩn chuẩn mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của Trung Quốc.
Về lĩnh vực kiểm địch động, thực vật, hàng loạt quy định như đánh giá rủi ro, kiểm tra trước ở nước ngoài (đăng ký doanh nghiệp), giám sát rủi ro (kiểm tra trực tuyến), kiểm tra tại cảng, cách ly và kiểm dịch, cảnh báo rủi ro và ứng phó khẩn cấp ngày càng hoàn thiện hơn.
Giai đoạn từ năm 2018 đến nay, Trung Quốc đã ngăn chặn hiệu quả sự du nhập và lây truyền của các dịch bệnh động, thực vật lớn, đảm bảo an toàn sinh học quốc gia và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thương mại xuất nhập khẩu nông sản của Trung Quốc.
Đặc biệt, khi Luật An toàn sinh học có hiệu lực sẽ cung cấp cơ sở pháp lý thống nhất, cấp cao hơn, kim chỉ nam cho việc triển khai sửa đổi bổ sung trong lĩnh vực kiểm dịch động thực vật. Hải quan Trung Quốc sẽ đi đầu trong việc cải tiến cách hệ thống cấp phép quốc gia, thiết lập các quy định tương ứng, quy chế cụ thể đầy đủ về trình tự thực hiện, phân công trách nhiệm và phạm vi sử dụng đối với cấp phép nhập khẩu vào Trung Quốc.
Luật An toàn sinh học cũng sẽ quy định về thể chế chỉ định cảng khẩu cụ thể như "Nhân viên, phương tiện vận chuyển, hàng hóa, vật phẩm,… được đánh giá là có rủi ro cao về an toàn sinh học sẽ nhập cảnh vào quốc gia thông qua các cảng biên giới được chỉ định và áp dụng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát rủi ro nghiêm ngặt".
Theo đó, Hải quan Trung Quốc sẽ quy định cụ thể từ đối tượng đến thủ tục để hoàn thiện hơn nữa hệ thống cấp phép quốc gia. Tính đến nay, đã có 178 quốc gia (khu vực) đạt được sự thống nhất trong kiểm dịch đối với 1.507 sản phẩm nông nghiệp vào Trung Quốc.
Về biện pháp phòng ngừa khẩn cấp, theo Văn phòng SPS Việt Nam, năm 2020, Trung Quốc có 51 thông báo tới WTO (số lượng thông báo tăng 54,5% so với 2019), trong đó, nhiều nhất vẫn là các biện pháp kỹ thuật liên quan đến lĩnh vực ATTP với 45 thông báo, và 01 thông báo về bổ sung một số loài gây hại thực vật, 01 thông báo khẩn về bảo hộ con người khỏi các loài động, thực vật gây hại khác (COVID-19), 04 biện pháp về quản lý giám sát xuất nhập khẩu.
Thực tế cho thấy, các biện pháp thông báo phòng ngừa dịch COVID-19 của Trung Quốc đối với các sản phẩm nhập khẩu có tác động không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu của các đối tác thương mại khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Cụ thể, Trung Quốc áp dụng một số các biện pháp nghiêm ngặt ngăn chặn sự lây truyền của COVID-19 như yêu cầu khử trùng khi thực hiện nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm đông lạnh, thực phẩm bảo quản lạnh.
Từ những quy định của thị trường Trung Quốc, Văn phòng SPS Việt Nam khuyến nghị các cơ quan chức năng, nhà sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần thay đổi nhận thức về xu thế sử dụng sản phẩm nông sản an toàn, có nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng các quy định từ thị trường Trung Quốc.
Đối với nhà sản xuất và doanh nghiệp, cần nắm chắc và chấp hành nghiêm các quy định, hướng dẫn liên quan đến ATTP, an toàn dịch bệnh, quy định về truy suất nguồn gốc, mã số vùng trồng, bao bì/nhãn mác…; cập nhật và hiểu đúng các quy định của thị trường Trung Quốc để tổ chức sản xuất cho phù hợp.