Cảnh báo nguy cơ nhiều sản phẩm bị kiện phòng vệ thương mại

13:00 | 17/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu không chỉ giúp doanh nghiệp hạn chế được những vụ kiện phòng vệ thương mại mà còn giúp doanh nghiệp, ngành hàng mở rộng thị trường xuất khẩu và quy mô sản xuất.

Phòng vệ thương mại là biện pháp mà một nước sử dụng để tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hoá nhập khẩu với hàng hoá sản xuất trong nước thông qua hạn chế nhập khẩu đối với một hoặc một số loại hàng hoá nhập khẩu bị bán phá giá, được trợ cấp tăng nhanh đột biến, gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước.

Theo danh sách cảnh báo sớm của Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, hiện có nhiều mặt hàng, sản phẩm Việt Nam xuất khẩu tiếp tục có nguy cơ bị nhiều thị trường nước ngoài, đặc biệt là Hoa Kỳ, Ấn Độ… áp dụng biện pháp chống lẩn tránh, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hoặc biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM)

Cần chủ động ứng phó với các vụ kiện PVTM

Theo thông báo mới nhất từ Cục PVTM, từ tháng 1-5/2021, danh sách theo dõi bao gồm 10 mặt hàng được xác định có nguy cơ bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hoặc biện pháp PVTM bao gồm các mặt hàng: gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, tủ gỗ, ghế sofa có khung gỗ, đá nhân tạo, gạch men, xe đạp điện, ống đồng, vỏ bình ga, ghim đóng thùng, gỗ thanh và viền dải gỗ được tạo dáng liên tục. Trong đó, có nhiều sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đang đối diện có nguy cơ kiện chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp (CTC).

Tháng 10 năm 2019, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ thông báo chính thức điều tra trốn thuế PVTM đối với một số công ty Hoa Kỳ nhập khẩu gỗ dán từ Việt Nam. Tháng 6 năm 2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế PVTM đối với toàn bộ sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam. Tháng 10 năm 2020, Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã thông báo khởi xướng điều tra về tình hình nhập khẩu và sử dụng gỗ nguyên liệu được khai thác và buôn bán bất hợp pháp tại Việt Nam. Các vụ việc điều tra của Hoa Kỳ đều chưa có kết luận cuối cùng.

Đối với tủ gỗ, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng mạnh từ 913 triệu USD năm 2018 lên 1,37 tỷ USD năm 2019 (tăng 50%). Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 6 năm 2020 đến tháng 5 năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng 73% so với cùng kỳ năm trước lên gần 2,8 tỷ USD. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ đã tăng từ 20,8% năm 2019 lên 34% trong giai đoạn tháng 6 năm 2020 đến tháng 5 năm 2021.

Theo dự báo của Cục PVTM, bên cạnh cuộc điều tra đang diễn ra, tồn tại khả năng cao Hoa Kỳ có thể khởi xướng các cuộc điều tra khác về PVTM hoặc lẩn tránh thuế đối với mặt hàng tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam.

Cảnh báo nguy cơ nhiều sản phẩm bị kiện phòng vệ thương mại - ảnh 1

Gỗ xuất khẩu sang Mỹ nhiều nhưng không bền vững

Riêng ống đồng, kim ngạch nhập khẩu sản phẩm này của Hoa Kỳ từ Việt Nam đã tăng từ 38 triệu USD năm 2015 lên 146 triệu USD năm 2019. Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 6 năm 2020 đến tháng 5 năm 2021, kim ngạch của Việt Nam đạt 127,3 triệu USD, giảm 21,9% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ cũng giảm còn 20,9% trong giai đoạn tháng 6 năm 2020 đến tháng 5 năm 2021.

Ngày 20 tháng 7 năm 2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra CBPG đối với ống đồng nhập khẩu từ Việt Nam. Ngày 27 tháng 6 năm 2021, Hoa Kỳ đã công bố kết luận cuối cùng về phá giá, theo đó DOC xác định ống đồng nhập khẩu từ Việt Nam bán phá giá tại Hoa Kỳ với biên độ 8,35%. Trên cơ sở kết luận của DOC, Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ dự kiến sẽ công bố kết luận cuối cùng về thiệt hại trong tháng 8 năm 2021.

