Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung ‘leo thang’: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt
Theo chuyên gia Jake Parker của Hội động Kinh doanh Mỹ-Trung Quốc, các biện pháp tăng thuế của Trung Quốc sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ ở Trung Quốc song cũng làm suy giảm hơn nữa niềm tin của các doanh nghiệp nước ngoài.
Còn chuyên cao kỳ cựu Jacob Funk Kirkegaard của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) cảnh báo, nếu Trung Quốc thực hiện biện pháp này thì cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc sẽ “leo thang” và có thể dẫn tới những hệ quả nghiêm trọng.
Đầu tư vào Mỹ là quyết định tốt cho các doanh nghiệp Việt
Phát biểu với giới báo chí tại Nhà Trắng ngày 14/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng người tiêu dùng Mỹ có thể mua hàng hóa của Việt Nam và nhiều nước khác không bị áp thuế trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang.
Tổng thống Trump cho biết ông đã áp thuế 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc và đang cân nhắc tăng thuế đối với 325 tỷ USD hàng hóa khác của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ.
"Thời kỳ phải mua hàng hóa của Trung Quốc sẽ không còn nữa" và nếu "họ không muốn trả thuế," Mỹ có thể mua hàng hóa từ một nước không bị áp thuế, như Việt Nam và nhiều nước khác, ông Trump tuyên bố.
Nếu Mỹ áp thuế lên danh sách này, thì hầu như toàn bộ hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đều bị đánh thuế trừng phạt và trở nên đắt đỏ và đây sẽ là cơ hội cho nhiều nước trên thế giới, nhất là những nước có thế mạnh trong các lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp.
Động thái tích cực tiếp theo cho doanh nghiệp Việt là Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Daniel J. Kritenbrink vừa nhận định đầu tư vào Mỹ là một trong các quyết định tốt nhất mà công ty Việt Nam nên cân nhắc.
Theo Đài tiếng nói Hoa Kỳ, giới chức kinh tế Mỹ đã tổ chức nhiều sự kiện trong năm qua tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để vận động các doanh nghiệp Việt đầu tư vào Mỹ.
Đài tiếng nói Hòa Kỳ nêu quan điểm của Việt Nam cho rằng sẽ là một thành tựu lớn nếu các công ty trong nước vươn lên đến một tầm cao mới - tức là không chỉ đơn thuần gửi hàng hoá ra nước ngoài mà thành lập các văn phòng đại diện hoạt động ở nước ngoài. Trong đó, FPT và Viettel là 2 ví dụ điển hình.
Đài này cho rằng bằng cách vươn ra nước ngoài, các công ty Việt Nam hy vọng không chỉ tăng cường sức mạnh cho nền kinh tế đất nước trước các căng thẳng thương mại ở bên ngoài mà còn giúp xây dựng thương hiệu quốc gia trên toàn thế giới.
Trước đó, một số tờ báo tại châu Á cho rằng những hàng rào thuế quan do ông Trump dựng lên không có lợi cho Mỹ, cũng chẳng có lợi cho Trung Quốc nhưng có thể mang lại lợi ích cho các quốc gia mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Các thương hiệu lớn như Adidas, Nike, Brooks Running, Apple,... nhắm tới Việt Nam bởi bên cạnh lợi thế về các Hiệp định tự do thương mại (FTA) dày đặc, Việt Nam đang cung cấp lao động có giá và kỹ năng vô cùng cạnh tranh, trong khi sản xuất tại Trung Quốc ngày càng đắt đỏ.