Chân dung những `nữ tướng` đầy bản lĩnh trên thương trường Việt Nam

09:50 | 20/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thị trường Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều những "bóng hồng" tài năng, bản lĩnh, "giỏi việc nước đảm việc nhà", xứng đáng là niềm tự hào của nền kinh tế nước nhà.

"Nữ tướng" ngành sữa Madam Thái Hương - TH True Milk

 
Bà Thái Hương sinh ngày 12 tháng 10 năm 1958. Bà là nữ doanh nhân nổi tiếng người Việt Nam. Hiện bà Hương đang nắm giữ 2 chức vụ: Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sữa TH True Milk; Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á.
 
Chân dung những nữ tướng bản lĩnh trên thương trường Việt
Chân dung Madam Thái Hương
 
Dù có công lớn chèo lái con thuyền BacABank liên tiếp lập được những đỉnh cao mới, song người ta biết đến bà Thái Hương nhiều hơn với vai trò sáng lập và điều hành Tập đoàn TH (TH True Milk).
 
Trong năm 2019 vừa qua, bà Thái Hương tiếp tục được vinh danh trong danh sách 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam do tạp chí Forbes Việt Nam công bố. Đây là lần thứ 3 liên tiếp bà Thái Hương được vinh danh trong danh sách này.
 
Chân dung những nữ tướng bản lĩnh trên thương trường Việt
Madam Thái Hương trên bục nhận giải thưởng người có ảnh hưởng tại châu Á
 
Trước đó, bà Thái Hương cũng đã được Forbes bình chọn Top 50 nữ doanh nhân quyền lực châu Á năm 2015, 2016, ghi dấu ấn là “người đàn bà sữa” quyền lực của Việt Nam.
 
Bà được đánh giá rất cao khi có tư duy vượt trội sử dụng “chiếc chìa khóa vàng” là công nghệ cao khởi dựng Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa năm 2008, xác lập kỷ lục Trang trại ứng dụng công nghệ cao lớn nhất Châu Á với quy mô 45.000 con, ghi tên ngành sữa Việt Nam trên bản đồ sữa thế giới; sản xuất sữa theo chuỗi khép kín từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch. Mô hình này đã được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh là mô hình điển hình cho nền sản xuất nông nghiệp 4.0 hiệu quả tại Việt Nam.
 

"Nữ tướng" ngành hàng không Nguyễn Thị Phương Thảo - Vietjet Air

 
Nguyễn Thị Phương Thảo sinh ngày 1 tháng 1 năm 1970, là một nữ doanh nhân, tỷ phú trên cương vị là tổng giám đốc của Vietjet Air, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị ngân hàng HDBank. Bà là người Việt Nam thứ hai, sau Phạm Nhật Vượng được Forbes ghi nhận là tỷ phú USD (năm 2017).
 
Chân dung những nữ tướng bản lĩnh trên thương trường Việt
Nữ CEO Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo
 
 
Năm 17 tuổi, bà Thảo đi du học đại học ngành Kinh tế tài chính và sớm nổi tiếng trong cộng đồng với thành tích học tập xuất sắc và tài kinh doanh thiên bẩm. Khi còn là sinh viên năm thứ 2 bà đã bước vào thương trường. Khi ấy thị trường Đông Âu thiếu thốn hàng tiêu dùng, mọi thứ đều khan hiếm nên bà kinh doanh đủ thứ, từ hàng điện tử đến hàng nông sản từ các nước châu Á như sang Đông Âu. Đồng thời bà cũng đưa về Việt Nam những mặt hàng thị trường khan hiếm và cần thiết như phân bón, sắt thép, thiết bị…
 
Năm 21 tuổi, bà đã kiếm được 1 triệu USD nhờ tài năng buôn bán này. Sau khi trở về Việt Nam, bà góp vốn thành lập Techcombank, sau đó là VIB và hiện tại là Phó chủ tịch HĐQT HDBank. Sau đó là lĩnh vực hàng không với vị trí tổng giám đốc Vietjet Air. Gần 25 năm sau, bà nổi lên như một nữ tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam. Ngày 23/5/2016, dưới sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch nước Trần Đại Quang, hãng hàng không VietJet đã ký thỏa thuận thuê mua 100 chiếc Boeing 737 MAX 200 của tập đoàn đến từ nước Mỹ trị giá 11,3 tỷ USD.​​​​​​
 
