Chân dung ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái - Đại biểu HĐND TP. Hà Nội

07:30 | 12/06/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Doanh nhân Phạm Đình Đoàn không chỉ là người lãnh đạo của Tập đoàn Phú Thái mà còn 2 lần liên tiếp trúng cử trở thành đại biểu HĐND TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2016 - 2021 và 2021 - 2026.

Ông Phạm Đình Đoàn là ai?

Ông Phạm Đình Đoàn sinh ngày: 20/11/1964, quê tại xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội. Hiện nay, ông đang cư trú tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP. Hà Nội.

Về trình độ học vấn, ông tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Hóa thực phẩm, sau đó học lên Tiến sĩ ngành Kinh tế và cũng có trình độ sơ cấp lý luận chính trị. Về ngoại ngữ, ông có bằng Cử nhân tiếng Anh và thông thạo tiếng Pháp ở trình độ D.

Hiện nay, ông đang giữ các chức vụ là Quản lý doanh nghiệp; Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái; Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Thái.

Chân dung ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái - Đại biểu HĐND TP. Hà Nội - ảnh 1

Chân dung ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái

Ngoài công tác tại Tập đoàn Phú Thái ra, ông còn là thành viên Hội đồng Tư vấn kinh doanh Đông Nam Á; Phó Chủ tịch Hội đồng Trung ương các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp gia đình Việt Nam.

Đặc biệt nhất, ông cũng là đại biểu HĐND TP. Hà Nội trong hai nhiệm kỳ liên tiếp là 2016-2021 và 2021-2026 tại đơn vị bầu cử huyện Mê Linh.

Doanh nhân Phạm Đình Đoàn được coi là thế hệ khởi nghiệp thành công đầu tiên của Việt Nam, là người tiên phong, khai phá và đặt nền móng cho mô hình bán lẻ hiện đại, thể hiện rõ ước mơ được vươn tầm quốc tế, nâng cao sức mạnh cạnh tranh của hệ thống phân phối tại Việt Nam với nước ngoài.

Tập đoàn Phú Thái của ông Phạm Đình Đoàn đang làm ăn như thế nào?

Với số vốn ban đầu 3.000 USD năm 1993, Công ty Cổ phần tập đoàn Phú Thái được thành lập, chuyên phân phối xà phòng. Kể từ đó, Phú Thái không ngừng có những bước phát triển quan trọng, trở thành đơn vị phân phối hàng đầu Việt Nam.

từ một công ty nhỏ với chỉ hơn 10 thành viên, qua gần 30 năm tự khẳng định bản thân trên thương trường, tập đoàn Phú Thái của ông Phạm Đình Đoàn đã vươn lên mạnh mẽ, phát triển rộng khắp, đa ngành nghề, đa lĩnh vực. Điển hình như là Phú Thái Holdings có nhiều công ty con như Phu Thai CAT (lắp ráp xe), Phú Thái Group (hàng tiêu dùng), Phú Thái H&B (sức khỏe và sắc đẹp), Kowil (thời trang), GreenVet (thú y), Phú Thái Invest (giáo dục, nhà hàng, dược phẩm).

Chân dung ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái - Đại biểu HĐND TP. Hà Nội - ảnh 2

Trong đó, những lĩnh vực hoạt động chính là bất động sản thương mại (hệ thống siêu thị, kho vận và trung tâm phân phối…), bất động sản (đầu tư xây dựng hạ tầng bất động sản), phân phối, bán lẻ, logistics, công nghiệp.

Doanh nghiệp không ngừng mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua các hợp tác với các Tập đoàn lớn trên thế giới như: Elphistone (Úc), P&G, Catepillar (Mỹ), PON (Hà Lan), Medion (Indonesia), Itochu, Colowide (Nhật Bản), BJC (Thái Lan), Nike, Philips, DutchLady, Winny, Dumex… với định hướng hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, quốc tế hoá.

Tới thời điểm hiện nay, doanh nghiệp đã khẳng định vị thế là một trong những Tập đoàn phân phối và bán lẻ hàng tiêu dùng hàng đầu tại Việt Nam.

