Câu chuyện lập nghiệp của ông chủ vườn giống cây ăn quả Hưng Yên, tỷ suất lợi nhuận mỗi năm 40%
Khi kể về quá trình vươn lên lập nghiệp làm giàu của mình, anh Long cho biết: Chẳng ai có thể “một bước lên tiên”! Em cũng không phải là ngoại lệ.
Anh Phạm Đức Long ở xã Bình Kiều, Khoái Châu, Hưng Yên nổi tiếng khắp vùng là đại gia trồng trọt chuyên nhân giống cây ăn quả, thu lợi cả tỷ đồng mỗi năm. Tuy là tấm gương của khởi nghiệp thành công nhưng anh Long rất khiêm tốn chia sẻ rằng: "Mỗi năm em chỉ sản xuất được gần 20 vạn cây giống các loại, sau xuất bán và cân đối thu chi, khoản dư ra vừa đủ nuôi 7 miệng ăn trong nhà và trả công cho 4 lao động thuê mượn thường xuyên, với mức lương 6-12 triệu đồng/người/tháng, tùy theo công việc".
Chia sẻ là vậy nhưng với giá thành sản xuất 1 cây giống khoảng 7.000 đồng, giá bán bình quân 13.000 đồng, quy đổi với lượng giống sản xuất (200.000 cây) nói trên, mỗi năm anh Long đã thu được 2,6 tỷ đồng, lợi nhuận 1,2 tỷ. Với tỷ suất lợi nhuận đạt trên 40% thì thành quả lao động của anh Long là niềm mơ ước của rất nhiều doanh nhân đi theo hướng phát triển nông nghiệp.
Vườn nhãn giống của anh Long
Anh chia sẻ về quá trình khởi đầu gian khó của mình từ học lỏm nghề từ các đàn anh đi trước. Sau thực hành gieo, ghép ở nhà, khi thuần thục mọi kỹ năng nhân giống cây ăn quả, mới dám lập vườn sản xuất, kinh doanh và nhận ghép thuê cho hộ khác. Sau quãng thời gian dài đầu tư sang nhượng quyền sử dụng ruộng khoán 03, mãi tới năm 2015 mới tích lũy được 1,5ha vườn chuyên canh cây giống chuyên các loại nhãn.
Khi được hỏi về lý do bén duyên với nghề nhân giống cây ăn quả anh Long tâm sự: "Thế mạnh của Hưng Yên là sản xuất cây giống các loại, chứ không phải thâm canh cây ăn trái. Do quá trình đô thị hóa ở Hưng Yên đang diễn ra rất nhanh, đất canh tác cũng đang bị thu hẹp để nhường cho phát triển công nghiệp. Dư địa cho sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn không còn nhiều. Mặt khác, trong tương lai, nhãn Hưng Yên sẽ chỉ còn trong ký ức. Bởi Tây Bắc, Tây Nguyên mới là những vựa nhãn lớn nhất nước. Bởi các địa phương này có tiềm năng đất đai và khí hậu sinh thái thích hợp cho thâm canh cây nhãn."
Anh Long trực tiếp xử lý cành nhãn giống trước khi ghép
Theo anh Long, sau nhiều năm nhân giống cây ăn quả anh kết luận được rằng nhãn và hồng xiêm là 2 đối tượng khó ghép nhất, tỷ lệ mắt sống sau ghép phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. Nên trước đây phải chiết, ghép theo mùa. Và chỉ các “cao thủ” mới ghép thành công đạt 60-70%. Còn hiện nay, anh Long và một số thợ trên địa bàn, có thể ghép nhãn và hồng xiêm đạt tỷ lệ sống 100% trong mọi điều kiện thời tiết.
Đạt được kết quả này là do, anh Long có cách xử lý cành nhãn trước 10 ngày lấy mắt, riêng với giống hồng xiêm xoài phải lấy mắt từ các cành sắp đẩy lộc (mắt giống sắp mở). Theo đó, giá thành sản xuất cây giống đã giảm đáng kể, đồng thời còn cho phép ghép nhân giống cây ăn quả quanh năm.
Thanh Thùy (T/h)