Chân dung những nữ tướng bản lĩnh trên thương trường Việt
Một trong những tỷ phú đô la hiếm hoi ở Việt Nam
 
VietJet Air được xem là hãng hàng không tư nhân đầu tiên tại thị trường Việt Nam. Được thành lập năm 2007, chính thức khai thác chuyến bay đầu tiên vào ngày 24/12/2011. VietJet là một trong các hãng hiếm hoi trên thế giới có lãi ngay từ năm thứ 2 hoạt động.
 
Trong 6 tháng đầu năm 2020, CTCP Hàng không VietJet (VJC) vừa công bố báo cáo tài chính soát xét đạt doanh thu 10.970 tỷ đồng, giảm 55% và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 47 tỷ đồng. Hiện tại, bà Thảo đang sở hữu 47,47 triệu cổ phiếu VJC, tương đương với 9,06%.

 

"Nữ tướng" ngành vàng bạc Cao Thị Ngọc Dung - PNJ Việt Nam

 
Ngoài chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ). Bà Dung còn đảm nhiệm nhiều cương vị lãnh đạo, quản lý ở nhiều doanh nghiệp khác mà PNJ là cổ đông lớn.
 
PNJ của bà Dung đang sở hữu các nhãn hiệu trang sức có uy tín và đẳng cấp tại Việt Nam. Đó là trang sức vàng PNJ, trang sức bạc PNJ Silver, dòng trang sức cao cấp CAO Fine Jewellery… Thương hiệu trang sức này đã được xếp vào Top 10 công ty sản xuất và kinh doanh kim hoàn lớn ở khu vực châu Á.
 
Chân dung những nữ tướng bản lĩnh trên thương trường Việt
Bà Cao Thị Ngọc Dung chèo lái con thuyền PNJ
 
Hiện tại, bà Dung đang nắm 9,2% vốn tại PNJ. Tương đương 9.966.714 cổ phiếu; giá trị tài sản của bà Dung lên tới 1.699 tỷ đồng. Bên cạnh những hoạt động cùng PNJ, bà còn đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Á, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Năng lượng Đại Việt… và nhiều vị trí lãnh đạo khác.
 

"Nữ tướng" ngành thời trang Lê Hồng Thủy Tiên - Tập đoàn IPP

 
Năm 2019, bà Lê Hồng Thủy Tiên - vợ ông Johnathan Hạnh Nguyễn có tên trong danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam do Forbes công bố. Bà Lê Hồng Thủy Tiên sinh năm 1970 tại Hà Nội trong một gia đình có 5 anh chị em. Bà là một trong những nhân tố tạo nên hình ảnh của “thế hệ vàng” trong nền điện ảnh Việt Nam những năm 80-90 với dàn diễn viên như Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh…
 
Chân dung những nữ tướng bản lĩnh trên thương trường Việt
Vợ chồng Johnathan Hạnh Nguyễn và Lê Hồng Thủy Tiên
 
Năm 1993, bà quyết định dự thi tuyển làm tiếp viên hàng không cho Hãng Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Cũng trong thời gian này, qua những chuyến bay, bà gặp và kết duyên với doanh nhân Việt kiều Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn IPP.
 
Hiện bà Lê Hồng Thủy Tiên đang điều hành 18/32 công ty con của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương với trên 96 thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Năm 2013, bà Thủy Tiên được tờ Guardian nhận định là một trong những người phụ nữ giàu nhất Việt Nam và là một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực các mặt hàng xa xỉ của thế giới, cùng các khu siêu thị và thương mại lớn.
 
Chân dung những nữ tướng bản lĩnh trên thương trường Việt
Bà Lê Hồng Thủy Tiên tại lễ trao giải nữ doanh nhân Việt tiêu biểu
 
Bà cũng lọt vào danh sách 500 người có ảnh hưởng nhất làng thời trang thế giới do Tạp chí Business of Fashion (BOF) công bố và được tôn vinh “doanh nhân nữ ASEAN tiêu biểu” lần thứ II vào năm 2016.
 

