CEO JPMorgan: Mỹ là quốc gia ‘thịnh vượng nhất hành tinh’, không đáng lo khi Fitch hạ xếp hạng tín nhiệm

Khả Nhân 15:52 | 03/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong cuộc phỏng vấn với CNBC, CEO của đại gia ngân hàng JPMorgan cho biết việc Fitch Ratings hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ không thực sự đáng ngại.

CEO Jamie Dimon của JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất tại Mỹ. (Ảnh: Getty Images).

“Không thực sự quan trọng”

Hôm 2/8, chia sẻ với CNBC, CEO Jamie Dimon của ông lớn ngân hàng JPMorgan Chase cho biết việc Fitch Ratings hạ xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Mỹ không phải vấn đề đáng lo ngại.

Ông nhấn mạnh “động thái đó thực sự không quan trọng lắm” bởi vì chính thị trường, chứ không phải các cơ quan xếp hạng, quyết định chi phí đi vay của chính phủ Mỹ.

Tuy nhiên, ông nói “thật nực cười” khi các quốc gia khác có xếp hạng cao hơn Mỹ trong khi họ đang phụ thuộc vào sự ổn định do Mỹ và quân đội của siêu cường này tạo ra.

“Thật nực cười khi nước được xếp hạng AAA không phải Mỹ. Mỹ vẫn là quốc gia thịnh vượng nhất hành tinh, là quốc gia an toàn nhất thế giới”.

Hôm 1/8, Fitch đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ từ bậc AAA xuống AA+ với lý do thâm hụt ngân sách của chính phủ ngày càng phình to và quản trị yếu kém khiến tranh chấp về trần nợ liên tục tái diễn trong hai thập kỷ qua.

“Việc hạ xếp hạng thể hiện dự đoán của chúng tôi rằng tình hình tài khoá của Mỹ trong ba năm tới sẽ yếu đi, gánh nặng nợ nần của chính phủ ngày càng lớn, và chất lượng điều hành giảm sút so với các nước xếp hạng AA và AAA trong hai thập kỷ qua”, Fitch tuyên bố.

Hồi tháng 5, Fitch cảnh báo rằng họ đang cân nhắc hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ, khi các nhà lập pháp của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà bất đồng về việc nâng giới hạn đi vay của Washington và Bộ Tài chính sắp cạn kiệt nguồn tiền mặt.

Nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với CNBC, ông Dimon nói: “Chúng ta nên bỏ trần nợ công”. Theo vị CEO, trần nợ đang “bị cả hai đảng” sử dụng theo những cách có thể gây bất ổn cho thị trường.

Hơn một thập kỷ trước, S&P Global Ratings cũng từng hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Mỹ do bế tắc xoay quanh vấn đề trần nợ. Đó chính là lần đầu tiên Mỹ mất xếp hạng AAA.

Mặc dù cuộc khủng hoảng đầu năm nay đã chấm dứt và Mỹ đã thoát nguy cơ vỡ nợ, Fitch vẫn cho rằng xung đột trần nợ lặp đi lặp lại và giải pháp vào giờ chót đã làm xói mòn niềm tin vào cách quản lý tài chính quốc gia của chính phủ.

Tuyên bố của Fitch cũng nhấn mạnh rằng động thái hạ bậc xếp hạng là do gánh nặng nợ nần của Mỹ đang gia tăng nhanh chóng. Nợ của chính phủ dự kiến sẽ đạt mức 118% so với GDP vào năm 2025 - cao gấp hai lần rưỡi so với mức trung vị của các nước xếp hạng “AAA” là 39,3%.

Hãng xếp hạng tín dụng còn lưu ý rằng tỷ lệ nợ trên GDP sẽ còn tăng cao hơn nữa trong dài hạn, khiến Mỹ dễ bị tổn thương trước những cú sốc kinh tế trong tương lai.

Fed, AI và Ukraine

Trong cuộc trao đổi, ông Dimon cũng đề cập đến các chủ đề khác như trí tuệ nhân tạo (AI), nền kinh tế Mỹ, hệ thống quy định đối với ngành ngân hàng và tình hình địa chính trị.

Ông gọi các công nghệ AI như ChatGPT là “công cụ thay đổi cuộc chơi”, có khả năng giúp các thế hệ tương lai sống lâu hơn, tốt hơn. “AI cần phải được sử dụng đúng cách. Tôi lo lắng vì những kẻ xấu cũng sẽ sử dụng công nghệ này”, ông nói thêm.

CEO của JPMorgan cho biết nền kinh tế Mỹ đang được hỗ trợ bởi sức mạnh của người tiêu dùng và doanh nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp thấp và bảng cân đối kế toán lành mạnh.

“Tình hình khá tốt, ngay cả khi chúng ta rơi vào suy thoái”, Dimon nhận định. “[Dù vậy] nguy hiểm vẫn đang cận kề”, ông nói thêm, hàm ý đến cảnh báo mà mình đưa ra về nền kinh tế vào năm ngoái.

Điều khiến ông Dimon lo lắng nhất là những rủi ro địa chính trị do cuộc chiến tại Ukraine gây ra cũng như tác động từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thu hẹp bảng cân đối kế toán (hay thắt chặt định lượng).

Mặt khác, ông Dimon đã chỉ trích những nỗ lực của cơ quan quản lý nhằm thắt chặt các tiêu chuẩn đối với ngành ngân hàng. Theo ông, các đề xuất được công bố vào tuần trước là “cực kỳ đáng thất vọng”. Vị CEO cho rằng các ngân hàng sẽ buộc phải nắm giữ nhiều vốn hơn như một bộ đệm chống lại rủi ro.