Cảnh tỉnh khi đề xuất tăng lương trước câu chuyện Elon Musk sa thải trợ lý gắn bó suốt 12 năm
Theo khảo sát từ trang Salary.com, khoảng 37% dân lao động luôn tìm cách đàm phán mức lương có lợi cho mình, 44% người chưa từng nghĩ đến việc tăng lương trong các buổi đánh giá năng lực, và gần 20% chưa bao giờ dám làm điều này.
Những vấn đề liên quan đến lương thưởng luôn có tính nhạy cảm nhất định khiến mọi người phải e dè, đặc biệt khi bạn là người lao động đang làm công ăn lương của người khác. Có thể thấy, đàm phán lương là chuyện rất cần thiết không phải ai cũng biết cách làm điều đó. Khi bạn quá sợ hãi không dám nói ra nhu cầu của bản thân, hoặc khi bạn tự tin thái quá vào khả năng của mình, kết quả cuối cùng đều có thể chuyển biến xấu.
Câu chuyện Elon Musk và trợ lý xin tăng lương
Theo Ashlee Vance, tác giả cuốn tiểu sử về Elon Musk, Elon Musk là một tỷ phú nổi tiếng, gây ấn tượng với khả năng làm giàu thần tốc chỉ trong vài năm và quan trọng hơn cả là ông có một đội ngũ nhân viên cốt cán, tài năng. Trong đó, không thể không kể đến Mary Beth Brown - một trợ lý từng sát cánh bên cạnh Elon Musk như hình với bóng suốt 12 năm.
Cuốn tiểu sử cho rằng, vai trò của vị trợ lý này không hề đơn giản mà đôi khi còn phải đưa ra các quyết định kinh doanh quan trọng, không khác nào một giám đốc thực thụ. Không chỉ vậy, người này gần như phải hy sinh hết mình vì công việc, liên tục di chuyển theo CEO và gần như không có thời gian để quan tâm đời sống cá nhân.
Đó là lý do mà Mary Beth Brown đã quyết định xin tăng lương sau hơn một thập kỷ hỗ trợ hết mình cho Elon Musk nhưng chỉ nhận được mức lương trợ lý.
Vị tỷ phú này đưa ra quyết định là cho trợ lý của mình nghỉ phép 2 tuần thay vì trả lời thẳng về vấn đề tăng lương. Elon Musk đã đưa ra một phép thử cho cả bản thân và công việc khi cho rằng, nếu người trợ lý thực sự đóng vai trò quan trọng, không thể thiếu trong công ty, thì sự vắng mặt của cô nhất định sẽ để lại tác động không nhỏ.
Như vậy, tăng lương để giữ cô tiếp tục cống hiến là một điều cần thiết. Còn nếu kết quả là ngược lại, họ đã tìm được cách làm việc hiệu quả mà không cần đến cô thì chứng minh vị trí trợ lý cũng không quá quan trọng.
Sau 2 tuần nghỉ phép rồi quay trở lại văn phòng, Brown đã rất bất ngờ khi Elon Musk thông báo rằng, vì thế vị trí trợ lý không còn cần thiết nữa nên ông quyết định hủy bỏ chức vụ này, đề nghị cô một công việc khác trong công ty và không được hưởng mức lương giám đốc.
Người phụ nữ đã từ chối và nhanh chóng nhận cái kết là bị sa thải sau 12 năm làm việc cho ông chủ hãng xe điện nổi tiếng.
Thực hư của câu chuyện xin tăng lương
Dư luận đã bàn tán rất sôi nổi ngay sau khi câu chuyện này được lan truyền xoay quanh vấn đề sự cống hiến và lòng trung thành dành cho ông chủ như Elon Musk.
Bản thân vị tỷ phú từng phủ định tính xác thực của câu chuyện này trên tài khoản Twitter cá nhân của mình rằng: "Trong tất cả những giai thoại không có thật, đây là câu chuyện khiến tôi khó chịu nhất." Ông bày tỏ sự khó chịu khi cho rằng tác giả cuốn sách vẫn chưa kiểm chứng chính xác của một số chi tiết trong câu chuyện.
