CEO WiGroup: Giai đoạn áp lực nhất của tỷ giá đã qua
Giai đoạn áp lực nhất của tỷ giá đã qua
Chia sẻ trong chương trình Bàn tròn đầu tư của kênh Youtube Tài chính & Kinh doanh, ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup, cho biết tỷ giá đã bớt áp lực và giai đoạn cao trào nhất đã qua. Tuy nhiên, ông nhận định rằng chính sách tiền tệ có thể thắt chặt hơn một chút về cả mặt định tính và định lượng.
Ông Báu cho biết Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có ba nhiệm vụ chính là ổn định tỷ giá, lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế. Theo ông, trong mắt nhà hoạch định chính sách, hiện tỷ giá đang có tầm quan trọng mức 3 hoặc 4 trên thang điểm 5.
Trong khi đó, mức tăng trưởng kinh tế như hiện tại có thể tiệm cận 6%, nên áp lực đè lên nhà điều hành còn 3 điểm trên thang 5. Chỉ còn lạm phát hiện đang ở mức 4, ông nói thêm và dự báo rằng áp lực về giá cả đến cuối năm cũng sẽ giảm bớt.
Với việc lạm phát gần 4%, khá sát với lãi suất huy động kỳ hạn một năm, chuyên gia cho rằng về trung hạn (đến hết năm 2024) chính sách tiền tệ sẽ phải trung dung, không thắt cũng không nới. Còn về ngắn hạn, có xác suất để NHNN thắt chặt hơn một chút.
Phân tích kỹ hơn, ông cho biết việc bán USD về định lượng là thắt chặt, tăng lãi suất điều hành về mặt định tính cũng là thắt chặt. Trong bối cảnh tỷ giá áp lực, NHNN đã phải bán khoảng 500 - 700 triệu USD dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá, hay nói cách khách thắt chặt về định lượng.
Liệu NHNN có tăng lãi suất điều hành?
Dự báo khả năng NHNN tăng lãi suất, ông Báu cho biết lãi suất có hai vấn đề là "lãi suất mang tính thị trường" (lãi suất tiết kiệm, lãi suất cho vay) và "lãi suất chính sách".
Lãi suất thị trường thì đã tăng rồi và từ nay đến cuối năm, lạm phát sẽ tạo điều kiện để lãi suất huy động tăng thêm, ông nói.
Ông Báu cũng đưa ra nhận định rằng lãi suất huy động thấp là nguyên nhân tạo áp lực lên tỷ giá chứ không phải lãi suất liên ngân hàng. "Muốn giải quyết triệt để vấn đề tỷ giá thì không nên để lãi suất huy động thấp như hiện nay. Cần phải nâng lãi suất lên để kích thích người dân gửi tiền. Lãi suất huy động 4% như hiện nay đang quá thấp", ông cho hay.
Còn về lãi suất chính sách, CEO WiGroup chia thành hai nhóm là lãi suất thị trường mở (lãi suất tín phiếu, lãi suất cho vay cầm cố giấy tờ có giá) và lãi suất hành chính (lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn ...). Theo chuyên gia, NHNN sẽ tăng lãi suất OMO trong khi duy trì lãi suất hành chính.
"Việc tăng lãi suất hành chính không khác nào công bố với cả thế giới rằng tôi đã tăng lãi suất rồi. NHNN đang muốn tăng lãi suất mà không công bố bằng cách điều chỉnh lãi suất OMO", ông nói.
Đồng thời, chuyên gia WiGroup cho rằng tác động của việc thắt chính sách tiền tệ qua lãi suất thị trường không còn tác động lớn tới tỷ giá nữa: "Lãi suất OMO tăng từ 0,5 đến 1 điểm % thôi là lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã xấp xỉ với lãi suất qua đêm của Mỹ (Federal Fund Effective Rate). Câu chuyện swap âm không còn trên lãi suất liên ngân hàng mà chỉ còn ở lãi suất huy động mà thôi".