Công ty hiện có hơn 50.000 khách hàng trải đều khắp ba miền là các hệ thống chuỗi siêu thị, khách sạn, nhà hàng, đại lý bán buôn, bán lẻ… Nhờ có những định hướng chiến lược đúng đắn, Phú Thái của ông Phạm Đình Đoàn đã và đang đạt tốc độ tăng trưởng liên tục đạt trên 40% năm.

Sở hữu những thành tựu khả quan như vậy, ông Phạm Đình Đoàn là một trong mười doanh nhân Việt Nam được nhận giải thưởng Sao Đỏ (dành cho doanh nhân trẻ tiêu biểu dưới 40 tuổi) trong năm 2005. Doanh nghiệp của ông cũng được vinh danh bằng các giải thưởng cao quý và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam.

 Chân dung ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái - Đại biểu HĐND TP. Hà Nội - ảnh 3

Bản lĩnh và tầm nhìn của một doanh nhân liêm chính

Trong một cuộc phỏng vấn với báo chí, ông Phạm Đình Đoàn, khi đó đang là 1 trong 16 doanh nhân của khối doanh nghiệp, doanh nhân tham gia Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX năm 2015, từng chia sẻ rằng, nếu doanh nhân cứ gặp việc khó là “nhấc điện thoại gọi cho người thân” thì miếng bánh của hội nhập có đặt lên bàn cũng không thụ hưởng được.

Ông chính là một trong những người đầu tiên nói đến yêu cầu liêm chính của doanh nhân. Để Việt Nam có thể hội nhập sâu rộng với thế giới thì những doanh nhân liêm chính, có khả năng quản trị quốc tế, nền tảng văn hóa kinh doanh là những điều vô cùng quan trọng, theo ông Đoàn đánh giá.

Ông là người có kinh nghiệm làm việc với nhiều đối tác nước ngoài, do đó, ông được nghe không ít lời nhận xét về tiềm lực con người, với vị trí địa chính trị của Việt Nam và cơ hội lớn để vượt lên rất nhanh so với các nền kinh tế khác trong khu vực. Chính vì nhìn thấy nhiều cơ hội như vậy nên ông càng khao khát và nỗ lực để bứt phá.

Chân dung ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái - Đại biểu HĐND TP. Hà Nội - ảnh 4

Ông Đoàn từng là đại biểu HĐND TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021

Tuy nhiên, cùng với cơ hội thì ông Đoàn cũng cho rằng, còn có nhiều nguyên do ngăn cản sự phát triển lâu dài, đó chính là thể chế. Cách làm ăn xoay sở, lợi dụng kẽ hở được hậu thuẫn bằng chính môi trường kinh doanh, môi trường chính sách còn nhiều lỗ hổng, còn nhiều rào cản…

Là Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp gia đình Việt Nam, ông Đoàn thường xuyên có cơ hội nói chuyện cùng nhiều ông chủ tập đoàn lớn trong khu vực và thế giới. Từ họ, ông cũng rút ra nhiều kinh nghiệm quan trọng để đem về chia sẻ với những doanh nhân trẻ tại Việt Nam.

Trong nhiều cuộc giao lưu, ông cũng thường chia sẻ về câu chuyện của các tỷ phú thế giới. Thông qua đó, ông mong muốn mọi người thấy sức làm việc không giới hạn của những doanh nhân thành công cùng cách sống thân thiện, giản dị. Đó là hình ảnh ngược lại với sự hào nhoáng, xa hoa mà không ít doanh nhân Việt đang cố thể hiện.

Với cương vị là một người kinh doanh, ông Phạm Đình Đoàn luôn cho rằng, trách nhiệm của người kinh doanh là phải làm ăn có văn hóa và cả sự liêm chính, đúng pháp luật, kinh doanh có đạo đức, chứ không phải cào cấu tài nguyên để tạo ra lợi nhuận rồi đi làm từ thiện. Đó mới là trách nhiệm với đất nước mà mỗi doanh nhân cần phải nhìn nhận, để cùng sự liêm chính của Chính phủ, của Nhà nước thúc đẩy, bảo vệ và phát triển đất nước hơn nữa.

Xem thêm: Ông Nguyễn Thanh Nam - Tổng giám đốc Transerco vừa trở thành đại biểu HĐND TP. Hà Nội là ai?

Phương Thúy

ĐỌC NHIỀU