Mặc dù có khả năng cao mặt hàng ống đồng sẽ bị áp dụng mức thuế CBPG giá là 8,35% nhưng theo đánh giá của Cục PVTM mức thuế này vẫn thấp hơn đáng kể so với mức thuế CBPG mà Hoa Kỳ áp dụng đối với ống đồng nhập khẩu từ Trung Quốc (đa số các công ty Trung Quốc bị áp dụng mức thuế 36,05% hoặc 60,85%). Do vậy, vẫn tồn tại nguy cơ lẩn tránh thuế đối với mặt hàng ống đồng.

Ấn Độ gia tăng phòng vệ thương mại

Bên cạch Hoa Kỳ thì Ấn Độ hiện là một trong những quốc gia, gia tăng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam. Theo khuyến cáo, nếu bị áp thuế phòng vệ thương mại hàng xuất khẩu Việt Nam sẽ suy giảm lợi thế cạnh tranh, mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu Ấn Độ vào tay các đối thủ cạnh tranh là Ấn Độ hoặc các quốc gia khác.

Theo Cục Phòng vệ thương mại (PVTM), Bộ Công Thương, đến nay, các sản phẩm của Việt Nam bị điều tra PVTM khá đa dạng, tập trung nhiều ở các sản phẩm kim loại (thép, nhôm); nông, thủy sản (tôm, cá tra) và sợi. Đặc biệt, thị trường khởi xướng điều tra, áp dụng biện pháp PVTM với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đứng đầu là Mỹ, tiếp theo là Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, EU, Canada, Úc và các nước ASEAN, còn lại là một số thị trường khác.

Trong đó, gần đây nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đang bị Ấn Độ tăng cường siết chặt PVTM để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước hàng hóa nhập khẩu. Theo thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tới nay, Ấn Độ đã điều tra tổng cộng 2.006 trên tổng số 7.133 vụ việc - là quốc gia đứng đầu thế giới về số lượng các vụ việc PVTM. Trong đó, Ấn Độ đã tiến hành điều tra gần 30 vụ việc đối với hàng xuất khẩu từ Việt Nam. Các mặt hàng bị điều tra thuộc nhiều nhóm ngành hàng khác nhau như ván gỗ, sợi, thép, đồng, pin năng lượng mặt trời.

Hiện, Ấn Độ là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều trên 10 tỷ USD. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đã tăng hơn 2 lần trong giai đoạn 2015-2020, từ 2,4 tỷ USD năm 2015 lên 5,2 tỷ USD năm 2020. 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 2,2 tỷ USD, tăng 38,4% so với cùng kỳ năm trước.

Cảnh báo nguy cơ nhiều sản phẩm bị kiện phòng vệ thương mại - ảnh 2

Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ - một trong những mặt hàng tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ

Việc Ấn Độ gia tăng điều tra PVTM đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, theo ông Lê Triệu Dũng – Cục trưởng cục PVTM, do kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng rất nhanh khiến một số mặt hàng xuất khẩu của ta tạo sức ép cạnh tranh đáng kể tại thị trường Ấn Độ dẫn đến nguy cơ cao hơn phải đối diện với các vụ việc điều tra PVTM. Mặt khác, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 cũng có thể gây khó khăn thêm cho nhiều ngành sản xuất, vì thế buộc các ngành sản xuất Ấn Độ phải đề nghị chính phủ tăng cường các biện pháp để bảo vệ sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, ông Lê Triệu Dũng - cho rằng, các mặt hàng có tăng trưởng xuất khẩu nhanh, dù kim ngạch lớn hay nhỏ có thể trở thành mục tiêu bị điều tra PVTM nếu ngành sản xuất nội địa của Ấn Độ cho rằng hàng nhập khẩu gây thiệt hại nghiêm trọng cho họ. Ngoài ra, các doanh nghiệp đã thoát khỏi một vụ việc PVTM cũng có thể trở thành mục tiêu của một cuộc điều tra mới nhằm đảm bảo hiệu quả của các biện pháp trước đây. Vì vậy, các sản phẩm đã bị điều tra, áp dụng một trong các biện pháp PVTM vẫn có thể tiếp tục bị điều tra áp dụng các biện pháp PVTM khác.