Hình ảnh phản hồi của Elon Musk và người phụ nữ được khoanh tròn là Mary Beth Brown.
Ông chủ Tesla đã chia sẻ rằng: “Trong hơn 10 năm, Mary Beth đã là một trợ lý tuyệt vời nhưng khi công ty ngày càng phát triển, chúng tôi đòi hỏi cần có nhiều chuyên gia chuyên sâu hơn là một Specialist vs Generalist - nhà quản trị tổng quát. Đó là lý do mà Mary rời đi và cô ấy cũng được thưởng 52 tuần lương cũng như cả cổ phiếu do sự đóng góp to lớn suốt thời gian qua.”
Tác giả Ashlee Vance của câu chuyện sau khi nghe phản hồi từ vị tỷ phú thì cũng khẳng định rằng câu chuyện của ông đến từ nguồn tin đáng tin cậy.
Bài học cảnh tỉnh với những ai muốn xin tăng lương
Cho dù câu chuyện trên đúng hay sai thì nó cũng ẩn chứa một bài học sâu sắc dành cho mọi người, đặc biệt là dân công sở trong "trò chơi đàm phán". Bạn muốn xin tăng lương để tương xứng với công sức mà mình đã bỏ ra, điều này hoàn toàn không sai, nhưng phải đảm bảo bản thân luôn ghi nhớ các bài học sau đây:
Không tỏ ra tự phụ và phải có “chân tài thực học”
Trong quan điểm của hầu hết các vị CEO chứ không chỉ riêng gì Elon Musk, không có nhân viên nào là không thể thay thế. Bất cứ nhà lãnh đạo nào cũng muốn mình có cấp dưới làm việc hiệu quả hơn so với hiện tại, càng hiệu quả càng tốt, nên họ không bao giờ ngại việc thay đổi nhân sự.
Là một người quản lý có kỹ năng lãnh đạo, họ biết cách sẵn sàng ứng phó với các trường hợp nhân viên muốn rời đi và giảm thiểu rủi ro khi trường hợp đó xảy ra. Các giám đốc không ngần ngại tìm cách giữ họ lại chỉ khi người đó thực sự xứng đáng, dù phải trả bao nhiêu tiền.
Chia nhỏ mục tiêu cho bản thân
Hãy đề xuất mức tăng nhỏ nhưng thường xuyên thay vì đột ngột đòi hỏi một mức tăng lương không tưởng. trên thực tế, không có con đường thành công nào là dễ đi và nhanh chóng, nó luôn diễn ra rất chậm chạp và ta chỉ có thể bứt phá khi nắm được thời cơ phù hợp.
Thay vì đề xuất mức tăng lớn, hãy gia tăng cơ hội đàm phán thành công bằng cách đề xuất những đợt tăng lương nhỏ định kỳ.
Biết cách đàm phán win-win, đôi bên cùng có lợi
Quá trình đàm phán tăng lương thường thất bại là do điều kiện bạn đưa ra không tương xứng lợi ích cho cả đôi bên, mà chỉ đem tới lợi ích cho bản thân bạn là người lao động, về phía công ty không nhận được bất cứ cống hiến gì tương xứng.
Do đó, khi muốn đề xuất tăng lương cho mình, trước hết hãy trình bày rõ những gì mà bạn đã đóng góp trong quá khứ và sẽ tiếp tục đem lại những lợi ích nào trong tương lai, như là một số dự án mà bạn thực hiện giúp công ty tiết kiệm hoặc kiếm được nhiều hơn...
Do đó, có thể thấy rằng, trong việc đàm phán tăng lương, bí quyết thành công chính là chuẩn bị những chiến lược đúng đắn và chờ đợi thời cơ thích hợp. Đừng quá tự phụ, bởi hãy nhớ rằng với các vị giám đốc, không có nhân viên nào là không thể thay thế.
Xem thêm: Tips làm việc hiệu quả của người Đức: Làm ra làm, chơi ra chơi, về nhà sếp gửi mail cũng kệ!
Phương Thúy