Cảnh báo rủi ro tiềm ẩn từ trái phiếu doanh nghiệp

15:13 | 02/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ Tài chính mới đây đã chỉ đạo cần tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhằm hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký công văn số 10059/BTC-VP gửi Ủy ban Chứng khoán nhà nước; Vụ Tài chính ngân hàng và Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Công văn của Bộ Tài chính nêu rõ, trong thời gian qua, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã trở thành một kênh huy động vốn lớn và quan trọng trên thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực đối với các doanh nghiệp, việc phát hành TPDN riêng lẻ cũng bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.

Cảnh báo rủi ro tiềm ẩn từ trái phiếu doanh nghiệp - ảnh 1

Việc phát hành TPDN riêng lẻ bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.

Nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu:

Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) chủ trì, phối hợp với UBCKNN và các đơn vị triển khai các quy định mới về phát hành TPDN tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ. Nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý, giám sát thị trường TPDN, trong đó tập trung xây dựng các biện pháp thanh tra, giám sát, thắt chặt việc phát hành TPDN riêng lẻ không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản đảm bảo và uy tín của doanh nghiệp phát hành thấp nhằm hướng tới thị trường minh bạch, an toàn và hạn chế rủi ro.

Uỷ ban chứng khoán nhà nước (Bộ Tài chính) chủ trì, phối hợp với Vụ TCNH và các cơ quan liên quan tăng cường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình phát hành và cung cấp dịch vụ về TPDN riêng lẻ, đặc biệt là việc phát hành của các doanh nghiệp nhỏ lẻ, mới thành lập, hoạt động trong các lĩnh vực có tính rủi ro cao, có kết quả kinh doanh không rõ ràng, thực chất; Tập trung rà soát, kiểm tra phát hiện các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, lách quy định của pháp luật trong việc phát hành TPDN. Trường hợp phát hiện các hành vi lừa đảo, có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư thì khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật.

Cẩn trọng không thừa

Theo Bộ Tài chính, với những quy định mới, khung pháp lý về phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ có những thay đổi căn bản, theo hướng tích cực và lành mạnh hơn.

Từ ngày 1/1/2023, khi doanh nghiệp chào bán trái phiếu, bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đối với những đợt phát hành có giá trị lớn; trái phiếu sau khi phát hành được được niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Như vậy, câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm còn ở tương lai. Giới phân tích cho rằng hiện nay, việc trái phiếu doanh nghiệp không có xếp hạng tín nhiệm đã đẩy rủi ro thẩm định, đánh giá cho người mua trái phiếu, nhất là trong bối cảnh nóng lên của thị trường trái phiếu có thể dẫn đến tình trạng cạnh tranh lãi suất; chất lượng trái phiếu doanh nghiệp không đồng đều thì rủi ro lại càng ở mức cao.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, áp lực đối với việc trả nợ của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu cũng sẽ bị đẩy lên cao hơn, làm tăng rủi ro vỡ nợ.

Phó Giáo sư, tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh cho biết trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian vừa qua, đặc biệt là từ năm 2020 cho đến nay, đang gặp rất nhiều vấn đề, thậm chí có cả các loại trái phiếu “3 không” - không có tài sản đảm bảo, không định mức tín nhiệm, không có đơn vị bảo lãnh phát hành.

PGS. Thịnh cho rằng điều này gây ra những rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư không đủ năng lực thẩm định, phân tích tài chính doanh nghiệp.

Loại trừ các trái phiếu ngân hàng và định chế tài chính khác hầu hết là không có tài sản đảm bảo. Các trái phiếu doanh nghiệp còn lại được phát hành trong đầu năm 2021 có 18,6% được bảo đảm bằng bất động sản; 11% được đảm bảo bằng tài sản; 33% được đảm bảo bằng một phần tài sản hoặc bất động sản và một phần là cổ phiếu; 9,3% được đảm bảo hoàn toàn bằng cổ phiếu và 28% là không có tài sản đảm bảo.

Hiện có 29.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản được đảm bảo hoàn toàn bằng cổ phiếu hoặc không có tài sản đảm bảo. Nếu tính cả các trái phiếu bất động sản được đảm bảo một phần bằng cổ phiếu thì con số này là gần 60.000 tỷ đồng, chiếm 64% tổng lượng trái phiếu bất động sản phát hành 6 tháng đầu năm 2021.

Thực tế trong tháng 7/2021, Bộ Tài chính đã phát đi cảnh báo rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Bộ Tài chính cho rằng doanh nghiệp phát hành khối lượng lớn trái phiếu, lãi suất cao nhưng sử dụng vốn không hiệu quả hoặc tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn hoặc lĩnh vực mà doanh nghiệp hoạt động gặp khó khăn dẫn đến việc doanh nghiệp không hoàn trả được gốc và lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.

Xuân Tùng