Chủ động ứng phó và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu

Cục PVTM - cho biết, hiện nay Hoa Kỳ là quốc gia điều tra và áp dụng biện pháp PVTM nhiều nhất với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tính đến năm 2020, đã có 41 vụ việc bao gồm 21 vụ điều tra CBPG, 8 vụ điều tra CTC, 10 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế PVTM và 2 vụ điều tra tự vệ. Tiếng riêng năm 2020, Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra 8 vụ việc PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, cao nhất từ trước tới nay, tăng gần 3 lần so với năm 2019.

Các mặt hàng bị Hoa Kỳ điều tra tương đối đa dạng, bên cạnh các mặt hàng vẫn đang bị áp dụng biện pháp PVTM như cá tra-basa, tôm nước ấm, các sản phẩm thép. Hoa Kỳ cũng điều tra một số sản phẩm mới như máy cắt cỏ, lốp xe, đệm mút.

Năm 2020 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt hơn 77 tỷ USD, chiếm 27,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong đó kim ngạch bị ảnh hưởng bởi các vụ kiện PVTM khởi xướng mới hoặc rà soát năm 2020 khoảng 1,39 tỷ USD.

Theo đại diện Cục PVTM, hiện nay một số thị trường áp thuế CBPG và CTC rất cao cho doanh nghiệp do doanh nghiệp không hợp tác cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra, như Hoa Kỳ áp thuế CBPG đối với sản phẩm đệm mút, máy cắt cỏ của Việt Nam. Vì vậy, Cục PVTM - khuyến nghị, trong trường hợp doanh nghiệp mới thành lập có nhu cầu xuát khẩu các mặt hàng này sang các thị trường xuất khẩu đã bị áp thuế PVTM thì cần đề nghị nước xuất khẩu rà soát nhà xuất khẩu mới để được tính mức thuế riêng. Ngoài ra, doanh nghiệp cần được hỗ trợ có thể liên hệ với Cục PVTM để được tư vấn, hỗ trợ úng phó với các vụ điều tra kịp thời.

Cục PVTM cho biết thêm, hiện nhiều nước, trong đó có Hoa Kỳ đang thay đổi phương pháp tiếp cận, có xu hướng tự khởi xướng, điều tra tình hình thị trường đặc biệt, hay giảm thiểu thời gian điều tra để nhanh chóng áp dụng biện pháp PVTM. Trước vấn đề này, ngoài ứng phó với các vụ việc khởi xướng mới, Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi, xử lý nhiều vụ rà soát các sản phẩm đã bị áp dụng thuế trước đây và chuẩn bị cho các vụ việc có nguy cơ bị điều tra trong tương lai gần.

Bên cạnh Hoa Kỳ thì việc sản sản phẩm Việt nam bị các thị trường xuất khẩu siết chặt PVTM, trong đó có Án Độ đang tạo ra những thách thức đáng kể cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; làm kìm hãm gia tăng xuất khẩu hàng hóa. Mặt khác, việc theo đuổi các vụ kiện thương mại trong thời gian dài làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định trong sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam. Về lâu dài, doanh nghiệp khó có thể đưa ra một chiến lược xuất khẩu dài hạn. Ngay khi vụ việc PVTM được khởi xướng, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã phải đối mặt với việc đảo lộn và thay đổi kế hoạch kinh doanh, đầu tư sản xuất, chiến lược mặt hàng để đáp ứng với những thay đổi mới của thị trường xuất khẩu.

