Cảnh báo: Cuộc điện thoại lạ khiến người phụ nữ mất 13 tỷ đồng
Những mánh khóe điện thoại giả danh từ người thân cho tới cơ quan chức năng đang có dấu hiệu bùng phát mạnh mẽ, gây nên nhiều vụ đánh cắp tài sản có trị giá hàng tỷ đồng.
Vô vàn thủ đoạn giả danh
Vào tháng 6 vừa qua, bà P.T.Y (38 tuổi, ngụ tại Lâm Đồng) bỗng nhiên nhận được một cú điện thoại của một nhóm người nào đó dọa rằng bà liên quan tới một đường dây tội phạm buôn ma túy và rửa tiền.
Quá lo sợ vì điều này, bà Y. đã ngay lập tức làm theo yêu cầu của nhóm trên mà ra ngân hàng chuyển 126 triệu đồng cho một tài khoản lạ. Sau khi về nhà, vì nghi ngờ mình bị lừa nên bà đã quay lại ngân hàng để yêu cầu chặn giao dịch. Tuy nhiên, lúc này số tiền đã được giao dịch thành công.
Tuy nhiên, nếu so sánh về mức độ thiệt hại và cách thức bị lừa, bà Y vẫn còn kém xa trường hợp của chị H.
Hiện trạng các cuộc gọi giả danh đòi tiền ngày càng phổ biến hiện nay
Theo An ninh thủ đô, cũng từ một cú điện thoại giả danh từ số lạ, một người tự xưng nhân viên cấp cao của một cơ quan tư pháp đang tiến hành một vụ án hết sức nghiêm trọng. Trong vụ án này, chị H. cũng được thông báo liên quan và phải chuyển ngay một số tiền lớn để bảo vệ sự vô can của mình.
Chị H. nhanh chóng làm theo yêu cầu của đối tượng, ra ngân hàng lập 2 tài khoản rồi chuyển lần lượt 13 tỷ đồng vào các tài khoản mới. Sau đó, chị còn cung cấp mã OTP để đối tượng phong tỏa tài khoản này. Đến lúc chị H. nhận ra mình bị lừa thì đã quá muộn.
Cần cảnh giác với những cuộc gọi giả danh
Chia sẻ với An ninh thủ đô, Trung tá Tống Đăng Công, Đội trưởng Đội CSHS, CAQ Hoàn Kiếm cho biết: Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ thông tin, bùng nổ các trang mạng xã hội, nhiều đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã sử dụng các hình thức điện thoại giả danh để gây án.
Bên cạnh đó, sự bùng phát của đại dịch COVID-19 khiến nhiều đối tượng trở nên manh động sử dụng nhiều cách thức vô cùng tinh vi. Còn người dân lại lơ để thiếu sự chú ý tới các biện pháp phòng vệ.
Thủ đoạn thường thấy của chúng là gọi điện thông báo cho bị hại nợ cước điện thoại hoặc nợ ngân hàng, sau đó kết nối với những đối tượng mạo danh là cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa ản thông báo bị hại có liên quan đến những vụ án về ma túy, lừa đảo, rửa tiền. Tiếp theo, chúng yêu cầu người bị hại chuyển tiền vào tài khoản đối tượng cho hoặc yêu cầu cung cấp mã OTP tài khoản của để phong tỏa, kiểm tra, xác minh nếu không liên quan thì trả lại.
Người dân cần bình tĩnh khi gặp các cuộc điện thoại giả danh
Để phòng tránh trường hợp rơi vào tình cảnh này, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phảm sử dụng công nghệ cao (A05) khuyến cáo người dân hết sức bình tĩnh khi nhận các cuộc gọi lạ. Sau khi nhận các cuộc điện thoại trên, người dân phải tới cơ quan chức năng gần nhất để tìm cách giải quyết.
Anh Quân