Căng thẳng giữa Hồng Kông - Đài Loan đe dọa đến hoạt động kinh doanh xuyên eo biển

15:37 | 14/06/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mối quan hệ giữa Hồng Kông và Đài Loan sụp đổ khi căng thẳng chính trị gia tăng, ảnh hưởng đến mối quan hệ thương mại quan trọng đã tồn tại lâu năm.

Hoạt động văn phòng đại diện chính thức giữa Hồng Kông và Đài Loan sẽ kết thúc trong năm nay, căng thẳng chính trị gia tăng đã đe dọa làm sụp đổ một mối quan hệ đầu tư quan trọng nhất trong khu vực.

Số lượng nhân viên trong văn phòng đại diện của Đài Loan tại Hồng Kông đã giảm trong 2 năm qua do bị ngừng cấp thị thực, và các giấy tờ của những nhân viên còn lại sẽ hết hạn vào cuối tháng 11.

Hai tuần trước, Hồng Kông cũng đột ngột đình chỉ hoạt động của văn phòng đại diện tại Đài Bắc, chấm dứt sự hiện diện chính thức của mình tại đây. Hai quan chức cấp cao của Đài Bắc cho biết, tình trạng bế tắc đã trở nên nghiêm trọng đến mức Đài Bắc đã bắt đầu lập các kế hoạch dự phòng cho tình huống không có đại diện tại chỗ ở Hồng Kông.

Rạn nứt trong quan hệ xảy ra sau khi căng thẳng quân sự gia tăng giữa Đài Loan và Trung Quốc, và cuộc đàn áp đối với các nhóm ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông đã khiến một số nhà hoạt động trên lãnh thổ này tìm cách tị nạn ở Đài Bắc.

Căng thẳng giữa Hồng Kông - Đài Loan đe dọa đến hoạt động kinh doanh xuyên eo biển - ảnh 1

Một người biểu tình Hồng Kông tại Đài Bắc. Ảnh: FT.

Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và đe dọa sẽ sáp nhập nếu hòn đảo này không phục tùng quyền kiểm soát của mình vô thời hạn.

Các nhà phân tích cho rằng việc cắt giảm các kênh chính thức sẽ làm suy yếu vai trò truyền thống của Hồng Kông như một đường dẫn cho các giao dịch kinh doanh và tài chính giữa Đài Loan và Trung Quốc.

Bất chấp tranh chấp với Bắc Kinh về chủ quyền, các công ty Đài Loan là một trong những nhà đầu tư, người sử dụng lao động và nhà xuất khẩu nước ngoài lớn nhất ở Trung Quốc đại lục.

Một phần đáng kể dòng chảy thương mại qua eo biển Đài Loan đi qua Hồng Kông và nhiều nhà đầu tư Đài Loan tại Trung Quốc cũng sử dụng Hồng Kông cho các mục đích tài chính, thuế và pháp lý.

Năm ngoái, Đài Loan là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Hồng Kông, trong khi Hồng Kông là đối tác lớn thứ 5 của Đài Loan, với tổng kim ngạch thương mại song phương là 65 tỷ USD. Các công ty Đài Loan đã đầu tư 912 triệu USD vào Hồng Kông vào năm 2020, trong khi các công ty đăng ký ở Hồng Kông đầu tư 555 triệu USD vào Đài Loan.

Giám đốc bộ phận nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung Hoa - tổ chức nghiên cứu do Đài Loan hậu thuẫn, ông Lưu Mạnh Tuấn cho biết: “Hồng Kông đã là bàn đạp cho các công ty Đài Loan vào đại lục và nó cũng là phương tiện cho các công ty Trung Quốc vào Đài Loan".

Căng thẳng giữa Hồng Kông và Đài Bắc đã leo thang trong 2 năm qua sau khi lãnh thổ này bắt đầu yêu cầu các nhà ngoại giao Đài Loan ký các văn bản tuyên bố đất nước của họ là một phần của Trung Quốc như một điều kiện tiên quyết để được cấp thị thực.

