IPO tại Mỹ: Tham vọng "mang chuông đi đánh xứ người" của nhiều doanh nghiệp Việt

Nguyễn Thị Thùy Dung 11:10 | 09/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
VNG, Tiki, The CrownX, Thaispace, Loship... và mới đây nhất là VinFast là những doanh nghiệp Việt tham vọng IPO trên sàn chứng khoán quốc tế trong lộ trình vươn ra toàn cầu.

Tờ Reuters hôm 7/4 đưa tin nhà sản xuất ô tô VinFast trực thuộc Tập đoàn Vingroup đã nộp đơn đăng ký phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ.

Theo đó, công ty mẹ của VinFast có trụ sở ở Singapore đã nộp hồ sơ IPO tại Mỹ và đặt mục tiêu huy động khoảng 2 tỷ USD từ thị trường vốn lớn nhất hành tinh. Dự kiến số tiền VinFast huy động được qua IPO sẽ dùng cho kế hoạch xây dựng tổ hợp nhà máy tại Mỹ trị giá khoảng 4 tỷ USD.

Không riêng VinFast, IPO tại sàn chứng khoán quốc tế là con đường mà nhiều doanh nghiệp khác đang tìm cách thực hiện nhằm thu hút nguồn vốn lớn, chất lượng cao cũng như khẳng định vị thế, triển vọng doanh nghiệp. Hàng loạt doanh nghiệp lớn Việt Nam đã từng “đánh tiếng” IPO tại sàn thế giới (chủ yếu là Mỹ), trong đó có cả những kỳ lân công nghệ.

Thaispace

Tháng 12/2021, Thaiholdings, thành viên tập đoàn Thaigroup của doanh nhân Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) gây chú ý với dự định IPO trên sàn chứng khoán Mỹ ngay trong năm 2022 để huy động vốn cho tham vọng đầu tư Cảng Vũ trụ du lịch quy mô 30.000 tỷ đồng tại Phú Quốc. 

Ngày 29/12, HĐQT Thaiholdings đã thông qua việc góp vốn thành lập Công ty cổ phần Thaispace để thúc đẩy dự án tham vọng này. Tổng vốn điều lệ dự kiến của Thaispace là 26.688 tỷ đồng. Trong đó, giá trị góp vốn dự kiến của Thaiholdings là 1.334,4 tỷ đồng, tương ứng với 5% tổng mức vốn điều lệ. Thaispace dự kiến huy động vốn từ thị trường Mỹ với kế hoạch IPO trong năm 2022 nếu đủ điều kiện. 

The CrownX

The CrownX, công ty con nắm giữ trực tiếp hai mảng kinh doanh có doanh thu lớn nhất của Masan là Masan Consumer Holdings (sản xuất hàng tiêu dùng) và WinCommerce (sở hữu chuỗi siêu thị Winmart và cửa hàng tiện lợi Winmart+) cũng đang đặt tham vọng IPO trên sàn chứng khoán quốc tế vào năm 2023-2024.

Được thành lập với chiến lược dài hơn là lọt TOP 50 nhà bán lẻ hàng đầu thế giới, The CrownX của Masan đã huy động được gần 1,5 tỷ USD từ các nhà đầu tư nước ngoài chỉ trong năm 2021. Sau thương vụ đầu tư của TPG, ADIA và SeaTown vào tháng 12/2021, The CrownX được đính giá lên tới 8,2 tỷ USD cho 100% vốn chủ sở hữu, tương đương mức giá 105 USD cho mỗi cổ phần. 

Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan Danny Le khẳng định mục tiêu IPO The CrownX trên sàn chứng khoán quốc tế vào năm 2023 – 2024 với 3 KPI chủ chốt: Tăng thị phần trong chi tiêu tiêu dùng bằng cách mở rộng hệ thống; Số hóa toàn bộ nền tảng để trở thành công ty tiêu dùng công nghệ; Đạt biên lợi nhuận hai chữ số.

IPO trên sàn quốc tế cũng là một phần trong thỏa thuận đã được Masan cam kết với nhóm các nhà đầu tư Alibaba và Baring Private Equity Asia đầu năm 2021, rằng sẽ nỗ lực tối đa để IPO CrownX trước ngày 11/6/2026.

