CEO F88 Phùng Anh Tuấn: Từ hacker nổi tiếng thành người đứng đầu công ty tỷ USD
Phùng Anh Tuấn sinh năm 1984 tại Phú Thọ, anh được biết đến với tên gọi khác là Tuấn "Pat", từng học tại trường THPT Chuyên Hùng Vương và là sinh viên đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Phùng Anh Tuấn làm nhân viên công nghệ thông tin cho một số tập đoàn lớn như: VASC, Viettel, Hipt. Năm 2003, anh Tuấn thành lập Công ty An ninh mạng VSEC. Thời điểm đó, công ty là startup đầu tiên trong lĩnh vực bảo mật an toàn tại Việt Nam. Sản phẩm kinh doanh chủ yếu của VSEC về an toàn thông tin.
Năm 2004, anh được dư luận chú ý khi nhận giải “Quả cầu vàng” về công nghệ thông tin của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Năm sau đó, VSEC gây được tiếng vang lớn khi cảnh báo thành công lỗ hổng nghiêm trọng trên hệ thống chuyển tiền trực tuyến (banking online) của một ngân hàng lớn tại Việt Nam. Năm 2009, VSEC được đổi tên thành Công ty CP An Ninh Mạng Việt Nam. Đến 2018, công ty đã lọt top “Những công ty B2B hàng đầu Châu Á”.
Năm 2016, G-Group được thành lập và được biết đến là tập đoàn tài chính - công nghệ tiềm năng tại Việt Nam với hơn 1.000 nhân sự và 8 công ty thành viên. Đây cũng là tập đoàn góp 35% vốn vào Công ty Cổ phần Công nghệ Gapo (mạng xã hội Việt Nam Gapo).
Quá trình làm an ninh mạng đã giúp ông Tuấn có được nhiều kiến thức về công nghệ, đồng thời tìm ra cơ hội phát triển trong lĩnh vực mới. Từ đó, chuỗi cửa hiệu F88 ra đời. Mặc dù không phải cửa hàng trong lĩnh vực cầm đồ đầu tiên, nhưng F88 áp dụng công nghệ, có chỉ tiêu định giá, lãi suất thống nhất nên phát triển rất mạnh. Chưa đầy 10 năm, F88 đã có hơn 600 phòng giao dịch trải dài khắp cả nước và đã đăng ký hoạt động tín dụng từ năm 2016.
Chia sẻ với báo chí, CEO F88 cho biết: “Phân khúc F88 nhắm đến là những người không có khả năng hoặc khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tín dụng từ ngân hàng và các tổ chức tài chính”.
Cuối năm 2017, cổ đông lớn nhất F88 là CTCP Đầu tư F88 (nắm 99% vốn). Hiện tại, ông Tuấn cũng đang là Chủ sở hữu/Người đại diện theo pháp luật cả CTCP Kinh doanh F88 và CTCP Đầu tư F88.
Cũng trong 2017, hệ thống cầm đồ này được quỹ đầu tư Mekong Capital rót vốn. Đây là quỹ từng đầu tư vào nhiều doanh nghiệp lớn như chuỗi bán lẻ Thế giới Di động, nhà phân phối hàng điện tử Digiworld, chuỗi nhà hàng Golden Gate.
Theo tính toán từ các tổ chức tài chính, F88 có doanh thu hơn 1.300 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2022. Trong đó, khoản bán bảo hiểm chiếm gần 17% nguồn doanh thu, tương đương 217 tỷ đồng. Ngoài ra, F88 đã mở mới 211 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng trên toàn quốc lên con số 800.
Theo báo cáo được FiinRatings công bố ngày 8/11 vừa qua, F88 giữ nguyên điểm xếp hạng tín nhiệm của CTCP Kinh doanh F88 (F88) ở mức BBB
Trong một lần chia sẻ với Trí thức trẻ về việc kiểm soát rủi ro với các khoản cho vay để tránh vấn đề nợ xấu, anh Tuấn cho biết: “Trong ngành tài chính, việc kiểm soát rủi ro cực kì quan trọng, nợ xấu trong Covid của ngành tài chính tăng đột biến nhưng F88 lại kiểm soát nợ xấu rất tốt. Đó là nhờ văn hoá quản trị rủi ro của cả tổ chức mà mình cùng các anh em cộng sự đã xây từ ban đầu, từ các bạn chuyên viên kinh doanh, khi giải ngân phải bảo vệ lợi ích công ty, phải kiểm soát thông tin của khách hàng như thế nào để có thể giải ngân một khoản vay tốt, đến quy trình kiểm soát từng tầng một phải chặt chẽ, thẩm định tài sản, thiết kế sản phẩm…tất cả đều chuẩn chỉnh do đó lúc Covid xảy ra F88 vẫn giữ được tỷ lệ nợ xấu rất thấp.
Chúng tôi có các chính sách khá chặt chẽ như write off, khách nợ xấu bao nhiêu ngày sẽ đưa vào trích lập chi phí. Ví dụ nợ trên 90 ngày thì write off luôn, sau này có thu về thì quay lại thành nguồn thu, còn đưa ngay vào báo cáo thành chi phí. Nhờ quy trình chặt chẽ như vậy nên tỷ lệ nợ xấu luôn nằm trong tầm kiểm soát”.
F88 đặt mục tiêu trong năm 2023 đạt 1.000 phòng giao dịch, trở thành unicorn (kỳ lân), và là công ty tỷ USD. Đồng thời, ông Tuấn cho viết F88 sẽ IPO vào cuối năm 2022 hoặc 2023.