Khó khăn hơn khi xu thế bảo hộ đang gia tăng, một số nước có xu hướng thay đổi các thông lệ điều tra như tự khởi xướng điều tra, thay đổi phương pháp tính toán, thay đổi quy trình điều tra để bảo hộ ở mức cao cho các ngành sản xuất trong nước, dẫn tới nhiều diễn biến khó lường. Đối với hàng hóa đã bị áp dụng thuế chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp, thành viên áp dụng biện pháp có thể sẽ theo dõi xu hướng dịch chuyển sản xuất và thương mại sang các nước lân cận để ngăn chặn các hành vi lẩn tránh.

Vì vậy, đại diện Cục PVTM khuyến cáo, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý theo dõi biến động về giá và lượng xuất khẩu của mặt hàng mà xuất khẩu sang Ấn Độ để có đánh giá kịp thời. Những mặt hàng có giá xuất khẩu cạnh tranh, lượng xuất khẩu tăng nhanh sẽ có nguy cơ bị điều tra PVTM cao hơn. Doanh nghiệp cũng có thể thông qua đối tác nhập khẩu của mình tại Ấn Độ để nắm tình hình và dự báo trước khả năng bị điều tra PVTM Để chủ động ứng phó với các vụ việc PVTM từ thị trường xuất khẩu, trong đó có Ấn Độ.

Cảnh báo nguy cơ nhiều sản phẩm bị kiện phòng vệ thương mại - ảnh 3

Ống đồng Việt Nam đối mặt với cáo buộc bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ

Hiện Bộ Công Thương đang triển khai cung cấp trong danh sách cảnh báo sản phẩm có nguy cơ bị điều tra PVTM, điều tra lẩn tránh thuế đăng tải định kỳ hàng quý trên trang thông tin điện tử để doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt hơn khi xây dựng các phương án sản xuất, kinh doanh của mình. Đồng thời, Cục PVTM luôn chủ động hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời cho doanh nghiệp ứng phó các vụ kiện PVTM từ nước ngoài.

Theo ý kiến của một số chuyên gia kinh tế hàng đầu hiện nay thì các chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu đang ngày càng được mở rộng và liên kết nhiều quốc gia với nhau tác động đến các biện pháp PVTM. Vì thế, các vụ kiện về PVTM phát sinh những xu hướng mới như kiện chùm, kiện chống lẩn tránh thuế, kiện kép,... làm gia tăng số lượng các vụ kiện về PVTM.  Đây cũng chính là thách thức lớn với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam còn rất lớn khi chưa giành được thế chủ động trong xuất khẩu hàng hóa cả về thị trường, sản phẩm cũng như công nghệ sản xuất.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam khi trao đổi với phóng viên trước hiện tượng số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây. Ông cho biết: Một trong những nguyên nhân quan trọng của các biện pháp CBPG đó là hiện tượng xuất khẩu tập trung quá nhiều vào một thị trường của một doanh nghiệp hay một ngành hàng. Khi doanh nghiệp hay ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 20-30%/năm trong thời gian 2-3 năm liền vào một thị trường nào đó, thì sẽ bị các doanh nghiệp, cơ quan chức năng của nước nhập khẩu đưa vào “tầm ngắm” để điều tra về CPBG.

Do đó, để hạn chế tình trạng này các doanh nghiệp, hiệp hội và ngành hàng cần đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, tránh tập trung quá nhiều vào một thị trường. Bên cạnh đó, khi xuất khẩu, doanh nghiệp cũng nên xác định tâm thế có thể bị kiện bất cứ lúc nào, do đó cần có sự chuẩn bị kỹ về thông tin, giá cả, sản phẩm và các chính sách kế toán minh bạch… để sẵn sàng đối phó khi xảy ra tình huống bị điều tra PVTM, chứ không đợi đến khi bị kiện mới thu thập thông tin, như vậy thời gian quá ngắn sẽ dẫn đến tình trạng không đủ dữ liệu và đưa doanh nghiệp đến những tình thế bất lợi. Việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu không chỉ giúp doanh nghiệp hạn chế được những vụ kiện CBPG mà còn giúp doanh nghiệp, ngành hàng mở rộng thị trường xuất khẩu và quy mô sản xuất.

Na Dương