VNG

Năm 2017, VNG từng có kế hoạch niêm yết trên sàn Nasdaq của Mỹ nhưng bị trì hoãn 

Hồi tháng 8/2021, tờ Bloomberg đưa tin ông lớn công nghệ Việt Nam VNG (Vinagame) đang xem xét thương vụ SPAC (sáp nhập với một công ty séc trắng - công ty mua lại có mục đích đặc biệt của Mỹ) với mức định giá khoảng 2-3 tỷ USD để IPO ở Mỹ.

Theo Bloomberg, ở thời điểm đó, VNG đang làm việc với các cố vấn tài chính để thảo luận về phương án SPAC dù không loại trừ khả năng vẫn IPO theo cách truyền thống.

VNG được thành lập vào năm 2004 với tư cách nhà phát hành và phát triển trò chơi trực tuyến có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh. Năm 2014, VNG được bình chọn là kỳ lân công nghệ đầu tiên của Việt Nam, theo World Startup Report. Vào tháng 3/2019, mức định giá của VNG được nâng lên tới 2,2 tỷ USD sau khoản đầu tư lớn của Temasek (Singapore).

Năm 2017, VNG từng có kế hoạch niêm yết trên sàn Nasdaq của Mỹ nhưng bị trì hoãn. Tờ DealStreetAsia cho hay các trở ngại liên quan đến quy định pháp lý là nguyên nhân chính dẫn đến sự trì hoãn này.

Loship

Tháng 8/2021, tờ Nikkei Asia dẫn lời CEO Loship Nguyễn Hoàng Trung cho biết công ty khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam có tham vọng niêm yết trên sàn chứng khoán New York vào năm 2024. 

Phần lớn hoạt động kinh doanh của Loship hiện tập trung vào mảng giao hàng tạp hóa và giao đồ ăn. Ứng dụng này cũng cung cấp dịch vụ vận chuyển hoa tươi, thuốc và các mặt hàng có tỷ suất lợi nhuận cao khác từ kho đến thẳng người mua hàng. Loship được định giá lên tới 100 triệu USD sau vòng huy động vốn re-series C hồi giữa tháng 8/2021 nhờ sự quan tâm và rót vốn của hàng loạt nhà đầu tư tiếng tăm như BAce Capital và Sun Hung Kai & Co, một công ty đã niêm yết tại Hong Kong.

Mặc dù vấp phải sự cạnh tranh gay gắt ngay tại thị trường trong nước với hàng chục đối thủ đầy tiềm lực, từ Ahamove do Temasek hậu thuẫn đến những gã khổng lồ giao hàng công nghệ như Grab hay Gojek, Loship vẫn tự tin sẽ thành công trong cuộc chiến khốc liệt này, khi dịch COVID-19 thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân. Quỹ BAce Capital gợi ý Loship nên bổ sung vào nền tảng các ứng dụng game online, mua sắm… nhằm giữ chân người dùng, tương tự như việc sàn thương mại điện tử Pinduoduo. 

Tiki

Startup thương mại điện tử Việt Nam Tiki cũng bày tỏ tham vọng IPO tại Mỹ với thời gian dự định vào năm 2025, thậm chí sớm hơn nếu IPO qua hình thức SPAC (sáp nhập với công ty séc trắng). 

Tháng 11/2021, Tiki đã huy động được 258 triệu USD trong vòng gọi vốn do công ty bảo hiểm AIA dẫn đầu. Theo CEO Tiki Trần Ngọc Thái Sơn, vòng gọi vốn series E này đã đưa định giá của công ty lên mức gần 1 tỷ USD. Được thành lập năm 2010 với lĩnh vực hoạt động ban đầu là nền tảng giao sách, Tiki có khoảng 2,2 triệu lượt khách hàng truy cập hàng tháng vào nền tảng tính đến trước vòng gọi vốn.

 

SPAC là các công ty vỏ bọc, hoạt động nhằm sáp nhập với một doanh nghiệp khởi nghiệp đang hoạt động với mục tiêu niêm yết trên sàn giao dịch để huy động vốn thông qua các thương vụ IPO.

Từ năm 2020 đến nay là thời điểm làn sóng SPAC nở rộ trên thị trường chứng khoán toàn cầu.