Cập nhật tin tức mới nhất về đường đi của bão Goni: Đang tăng cấp về Philippines rồi vào biển Đông
Bão Goni khá giống với bão số 9, di chuyển với vận tốc nhanh, đang đến Philippines rồi hướng đến biển Đông và di chuyển vào khu vực miền Trung Việt Nam.
Theo cơ quan khí tượng, có hai cơn bão đang hoạt động trên Thái Bình Dương là Goni và Atsani, trong đó cơn bão Goni (tiền thân bão số 10) đang tăng cấp di chuyển vào Philippines. Dự báo, cơn bão này sẽ di chuyển vào biển Đông trong một vài ngày tới.
Rạng sáng 30/10, Cơ quan khí tượng Hong Kong cho biết, bão Goni đang hoạt động ở ngoài khơi Philippines có sức gió mạnh 155km/h, tương đương cấp 14, giật cấp 16. So với 6 giờ trước đó, bão đã mạnh lên 2 cấp.
Bão Goni đang ở ngoài khơi Philippines
Dự báo, trong 2 ngày tới, bão liên tục tăng cấp và có thể đạt đến cường độ cực đại mạnh cấp 15, giật cấp 17 khi áp sát đất liền Philippines. Sau đó, hình thái này tiến vào biển Đông hình thành bão số 10, giảm xuống cấp 12 và tiếp tục di chuyển vào trong đất liền vào ngày 2 - 3/11.
Khi bão Goni vào biển Đông và tiến về khu vực miền Trung sẽ trùng với đợt không khí lạnh tràn về. Không khí lạnh kết hợp với bão và dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua Trung Bộ khiến tình hình mưa gió ngày càng phức tạp hơn.
Dự báo, bão số 10 sẽ đổ bộ nằm trong khoảng các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa. Song các chuyên gia khí tượng cho rằng, nhiệt độ biển bị lạnh, khô đi bởi không khí lạnh và mưa gió những ngày qua có thể khiến bão số 10 suy yếu ngay trên đường di chuyển vào đất liền Việt Nam.
Ngoài bão Goni, hôm 29/10, mô hình dự báo của Nhật Bản cũng đưa tin về cơn bão Atsani đang hoạt động ở tọa độ 9,5 độ Vĩ Bắc, 145,8 độ Kinh Đông. Theo dự báo, bão này di chuyển theo hướng Bắc, có khả năng di chuyển vào biển Đông.
Bão Goni có thể gây mưa lớn cho nhiều tỉnh miền Trung
Tuy nhiên, nếu có vào thì nó cũng chỉ quét qua khu vực Bắc Biển Đông và di chuyển về phía Trung Quốc. Sau đó sẽ có 1 - 2 cơn bão khác hình thành ở Thái Bình Dương nhưng sẽ không vào biển Đông.
Mặc dù dự báo đường đi và mức độ của bão số 10 như vậy nhưng các chuyên gia vẫn khuyến cáo người dân miền Trung không nên chủ quan. Kể cả khi suy yếu, bão vẫn di chuyển vào đất liền và gây mưa trên diện rộng cho khu vực.
Về tình hình trong đất liền, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, mưa vẫn diễn ra trên diện rộng các tỉnh từ miền Bắc vào miền Trung.
Do không khí lạnh tăng cường nên từ Nghệ An đến Hà Tĩnh có mưa từ 50 - 100mm, có nơi trên 200mm, các tỉnh ở khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa, Quảng Ninh và Quảng Nam có mưa từ 10 - 30mm nên, có nơi trên 50mm.
Tại khu vực Nam Trà My - nơi xảy ra vụ sạt lở đất khiến nhiều người bị vùi lấp, mưa sẽ kèo dài từ nay đến ngày 31/10.
Cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi từ Nghệ An, Hà Tĩnh và sạt lở ở vùng núi tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Hương Quỳnh