Căng thẳng giữa Hồng Kông - Đài Loan đe dọa đến hoạt động kinh doanh xuyên eo biển - ảnh 2

Theo giáo sư kinh tế Tống Ân Vinh thì Bắc Kinh có quan điểm rằng văn phòng đại diện của Đài Loan có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Ảnh: LINEToday.

Theo Hội đồng Các vấn đề Đại lục - cơ quan về chính sách Trung Quốc cấp nội các của Đài Loan, sau khi Đài Bắc từ chối, số lượng nhân viên tại văn phòng của họ ở Hồng Kông bắt đầu giảm dần, từ 20 xuống còn 8 người.

Trong khi đó, Hồng Kông cho biết họ đang tạm thời đóng cửa văn phòng ở Đài Bắc vì “một loạt các hành động của Đài Loan trong những năm gần đây đã làm tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ Hồng Kông-Đài Loan”.

Theo giáo sư kinh tế Tống Ân Vinh thuộc Đại học Hồng Kông, người đồng thời là thành viên của Hiệp hội Nghiên cứu Hồng Kông và Macao - một tổ chức tư vấn bán chính thức tại Bắc Kinh, thì Bắc Kinh có quan điểm rằng văn phòng đại diện của Đài Loan có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Ông Tống Ân Vinh nói: “Đã có những báo cáo cho rằng Đài Loan đang khuyến khích phong trào biểu tình ở Hồng Kông, phong trào này đã trở nên bạo lực, vì vậy phong trào biểu tình không chỉ chống lại chính quyền Hồng Kông mà còn chống lại cả Bắc Kinh". Ông nói thêm, Trung Quốc cũng lo ngại Đài Loan đang “che chở” cho những người biểu tình ở Hồng Kông.

Trong khi Đài Bắc đã cẩn thận để tránh bị coi là quá dễ dàng để những người bất đồng chính kiến ​​ở Hồng Kông chạy sang Đài Loan, các nhóm xã hội dân sự ở nước này đã hỗ trợ phong trào biểu tình bằng cố vấn, tiền bạc và hậu cần. Một quan chức cấp cao về chính sách Trung Quốc của Đài Loan cho biết: “Đây là điều chúng tôi không thể can thiệp vì họ không làm gì bất hợp pháp".

Về mặt lịch sử, vai trò kinh tế quan trọng nhất của Hồng Kông trong thương mại Đài Loan-Trung Quốc, là trung tâm vận chuyển đường biển và đường hàng không, để các công ty Đài Loan cung cấp linh kiện cho các nhà máy của họ ở miền nam Trung Quốc.

Trong khi các nhà phân tích cho rằng phần lớn những hoạt động thương mại này có thể tiếp tục ngay cả khi quan hệ chính thức giữa Đài Loan và Hồng Kông bị cắt đứt, họ đã thấy trước tác động đáng kể đến các dịch vụ tài chính, du lịch và giáo dục.

Patrick Chen, trưởng bộ phận nghiên cứu Đài Loan tại công ty môi giới CLSA cho biết: “Hồng Kông đóng một vai trò rất quan trọng đối với việc quản lý tài sản tư nhân của Đài Loan".

Ông cho biết nhiều cá nhân Đài Loan có tài khoản ở Hồng Kông, nơi các chi nhánh địa phương của các ngân hàng Đài Loan cung cấp cho họ các sản phẩm đầu tư ra nước ngoài. Những sản phẩm này không có tại Đài Loan do các quy định chặt chẽ của Đài Bắc.

Ông Lưu Mạnh Tuấn nói rằng nhiều doanh nghiệp Đài Loan giữ lợi nhuận từ các hoạt động tại Trung Quốc của họ tại các chi nhánh ở Hồng Kông vì mục đích tránh thuế: “Những mục đích trên sẽ trở nên nặng nề hơn rất nhiều nếu không có văn phòng đại diện chính thức vì bạn sẽ phải bắt đầu gửi tài liệu qua lại giữa 2 bên để công chứng".

Tiệp Nguyễn