"Nữ tướng" ngành cá tra Trương Thị Lệ Khanh - Công ty Vĩnh Hoàn


Ngay từ khi thành lập, tên của Công ty Vĩnh Hoàn đã mang khát vọng của người sáng lập là vươn ra toàn cầu và tồn tại mãi mãi. Đây cũng là công ty “đa quốc gia” khá đặc biệt với 70% lãnh đạo cấp cao là nữ với Chủ tịch HĐQT Trương Thị Lệ Khanh. “Bà trùm” trong ngành thủy sản cũng vinh dự góp mặt trong top 10 nữ doanh nhân thành đạt do tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn vào tháng 6/2013 dựa trên các tiêu chí: có vai trò quyết định cao nhất trong doanh nghiệp; có thời gian lãnh đạo đủ dài để tạo nên dấu ấn tích cực với công ty và ngành kinh doanh mà họ hoạt động… Có tạp chí từng so sánh, cứ 4 đô la Mỹ doanh thu xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Châu Âu thì một đô la thuộc về Vĩnh Hoàn. Bà Khanh là đại diện duy nhất của ngành hải sản đứng top 10 người giàu trên sàn chứng khoán năm 2014, năm 2017 bà đứng ở vị trí 20 trong top người giàu nhất thị trường chứng khoán. Vĩnh Hoàn cũng có tốc độ tăng trưởng doanh thu ấn tượng trung bình 25% giai đoạn 2007-2014.
 
Chân dung những nữ tướng bản lĩnh trên thương trường Việt
Nữ hoàng cá tra Trương Thị Lệ Khanh
 
Vĩnh Hoàn đang xúc tiến nhiều dự án mới về nuôi trồng, chế biến cá tra, gạo, collagen với sự ra đời của các công ty con làm tiền đề cho sự mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực có liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính.
 

"Nữ tướng" ngành xuất nhập khẩu/ bất động sản Nguyễn Thị Nga - Tập đoàn BRG

 
Tập đoàn BRG do bà Nguyễn Thị Nga làm chủ tịch là một tập đoàn sở hữu rất nhiều sân golf, khách sạn và có khối bất động sản “khổng lồ” tại Việt Nam. Là người con mảnh đất Hà Nội, bà Nguyễn Thị Nga từng là sinh viên lớp Kế hoạch Khóa 19 trường Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân).

Từ năm 1979 đến năm 2000, doanh nhân Nguyễn Thị Nga thử sức tại nhiều vị trí chủ chốt trong ngành may mặc và xuất nhập khẩu. Năm 1993, bà Nguyễn Thị Nga thành lập BRG, khởi tạo với ngành nghề kinh doanh xuất nhập khẩu. Năm 2001, bà Nga rẽ sang một hướng đi mới, lần lượt tạo nên những tiếng vang lớn trong ngành ngân hàng, bất động sản, sân golf, khách sạn… Đó là những bước tiến quan trọng, một bước ngoặt dài cho vị “nữ tướng” tài ba.

Chân dung những nữ tướng bản lĩnh trên thương trường ViệtChân dung bà Nguyễn Thị Nga

Sau gần 3 thập kỷ, Tập đoàn BRG trở thành một công ty đầu tư và hoạt động tập trung chủ yếu các lĩnh vực: Tài chính - Ngân hàng và sân Golf, bất động sản, khách sạn – nghỉ dưỡng... Tập đoàn BRG với vốn điều lệ là 1.800 tỷ đồng (năm 2015) và hiện đang sở hữu rất nhiều bất động sản “vàng” tại khu vực miền Bắc.

Chân dung những nữ tướng bản lĩnh trên thương trường ViệtBà Nguyễn Thị Nga tại lễ trao giải thưởng

Ngày 18/10/2020 vừa qua tại Hà Nội, trong khuôn khổ Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2020, bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG đã vinh dự là một trong 10 cá nhân xuất sắc đạt giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2020.

Thanh Thùy
 
 

ĐỌC NHIỀU