CEO JPMorgan Chase: Chưa có dấu hiệu kinh tế Mỹ suy thoái
Nhận định về nền kinh tế Mỹ, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase, ông Jamie Dimon cho rằng nền kinh tế Mỹ vẫn đang tiếp tục tăng trưởng, thị trường việc làm và khả năng chi tiêu của người tiêu dùng vẫn khỏe mạnh.
Mặt khác, ông đưa ra những cảnh báo: "Căng thẳng địa chính trị, lạm phát cao, niềm tin của người tiêu dùng suy giảm, sự thắt chặt chính sách tiền tệ chưa từng thấy và ảnh hưởng của chúng đối với thanh khoản toàn cầu, cộng với tác động của xung đột Ukraine đối với giá năng lượng và lương thực toàn cầu rất có thể sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực với nền kinh tế toàn cầu”.
Nhận xét này được ông Dimon đưa ra trong báo cáo hàng quý mới nhất của JPMorgan Chase, khi các nhà đầu tư và nhà kinh tế cố gắng xem xét liệu nền kinh tế lớn nhất thế giới có hướng đến suy thoái hay không. Phần lớn dữ liệu kinh tế gần đây không cung cấp thông tin rõ ràng.
“Hiện tại, không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy nền kinh tế Mỹ đang bước vào suy thoái”, các nhà điều hành JPMorgan nói.
Như ông Dimon đã đề cập, thị trường lao động Mỹ cho đến thời điểm hiện tại đang khá vững chắc. Tháng trước, nền kinh tế Mỹ có thêm 372.000 việc làm, cao hơn con số 250.000 Dow Jones dự báo. Trong khi đó, mức lương trung bình theo giờ đã tăng vào tháng trước với tốc độ 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặt khác, chi tiêu của người tiêu dùng dường như đang giảm dần mức tằng. Chi tiêu tiêu dùng trong tháng 5 tăng 0,2%, thấp hơn ước tính 0,4% của Reuters. Tuy nhiên trong hoạt động kinh doanh của JPMorgan, có dấu hiệu cho thấy sự mạnh mẽ của chi tiêu tiêu dùng vẫn đang tiếp tục, thể hiện qua chi tiêu kết hợp ghi nợ và thẻ tín dụng đã tăng 15% trong quý II. Các khoản cho vay qua thẻ đã tăng 16%.
Bên cạnh những tín hiệu tốt, nền kinh tế Mỹ cũng đang cũng đối diện một loạt thách thức.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Mỹ tháng trước đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Con số này vượt dự báo của Dow Jones là 8,8%, cũng là mức cao nhất kể từ năm 1981. Nguyên nhân chủ yếu là do giá năng lượng tăng vọt. Giá dầu WTI, tiêu chuẩn dầu của Mỹ, tăng hơn 28% vào năm 2022, do xung đột của Nga và Ukraine làm gia tăng lo ngại về nguồn cung vốn đã eo hẹp trên thị trường.
Giá tiêu dùng cao hơn cũng đang có nguy cơ làm suy yếu tâm lý người tiêu dùng Mỹ. Chỉ số tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan đã đạt mức thấp kỷ lục vào tháng trước, giảm xuống còn 50.
Áp lực lạm phát đã đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm nay nhanh hơn dự đoán của giới đầu tư. Tháng trước, ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất thêm 0,75%. Một số nhà kinh tế Phố Wall kỳ vọng FED sẽ tăng cao nhất vào cuối tháng 7.
Theo một cuộc thăm dò do Trung tâm Nghiên cứu Pew, đa số người Mỹ cho rằng các chính sách của ông Joe Biden đã khiến nền kinh tế tồi tệ hơn. Trung tâm nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng chỉ 13% người Mỹ đánh giá các điều kiện kinh tế của Mỹ là “tuyệt vời / tốt”.
Tháng trước, ông Dimon cảnh báo các nhà đầu tư phải chuẩn bị tinh thần cho một “cơn bão” kinh tế.